Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hội thảo nhà Nguyễn (1)


Ngày 06.10.2008, 07:28 (GMT+7)
Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19
Lợi ích đất nước đòi hỏi phải nhận thức lại
Hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề này diễn ra vào ngày 18 – 19.10 tại thành phố Thanh Hoá với 88 báo cáo của các học giả trong và ngoài nước. Giới sử học nhìn nhận rằng với sự đánh giá đầy đủ, công bằng và khách quan về giai đoạn này, nhất là triều Nguyễn, một khớp nối quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, lần đầu tiên lịch sử Việt Nam sẽ trở nên liền mạch. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh chủ đề này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc – tổng thư ký hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Xin ông cho biết việc nhận thức lại vai trò của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt ra vào thời điểm nào, và trong bối cảnh nào?
Thứ nhất, việc nhận thức lại được đặt ra trong công cuộc đổi mới, với thực tiễn của đổi mới và nguyên lý ban đầu là “dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”. Nguyên lý đó ít nhất là một động lực của người làm sử để nhìn nhận lại giai đoạn lịch sử đó. Thứ hai, lịch sử là một quá trình nhận thức, bởi ở đó có các yếu tố về khoa học, trình độ hiểu biết, và lợi ích. Do yếu tố đó mà một thời kỳ chúng ta đánh giá giai đoạn lịch sử thời Nguyễn không công bằng, không khách quan, và quan trọng là không chính xác.
Khi có công cuộc đổi mới, chúng ta có cơ hội đánh giá lại, và nhất là khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chống ngoại xâm qua rồi, thì hơn bao giờ hết chúng ta càng phải đề cao khối đại đoàn kết toàn dân. Có nhiều vấn đề của lịch sử đã nảy sinh ra từ đó.
Cái lớn nhất của nhà Nguyễn làm được là nối tiếp được các thế hệ trước, bao gồm các chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn trong việc củng cố được chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cho đến giữa thế kỷ 19 khi người Pháp đô hộ. Lúc đó nước Đại Nam đã phát triển đến một trình độ tương đối cao trong khu vực
Những yếu tố “khoa học, trình độ hiểu biết và lợi ích” mà ông đề cập đã thay đổi như thế nào để dẫn đến cái nhận thức như hiện nay, ít nhất là trong giới sử học?
Chính lợi ích phát triển đất nước đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu. Ví dụ như vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Khi chúng ta phải bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta phải nghĩ đến ai là người có đóng góp đầu tiên trong việc mở mang phần lãnh thổ ấy, ai là người đã tạo ra chứng lý để ngày nay chúng ta có cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền. Đến lúc này chúng ta phải nói đến thời kỳ các chúa Nguyễn và vua Minh Mệnh. Các chúa Nguyễn, những người đầu tiên tổ chức những đội quân ra quản lý những vùng biển đảo xa xôi như thế, và những hoạt động đó trở thành chứng lý rất thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam ở đó. Còn vào thời kỳ vua Minh Mệnh, tấm bản đồ Đại Nam có vẽ rất rõ ràng về quần đảo Trường Sa.
Những điều đó ngoài vai trò bằng chứng còn nói lên trình độ quản lý và phương cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của cái triều đại lâu nay bị coi là lạc hậu, không đại diện cho lợi ích dân tộc. Từ cái “vỡ lẽ” ấy chắc chắn người ta sẽ có thể có cái nhìn nhận khách quan, công bằng hơn.
Nhận thức chung trong giới sử học về vai trò của triều Nguyễn hiện nay như thế nào? Nhà Nguyễn đã để lại những di sản và bài học gì?
Cái lớn nhất của nhà Nguyễn làm được là nối tiếp được các thế hệ trước, bao gồm các chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn trong việc củng cố được chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cho đến giữa thế kỷ 19 khi người Pháp đô hộ. Lúc đó nước Đại Nam đã phát triển đến một trình độ tương đối cao trong khu vực.
Đánh giá nhà Nguyễn, đặc biệt trên lĩnh vực giữ nước, chúng ta có nhiều điều phải suy nghĩ, phải thừa kế. Nhà Nguyễn tương đối ngắn so với các triều đại khác (nhà Lê hơn 300 năm, nhà Lý và nhà Trần trên dưới 200 năm), nhưng nó quan trọng vì nó là cái khớp nối chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, thời kỳ thế giới bắt đầu hội nhập với nhau.
Việc nghiên cứu về nhà Nguyễn không chỉ giải đáp những vấn đề khoa học thuần tuý về lịch sử, mà quan trọng nhất là tạo ra một nhận thức xã hội. Tại sao nhiều người quan tâm tới những hội thảo về chủ đề này, kể cả các nhà nghiên cứu nước ngoài và các nhà khoa học Việt kiều? Bởi mọi người đều quan tâm đến việc thúc đẩy đất nước phát triển. Mà muốn thúc đẩy phát triển chúng ta phải hoá giải được nhiều vấn đề quá khứ.
Sự nhìn nhận lại có vai trò gì đối với những thế hệ hiện tại và tiếp theo?
Những trường hợp nhiều vị vua chúa Nguyễn, cũng như quan lại của triều đình nhà Nguyễn, như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký…, chúng ta đã đối xử thiếu công bằng. Vấn đề nhận thức đầy đủ hơn không phải là vấn đề giải toả bất công cho nhân vật này, nhân vật kia, mà quan trọng hơn, chúng ta nhận thức được quy luật phát triển của quốc gia, để nó không bị đứt đoạn trong nhận thức bởi những quan điểm thiếu khách quan.
Chúng ta làm được thì thế hệ hiện nay và tiếp theo nhận thức được quá khứ một cách minh bạch, sáng tỏ hơn, và điều quan trọng người ta sẽ nhìn nhận hiện tại rõ ràng hơn bởi hiện tại chính là lịch sử, là quá khứ trong tương lai.
Với bầu không khí chính trị thuận lợi hơn và nhận thức trong xã hội, nhất là trong giới lãnh đạo, đã cởi mở hơn, liệu có thúc đẩy quá trình nhận thức, đánh giá lại giai đoạn lịch sử hiện đại một cách đầy đủ và khách quan hơn?
Theo tôi lịch sử là một thể thống nhất, đừng tách ra. Tôi cho nhận thức thay đổi quan trọng nhất là nhận thức về phương pháp tư duy, sau đó mới đến nhận thức cụ thể, bởi xã hội là một cái gì đó hết sức phức tạp. Cho nên nếu chúng ta không thống nhất với nhau về phương pháp thì hệ quả của nó rất phức tạp, bởi nó sẽ động chạm. Chúng ta nên hoá giải nó, thay vì kích động. Bản thân người dân cũng hiểu rằng đây là việc khó tránh trong lịch sử, với bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó. Nhưng mặt khác, đương nhiên cũng phải có những người phải đứng ra chịu trách nhiệm về sai lầm đó.
Huỳnh Phan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét