Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Nhật Bản: Từ tương lai châu Á tìm tương lai Việt Nam


Ngày 18.05.2009, 09:41 (GMT+7)
Đêm 20.5 tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ công du Nhật Bản để dự hội nghị Tương lai châu Á, kết hợp thăm và làm việc với Chính phủ Nhật Bản.
“Châu Á tìm kiếm lĩnh vực mới”
Múa Yosakoi truyền thống của Nhật Bản trên đường phố Hà Nội, nhân lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản 2009 tại Việt Nam. Đây là lần thứ ba lễ hội Hoa anh đào được tổ chức tại Việt Nam. Từ nhiều năm nay quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn trên các lĩnh vực khác như văn hoá, giáo dục… Ảnh: TTXVN
Với chủ đề trên, hội nghị thường niên lần thứ 15, do nhật báo kinh tế hàng đầu Nhật Bản NIKKEI tổ chức vào 21 – 22.5, tập trung thảo luận xem châu Á tìm ra những nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế như thế nào. Theo ý tưởng của các nhà tổ chức, việc xây dựng hạ tầng ở những nền kinh tế chậm phát triển và phát triển những doanh nghiệp về môi trường và các ngành khác sẽ tạo ra những cơ hội mới. Có lẽ vì thế, 2/3 tham luận chính tại diễn đàn sẽ do lãnh đạo các nước chậm phát triển như Việt Nam và Lào trình bày.
Đây là lần thứ ba đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn này ở cấp thủ tướng (2001 và 2004). Lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “mở hàng” hội nghị với tham luận đưa ra nhóm sáu giải pháp kiến nghị để lấy lại đà tăng trưởng và vượt qua suy thoái.
Hàng tỉ USD cam kết ODA cho hạ tầng
Dù đây không phải thăm chính thức, nhưng sau hội nghị NIKKEI, ông Dũng sẽ cùng với người đồng cấp phía chủ nhà bàn những bước đi tiếp theo để phát triển quan hệ đối tác chiến lược, mới được thoả thuận trước đây một tháng.
Một nhóm quan chức đại diện cho hai bộ Ngoại giao và Kinh tế – công thương (METI) của Nhật Bản đã có mặt ở Hà Nội từ giữa tuần trước để bàn thảo những thủ tục cuối cùng chuẩn bị cho việc công bố những khoản vay ưu đãi vào cuối tuần này. Một bản danh sách rút gọn những dự án ưu tiên vay ODA đã được hai bên gút lại để báo cáo lên Chính phủ Nhật.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, riêng tại khuôn viên của khu công nghệ cao Hoà Lạc, Việt Nam sẽ nhận được cam kết ODA tổng cộng khoảng 1 tỉ USD. Trong đó, 350 triệu USD dành cho phát triển hạ tầng khu công nghệ cao Hoà Lạc, 350 triệu USD cho khu nghiên cứu – triển khai công nghệ vũ trụ, khoảng 300 triệu cho khu nghiên cứu – phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ cao của Nhật, và 60 triệu USD cho dự án nghiên cứu – sản xuất vắcxin – chế phẩm mới của viện Vệ sinh dịch tễ.
Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc chờ đợi khoản ODA hơn 600 triệu USD cho dự án xây dựng nhà ga mới tại sân bay Nội Bài. Tổng công ty Đường sắt cũng hy vọng phía Nhật sẽ tiếp tục cho vay để xây dựng tuyến đường sắt trên cao Yên Viên – Ngọc Hồi (giai đoạn một) với tổng đầu tư khoảng 1,1 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo một thành viên trong đoàn Thủ tướng, vấn đề mấu chốt hiện nay không phải là công bố cam kết, mà ở chỗ phía Nhật sẽ quyết định đưa những dự án nào vào kế hoạch ODA giai đoạn 1 trong năm tài khoá 2009. Bởi lẽ, nếu nằm trong kế hoạch giai đoạn hai, các công hàm ngoại giao để giải ngân sẽ phải chờ đến tháng 3.2010 mới được ký, thay vì trong vài tháng tới. Việt Nam mong muốn triệt để tận dụng khoảng lặng suy thoái hiện nay để nhanh chóng nâng cấp hạ tầng nhằm đón chờ những cơ hội đầu tư – thương mại mới thời hậu khủng hoảng.
Với sự tham gia của bộ trưởng Công thương trong đoàn, một trong những vấn đề khác dự kiến sẽ được bàn kỹ giữa hai chính phủ là việc chuẩn bị triển khai hiệp định đối tác kinh tế (EPA), mặc dù vẫn phải chờ Quốc hội Nhật thông qua. Hai mục tiêu chính từ phía Việt Nam là thu hút đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng một nền công nghiệp nội địa đích thực và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước này, cũng như các thị trường kỹ tính khác.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét