Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Việt Nam phải trổ tài ngoại giao để giữ đồng thuận


Ngày 01.01.2010, 21:33 (GMT+7)
Việt Nam làm chủ tịch ASEAN
Việt Nam phải trổ tài ngoại giao để giữ đồng thuận
Việt Nam quyết tâm quảng bá một hình ảnh mới là một quốc gia hành động cụ thể, chứ không chỉ giỏi viết nghị quyết, như phân công trong khối COMECON (hội đồng Tương trợ kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa cũ).
Ngôi đền Preah Vihear, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Trong cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải can thiệp vào những tranh chấp như thế này. Trong ảnh là cuộc xung đột dữ dội giữa phe biểu tình “áo vàng” thuộc liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) gồm khoảng 5.000 người, với cảnh sát và người dân địa phương tại khu vực trên đất Thái Lan gần ngôi đền tranh chấp Preah Vihear hồi tháng 9.2009. Những người biểu tình PAD đã vượt qua các rào chắn và tập trung tại chân ngôi đền. Ảnh: AFP
Ông Phạm Hữu Chí, vụ trưởng Chính sách đối ngoại, bộ Ngoại giao, nói vui như thế về việc Việt Nam chọn chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn tới hành động” trong năm chủ tịch của mình. Còn theo GS Carlyle Thayer, học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, trước khi xác định những hành động cần làm, Việt Nam cần xác định những thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong năm 2010, cũng như những thách thức của vị trí chủ tịch.
Thách thức đối với ASEAN
Theo GS Thayer, trong hàng loạt các thách thức của ASEAN, trong năm tới nổi cộm lên ba vấn đề lớn.
Thứ nhất, vai trò của khối này trong việc thuyết phục Myanmar tổ chức một cuộc bầu cử theo đúng lịch trình cam kết. Những thế lực bên ngoài, như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), muốn chứng kiến một cuộc bầu cử tự do và công bằng trên cơ sở hoà giải giữa các phe phái. Hiện giờ, các thành viên ASEAN vẫn chưa thống nhất về cách thức giải quyết, và nếu sự kiện này không diễn ra đúng như mong đợi, sự kết dính của ASEAN và mối quan hệ của khối này với phương Tây sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thứ hai là việc thực hiện Hiến chương ASEAN, để biến các quyết định của khối này mang tính ràng buộc nhiều hơn. Với tư cách một hiệp hội, ngay từ khi thành lập (1967), ASEAN theo đuổi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một thành viên khác, cũng như nguyên tắc đồng thuận. Tuy nhiên, với hiến chương mới, ASEAN có khả năng ra quyết định theo sự đồng ý của đa số. Vấn đề ở đây là đưa ra các thoả thuận có tính ràng buộc và yêu cầu tất cả các thành viên phải thực hiện các thoả thuận đó.
Chẳng hạn, đối với uỷ ban Liên chính phủ về nhân quyền (AICHR), quan điểm của các thành viên vẫn khác nhau về quy mô và quyền hạn của nó. Các tổ chức xã hội dân sự ở những nước như Philippines, Thái Lan, Malaysia và Indonesia có thể gia tăng sức ép buộc chính phủ của họ và cả khối ASEAN phải hành động, cũng như sẽ tổ chức những mạng lưới giữa các nước thành viên.
Thứ ba, ASEAN, với tư cách là một tổ chức khu vực, phải làm sao đảm bảo để các nước có liên quan như Trung Quốc và Ấn Độ, hay những nhóm có ảnh hưởng như G20, tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Để thể hiện vai trò này, ASEAN cần phải tự củng cố sức mạnh bản thân bằng cách thực hiện lộ trình tiến tới một Cộng đồng ASEAN.
Thách thức và hành động của nước chủ tịch
Phó Thủ tướng – bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho biết Việt Nam phải phối hợp với các nước thành viên nhằm thông qua các hành động cụ thể đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng ba trụ cột Cộng đồng ASEAN và kế hoạch giai đoạn 2 về thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong năm 2010, ASEAN, theo ông Khiêm, phải hoàn tất soạn thảo các văn kiện pháp lý bổ sung cho hiến chương.
Giáo sư Thayer cho rằng thách thức đối với Việt Nam, với tư cách là chủ tịch ASEAN, không chỉ nằm ở việc tìm kiếm được sự đồng thuận trong việc thực hiện các nội dung do mình đưa ra. “Quan trọng hơn là những kế hoạch đó phải có tầm nhìn quá năm 2010, để ASEAN có thể đạt được mục tiêu trở thành một cộng đồng thực sự vào năm 2015”, GS Thayer nói.
Nhận xét này của GS Thayer nhận được sự tán đồng của giới nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Việt Nam. “Ảnh hưởng và vai trò của Việt Nam, thể hiện trong các thoả thuận, quyết sách, sẽ phải kéo dài không chỉ trong nhiệm kỳ chủ tịch, mà còn có thể trong hai năm tiếp theo, bởi các chủ tịch kế tiếp là Brunei và Campuchia không có tầm ảnh hưởng lớn trong khối”, một nhà nghiên cứu ASEAN của học viện Ngoại giao, giấu tên, nói.
Một thách thức nữa đối với cương vị chủ tịch ASEAN, theo GS Thayer, là Việt Nam phải đóng vai trò cầu nối trong việc giải quyết những bất đồng giữa các thành viên ASEAN, trong việc thực hiện hiến chương và trong khuôn khổ AICHR. Chẳng hạn, như bất ổn chính trị ở Thái Lan, đụng độ giữa nước này và Campuchia liên quan tới tranh chấp khu đất quanh đền Preah Vihear, hay tranh chấp giữa Indonesia và Malaysia đối với đảo Ambalt và vùng nước xung quanh. “Việt Nam phải trổ tài ngoại giao để không khí đồng thuận chiếm ưu thế và sự chia rẽ giữa các thành viên không gia tăng”, GS Thayer nhận xét.
Lãnh đạo Việt Nam cũng đã ý thức được chuyện này. Ông Khiêm nói: “Trong ASEAN cũng có những vấn đề phức tạp, như Myanmar, hay quan hệ Thái Lan – Campuchia…, và nhiệm vụ của chúng ta, với tư cách chủ tịch, là phải làm thế nào duy trì sự đoàn kết giữa các thành viên”.
Định vị Việt Nam trong ASEAN
Giáo sư Thayer cho rằng để thực hiện tốt vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2010, và tiếp tục có vai trò ảnh hưởng trong ASEAN, Việt Nam phải xác định rõ bản sắc của mình với tư cách một quốc gia. “Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước đang phát triển, một quốc gia Đông Á, hoặc một quốc gia Đông Nam Á? Hay bản sắc quốc gia của Việt Nam gắn chặt với tư cách thành viên của ASEAN, mang bản sắc ASEAN”, GS Thayer đặt vấn đề.
Giới nghiên cứu chiến lược ngoại giao cho rằng Việt Nam cần định vị mình trong ASEAN, với tư cách một thành viên ASEAN, kể cả trong mối quan hệ với các nước bên ngoài, bởi như vậy Việt Nam có thêm sức mạnh của cả khối lên bàn cân lợi ích khi đàm phán với các cường quốc, hay khối khác.
Ông Khiêm khẳng định chắc chắn điều này, khi nói: “Quan điểm của Việt Nam là ASEAN là một khối, một khối trung tâm trong quan hệ với các đối tác ngoài khu vực, chứ không phải từng nước Đông Nam Á riêng lẻ và ăn lẻ. Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm”.
Ông Khiêm cho biết trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam, thông qua các quan hệ của mình, sẽ thúc đẩy việc hợp tác giữa ASEAN với các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ và các cường quốc Đông Á, cũng như các khu vực khác như EU, Vùng Vịnh, hay Mỹ Latinh. Mặc dù là nước chủ tịch, chủ nhà, theo ông Khiêm, Việt Nam có thể có những lợi ích song phương từ các diễn đàn đa phương như Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN cộng, ARF…, Việt Nam vẫn sẽ luôn đặt lợi ích của khối ASEAN lên trước lợi ích riêng của mình.
“Ngay cả những vấn đề tranh chấp Biển Đông, việc thương thảo, đối thoại với Trung Quốc cũng được tiến hành với tư cách một khối ASEAN, trên cơ sở tiếp tục triển khai Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử Biển Đông”, ông Khiêm khẳng định.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét