Ngày 04.01.2010, 07:15 (GMT+7)
Xem lại vai trò và cách thức can thiệp của Nhà nước
SGTT - Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, diễn ra vào đầu tháng 12.2009, giám đốc ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa có khuyên Việt Nam nên đánh giá toàn diện lại chặng đường đổi mới đã qua, để từ đó xác định chặng đường đi tiếp như thế nào. Thực ra, trước đó bộ Kế hoạch và đầu tư đã bắt đầu chuẩn bị bản đánh giá này, và dự kiến sẽ trình Thủ tướng vào đầu tháng 2.2010. Dưới tiêu đề “Đề án tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, bản đánh giá này nhằm đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương, tổ phó tổ soạn thảo, xung quanh đề án này.
Xin ông cho biết đề án đề cập tới những vấn đề gì?
Trong phần nhìn nhận lại (chặng đường đổi mới đã qua), theo chúng tôi, cái không được lớn nhất là sự phân bổ nguồn lực, bao gồm đầu tư tiền bạc, tài nguyên, và nhân lực, chưa mấy hiệu quả. Trong việc phân bổ nguồn lực, Nhà nước được đánh giá dưới hai góc độ, là người quản trị phát triển chung và là ông chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Ở cả hai góc độ đó, đều có vấn đề rất lớn.
Theo tôi, trong giai đoạn tiếp theo, vai trò của Nhà nước vẫn rất lớn, và nằm ở ba điểm rất quan trọng. Thứ nhất, tạo dựng ra được những thể chế để thị trường vận hành hoàn hảo hơn, huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Thứ hai, phải thúc đẩy phát triển sáng tạo. Thứ ba là giảm thiểu rủi ro bất ổn vĩ mô, giải quyết được những vấn đề xã hội và môi trường.
Bản chất của đề án này là làm sao gạt bỏ những cản trở cho việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả nhất cho phát triển bền vững, dưới cả góc độ môi trường và xã hội. Sự phân bổ có hiệu quả còn được nhìn dưới góc độ ngành, vùng và thành phần kinh tế. Như vậy, đề án này xoáy vào vai trò và cách thức can thiệp của Nhà nước, nhất là những cách thức can thiệp nhất thiết phải được thay đổi.
Sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ, đây đó, kể cả ở cấp cao, có người cho rằng mô hình kinh tế thị trường tự do cũng chẳng ưu việt hơn mô hình lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo như Việt Nam, với sự can thiệp rất sâu của Nhà nước. Liệu suy nghĩ đó có thể dẫn đến chỗ cản trở quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế thị trường thực sự hay không?
Đúng là vẫn có những tư tưởng cho rằng khi kinh tế thị trường tự do thất bại, nên quay lại với sự can thiệp của Nhà nước theo cách cũ, tức là Nhà nước nắm giữ mọi nguồn lực, dùng nguồn lực đó để sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Quan điểm của tôi là phải nhìn dài hơn. Lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử của nhiều thăng trầm, và một trong những biểu hiện đó là khủng hoảng. Không ai muốn khủng hoảng xảy ra, nhưng khủng hoảng, ngoài cái tiêu cực, cũng có cái tích cực. Bởi, sau đó, sự quản lý của Nhà nước và sự vận hành của nền kinh tế, cũng từ bài học đó, được điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn.
Hơn nữa, trong các cuộc khủng hoảng có thể thấy rõ thất bại của Nhà nước cũng phổ biến như thất bại thị trường. Trong cuộc khủng hoảng vừa rồi, thất bại của thị trường nằm ở chỗ hệ thống tài chính bất đối xứng thông tin với những điều chỉnh quá mức. Chẳng hạn người ta chấp nhận rủi ro quá lớn do ham hố lợi nhuận. Trong khi đó, thất bại của Nhà nước liên quan đến vai trò giám sát hệ thống tài chính.
Có một nhà kinh tế nước ngoài nghiên cứu sâu về Việt Nam đã nói vui tại một hội thảo: “Tôi xin tiết lộ cho các vị một thông tin tuyệt mật rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã đổi tên thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Hoa Kỳ, bởi nhà nước đã trở thành chủ sở hữu lớn nhất của các tập đoàn tài chính lớn nhất, và cả những tập đoàn sản xuất lớn, như General Motors”.
Thực ra, việc Chính quyền Mỹ bỏ hàng núi tiền vào các tập đoàn trên chỉ là sự can thiệp tạm thời để tránh sự đổ vỡ dây chuyền. Còn quan điểm của họ, về lâu về dài, là sẽ bán dần cổ phiếu, khi kinh tế đã có sự phục hồi. Và họ đã không bị lỗ như tính toán ban đầu, bởi chỉ số chứng khoán tăng lên.
Mục tiêu của Việt Nam là trở thành một nước thu nhập trung bình vào năm 2020. Vậy việc Việt Nam được coi là đạt mức thu nhập GDP bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào năm 2010 này có ý nghĩa gì không?
Việt Nam vượt qua ngưỡng các quốc gia nghèo, và bắt đầu chuyển sang mức thu nhập trung bình, nhưng ở mức rất thấp. Con số đó, quan trọng hơn, đã đánh dấu rằng con đường chúng ta đang đi cũng có những thành công nhất định, sau một chặng đường dài đổi mới.
Nhưng, mặt khác, đây cũng là cái mốc cảnh báo chúng ta rằng, mới ở mức 1.000 USD/năm, khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đã rất lớn. Như vậy, sau mười năm tới khoảng cách này có giãn thêm nữa không, đến mức nào? Bởi, khoảng cách giãn ra này không chỉ thể hiện sự bất bình đẳng về thu nhập, mà có khi còn thể hiện sự bất công, có khi dẫn đến bất ổn xã hội.
Trong kinh tế thị trường có bất bình đẳng tốt và bất bình đẳng xấu. Cái bất bình đẳng tốt, tạo động lực cho sáng tạo, là trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thông tin đầy đủ, không có ai chèn ép được ai, không có ai thao túng được giá cả, thị trường trả cho người giỏi cao hơn, thậm chí rất, rất cao.
Còn cái bất bình đẳng xấu được thể hiện dưới hai góc độ. Thứ nhất, sự tiếp cận cơ hội không bình đẳng, bị méo mó bởi quan hệ hay định kiến xã hội. Chẳng hạn, sự phân biệt đối xử liên quan đến giới, hay tầng lớp xuất thân, như giữa con ông cháu cha và con phó thường dân… Thứ hai, bất bình đẳng do tham nhũng gắn với lạm dụng quyền lực của bộ máy nhà nước.
Ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu về người nghèo, và khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, đã có những nghiên cứu về tầng lớp trung lưu. Nhưng không hề có nghiên cứu bài bản về người giàu, mà thảng hoặc chỉ có các con số thống kê về thu nhập, tài sản, hay những câu chuyện cụ thể.
Theo tôi, nghiên cứu người giàu, cùng với người nghèo và trung lưu, đều là những giai tầng của xã hội, được gắn với sự phát triển theo nghĩa rộng nhất. Hơn nữa, nhờ đó mà chúng ta tìm ra được bản chất thật của khoảng cách trong phát triển giữa các tầng lớp khác nhau.
Ngay trong chính sách, có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo. Nhưng lại cũng có những chính sách hỗ trợ người giàu, vì cho rằng họ biết cách làm ăn hiệu quả, và qua đó tạo việc làm, nộp thuế nhiều để Chính phủ quay lại hỗ trợ cho người nghèo.
Trung Quốc là một ví dụ. Họ đã ưu tiên doanh nhân, ưu tiên phát triển khu vực có ưu thế so sánh lớn hơn là phía bờ đông. Nhưng họ chưa hẳn đã thành công. Những bất ổn gần đây của họ là do chưa điều hoà được chuyện đó, do sự giàu lên quá nhanh của một tầng lớp, một khu vực, trong khi sự lan toả cần thiết cho khu vực kia lại quá chậm. Người chịu thiệt thòi cảm thấy chính sách của chính phủ bất công với họ.
Huỳnh Phan (thực hiện)
Kết hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, ngăn ngừa lạm phát và giảm nhập siêu
Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Nguyên tắc cơ bản của điều hành kinh tế vĩ mô là phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và giữa các công cụ của chính sách tiền tệ; xử lý phù hợp mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt là cán cân thương mại; quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng, ngăn ngừa lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng.
Phải phát huy tốt hơn vai trò điều tiết của Nhà nước, nhất là một nước đang trong quá trình chuyển đổi như nước ta, khi mà cơ chế thị trường chưa hình thành đồng bộ, các cân đối của nền kinh tế chưa thật vững chắc và môi trường cạnh tranh vẫn còn khiếm khuyết. Nhà nước can thiệp vào thị trường là để các quy luật của kinh tế thị trường được vận hành theo đúng mục tiêu mà không làm méo mó các quan hệ thị trường và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Khi sử dụng các công cụ điều tiết phải hết sức chú ý đến mức độ và thời gian để đạt hiệu quả cao và chi phí thấp. Phải lường trước các phản ứng của thị trường, nếu các phản ứng này có nguy cơ làm sai lệch những cân bằng cơ bản và gây mất ổn định kinh tế vĩ mô thì nhất thiết phải được điều chỉnh kịp thời.[…]
Đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thương mại là một trong những cân đối quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù còn có những khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm nhưng tình hình là thuận lợi hơn năm 2009.
(Trích bài viết đầu năm gởi các cơ quan báo chí của Thủ tướngNguyễn Tấn Dũng)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét