Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Bước tiến tích cực nhưng chưa đủ xa


Ngày 31.07.2009, 09:25 (GMT+7)
Trung Quốc chia sẻ thông tin về các dự án thuỷ điện sông Mekong
Bước tiến tích cực nhưng chưa đủ xa
Cá da trơn khổng lồ là đặc sản của sông Mekong. Càng ngày, loài cá này càng biến mất khỏi lòng sông vì ô nhiễm và thay đổi dòng chảy. Một trong những nguyên nhân là các con đập được xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: AP
SGTT - Giáo sư Carl Thayer, học viện Quốc phòng Úc, một người đã nhiều năm theo dõi vấn đề sông Mekong, có bài viết nhân cuộc đối thoại lần thứ 14 giữa các thành viên uỷ ban sông Mekong với Trung Quốc và Myanmar. Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng giới thiệu
Theo thông báo của uỷ ban sông Mekong (MRC), tại cuộc đối thoại lần thứ 14 giữa các thành viên MRC với Trung Quốc và Myanmar, đại diện Trung Quốc đã tái khẳng định sẵn sàng chia sẻ thông tin về các dự án thuỷ điện đang vận hành, đang xây dựng và dự kiến xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, một số biện pháp mà nước này đang thực hiện nhằm tránh thay đổi dòng chảy, ở khu vực hạ lưu, cũng như cam kết tham gia đánh giá môi trường chiến lược mà MRC đang tiến hành đối với các dự án thuỷ điện dự kiến xây dựng ở khu vực hạ lưu con sông này.
Trưởng đoàn Trung Quốc Điêu Minh Thanh nói: “Với việc thực hiện thoả thuận (ký tại cuộc đối thoại lần thứ 13 về cung cấp thông tin thuỷ học thượng nguồn sông Mekong), Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước hạ nguồn giám sát lũ”.
Lợi dụng sự bất cập của các định chế
Hiện có hai định chế đa phương chính liên quan đến sự phát triển của sông Mekong và vùng lưu vực của nó. Đó là Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và MRC. MRC được thành lập năm 1995, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong khi Trung Quốc và Myanmar không tham gia, khiến người ta phải thiết lập một cơ chế đối thoại với hai nước này.
Chính quyền trung ương Trung Quốc không phải thành viên của cả hai định chế trên. Thiếu sự tham gia chính thức của chính quyền trung ương Trung Quốc đã cản trở tính hiệu lực của cả hai định chế trên. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Thượng Mekong (Lạn Thương) và coi việc xây dựng hàng loạt đập lớn ở thượng nguồn là công việc nội bộ của họ, bất chấp ảnh hưởng tiềm tàng đối với việc cạn kiệt của hạ nguồn.
Có thể nói sự hợp tác đa phương để phát triển lưu vực sông Mekong và Tiểu vùng Mekong mở rộng là con tin của sự vắng mặt của chính quyền trung ương Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục xây dựng thêm đập, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy và hệ sinh thái, gồm cả vựa lúa của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long.
MRC và GMS, mặc dù có mục tiêu chung, lại theo đuổi những mục tiêu này bằng các phương thức và cấu trúc khác nhau. Trung Quốc đã cố tình thúc đẩy sự chồng chéo của hai định chế khiêm tốn này nhằm tách việc phát triển kinh tế khỏi vấn đề môi trường. Với tư cách là một lãnh tụ trong khu vực, Trung Quốc đã tập trung vào việc điều phối chính sách có lợi cho mình, mặt khác lại tách hai định chế này ra bằng sự tham gia có lựa chọn. Chẳng hạn, những nước như Việt Nam thật khó có thể nêu những quan ngại của mình về lưu lượng dòng chảy theo mùa ở hạ lưu sông Mekong tại MRC hay GMS, bởi Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, trong khi GMS chỉ tập trung vào thương mại qua biên giới và phát triển hạ tầng.
Sức ép quốc tế
Động thái kể trên của Trung Quốc tại MRC có sự đóng góp quan trọng của sức ép quốc tế từ ngoài khu vực, một phương cách mà các nước hạ lưu sông Mekong đang theo đuổi, khi hai định chế của họ chưa đủ khả năng tạo ra.
Đối với Trung Quốc, sự can dự trở lại ở khu vực Đông Nam Á nói chung, và Đông Dương nói riêng, là khá nhạy cảm. Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm tới những gì diễn ra trong cuộc gặp tuần trước giữa ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với những người tương cấp từ bán đảo Đông Dương bên lề diễn đàn An ninh khu vực (ARF) liên quan đến môi trường hạ lưu sông Mekong.
Những chỉ trích của quốc tế với tình trạng ô nhiễm trong nước và vị trí của Trung Quốc với tư cách là quốc gia có đóng góp lớn vào việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất ấm lên. Nước này muốn đẩy trách nhiệm xử lý vấn đề này cho các nước công nghiệp hàng đầu.
Nhưng Trung Quốc theo đuổi sự hợp tác với Mỹ trên diện rộng với rất nhiều lĩnh vực, và không hề muốn bất cứ lĩnh vực đơn lẻ nào gây bế tắc cho quan hệ song phương. Vì vậy, tôi nghĩ cuối cùng Trung Quốc cũng phải đáp lại các sức ép để ứng xử với sự tôn trọng với các vấn đề môi trường.
Thông tin chung, hành động vẫn đơn phương
Việc Trung Quốc tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong trong cuộc đối thoại với các thành viên MRC là một bước tiến tích cực, nhưng chưa đủ xa như mọi người mong đợi. Bởi gần đây họ cũng không giấu giếm rằng họ từ chối chấp nhận các nguyên tắc quản lý nguồn nước đã được MRC thông qua. Trung Quốc đã đáp lại đòi hỏi về cung cấp thông tin của các thành viên hội uỷ Mekong bằng cách đảm bảo rằng điều này “đang đáp ứng các nhu cầu về môi trường, dòng chảy và sử dụng nguồn nước của các quốc gia khu vực hạ lưu sông Mekong”. Nhưng cung cấp thông tin chưa phải là tham vấn trên cơ sở bình đẳng.
Nói một cách khác, Trung Quốc tiếp tục hành động đơn phương bởi họ coi việc quản lý thượng nguồn là vấn đề chủ quyền quốc gia. Việc quản lý nguồn tài nguyên nước ở thượng nguồn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển của các tỉnh miền nam nước này. Chỉ bằng cách trở thành một thành viên đầy đủ của MRC, thay vì là đối tác đối thoại như hiện nay, Trung Quốc mới có thể chứng minh một cách rõ ràng cho các nước khác rằng mình là một đối tác có trách nhiệm đối với sự phát triển chung.
Huỳnh Phan (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét