Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Góc nhìn từ doanh nghiệp Việt Nam


Ngày 09.03.2009, 09:32 (GMT+7)

Những loại máy công nghiệp của Nhật tại một triển lãm ở TP.HCM. Ảnh: Lê Hồng Thái
Hôm nay 9.3, một phái đoàn của viện Công nghệ thực phẩm Nhật Bản do giáo sư Ramon Reguro dẫn đầu sẽ bắt đầu chuyến tìm hiểu Việt Nam kéo dài một tuần. Mục đích chuyến đi là khảo sát hiện trạng của ngành công nghiệp thực phẩm, thị trường nội địa và khả năng xuất khẩu sang Nhật, chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam và cơ hội đầu tư vào Việt Nam đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Nhật.
Theo ông Đỗ Kim Lang, trưởng phòng thông tin – đối ngoại của cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), bộ Công thương, với chuyến khảo sát này, Nhật muốn tìm đến nguồn cung cấp thực phẩm khác an toàn hơn trước thái độ tẩy chay thực phẩm nhập từ Trung Quốc sau những sự cố “melamine trong sữa”, hay ngộ độc do bánh bao.
Những thông tin thu thập trong chuyến đi này sẽ phục vụ cho các doanh nghiệp Nhật tham dự hội thảo “Đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” do viện này tổ chức vào 26.3 tới tại Tokyo. Vietrade hy vọng, nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, nhiều nhà chế biến thực phẩm Nhật có thể chuyển hẳn cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc qua Việt Nam.
“Sáng kiến chung Nhật – Việt đã nhấn mạnh rằng phía Việt Nam không chỉ mong muốn phía Nhật đầu tư vào một ngành công nghiệp nhất định nào đó, mà còn muốn Nhật giúp Việt Nam phát triển nó, tức là giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hiroshi Kobayashi, đại diện phụ trách dự án tại Hà Nội của tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) nói.
Về vấn đề này, giáo sư Kenichi Ohno, giám đốc Diễn đàn phát triển Việt Nam, nhận xét: “Tuy phía Việt Nam tha thiết yêu cầu chúng tôi giúp đỡ, nhưng gần một thập kỷ rưỡi qua, các nhà hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vẫn cứ bình chân như vại. Có vẻ như họ coi đó là việc riêng của người Nhật chúng tôi”.
Triển lãm ngược
Theo ông Kobayashi, một điều tra của Jetro cách đây 5 – 6 năm cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cảm giác tự ti, khi cho rằng làm sao “với” được mấy ông Nhật “cành cao”. Cũng theo điều tra này, các doanh nghiệp Nhật lại cho rằng, tuy thực trạng của doanh nghiệp cũng là một yếu tố khi lựa chọn đối tác, nhưng yếu tố quan trọng hơn là nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Xuất phát từ nhận thức đó, cách đây năm năm Jetro đã lần đầu tiên tổ chức triển lãm về nội địa hoá tại TP.HCM, trước khi tổ chức tiếp hai cuộc nữa ở Hà Nội và TP.HCM vào cuối các năm 2007 và 2008. Mục đích của các nhà tổ chức kiểu “triển lãm ngược” này là tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc tiếp xúc, có thể “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” vào các sản phẩm phía Nhật muốn đặt hàng, để từ đó xem có thể đáp ứng được hay không.
Bày tỏ thiện chí
Tại lần triển lãm đầu tiên, ông Kobayashi kể, mỗi giám đốc doanh nghiệp Việt Nam, được tháp tùng bởi một cô thư ký mặc áo dài, xinh đẹp và chân dài, thường chỉ trao đổi vài câu, trước khi để lại brochure về công ty mình. Tất nhiên, không có hợp đồng nào được ký kết. Tại lần triển lãm thứ hai, khi đã biết doanh nghiệp Nhật cần gì, phía Việt Nam đã có những trao đổi sâu hơn về chuyên môn. Kết quả là có 5 – 6 hợp đồng được ký kết.
Theo ông Kobayashi: “Khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật, các bạn đừng vội nản lòng, bởi các công ty Nhật luôn muốn thử thách bạn thông qua thái độ tích cực và chủ động trong việc cung cấp thông tin”.
Sau khi gửi tài liệu giới thiệu, hay bản fax giới thiệu về công ty mình, các doanh nghiệp Việt Nam thường phàn nàn rằng các doanh nghiệp Nhật không hề phản hồi lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật lại nói rằng họ chờ đợi các phía Việt Nam gọi điện khẳng định lại tài liệu đã đến chưa, có cần thêm thông tin gì hơn không… Điều này thể hiện rằng doanh nghiệp Việt Nam thực sự muốn hợp tác với doanh nghiệp Nhật”, ông Kobayashi giải thích.
Các doanh nghiệp Nhật, trước tiên, thường quan tâm các thông tin rất cụ thể về định lượng, như số lượng nhân viên, vốn pháp định, doanh thu, khách hàng là ai… Đây là điều kiện cần, bởi theo quan niệm của người Nhật, một lãnh đạo doanh nghiệp nghiêm túc không thể không biết điều này. Sau đó, doanh nghiệp Nhật sẽ hỏi tiếp chủ doanh nghiệp Việt Nam đánh giá về doanh nghiệp mình thế nào, tình hình thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển doanh nghiệp… Đây là điều kiện đủ để xác lập mối quan hệ đối tác bền vững.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét