Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Khởi động đàm phán thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương


Ngày 10.03.2010, 09:55 (GMT+7)
Khởi động đàm phán thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương
SGTT - Vòng đàm phán đầu tiên cho một hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership – TPP) giữa tám nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, sẽ chính thức diễn ra tại Melbourne (Úc) vào 15 – 19.3 tới. Việt Nam vẫn đang cân nhắc việc tham gia hiệp định này.
Chỉ mới có hiệp định thương mại song phương bình thường, xuất siêu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ đã đạt hơn 10 tỉ USD năm 2008. Trong ảnh là khâu chế biến cá xuất khẩu đi Mỹ của công ty thuỷ sản Bình An. Ảnh: TTXVN
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng bộ Công thương và trưởng đoàn đàm phán thương mại cấp chính phủ của Việt Nam, vòng đầu tiên này chủ yếu để thoả thuận những nguyên tắc chung, bao gồm khuôn khổ, phạm vi và cách tổ chức đàm phán.
Ý tưởng về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ, nhưng chỉ trở thành hiện thực khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương giữa bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore (TPSEP) được ký kết năm 2005 và có hiệu lực một năm sau đó. TPP chính là sự mở rộng, với sự tham gia của Úc, Peru, Việt Nam, và đặc biệt là Mỹ, trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được của TPSEP. TPP được chờ đợi là một khuôn khổ thương mại toàn diện chất lượng cao, ngoài thuế quan còn bao gồm cả dịch vụ, đầu tư, được thoả thuận một cách tổng thể trên cơ sở thế mạnh của từng nền kinh tế.
Sự tham gia của Mỹ được coi là quyết định đối với tiền đồ của TPSEP mở rộng này. Bởi, vòng đàm phán đầu tiên, lẽ ra, đã diễn cách đây một năm ở Singapore, nếu chính quyền mới của ông Barack Obama không cần dành thời gian đánh giá lại một cách tổng thể chính sách thương mại của Mỹ, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng.
Mỹ quyết tâm quay trở lại Đông Á
Trong bức thư gửi lãnh đạo lưỡng viện của Quốc hội Mỹ vào ngày 14.12.2009, về ý định của Tổng thống Obama sẽ tham gia đàm phán TPP, đại diện thương mại Ron Kirk đã nhấn mạnh rằng quyết định này nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và, qua đó, tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của Mỹ nhìn nhận vấn đề một cách trực diện hơn. Giám đốc học viện Kinh tế quốc tế Peterson, Fred Bergsten, đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng Sự phát triển của Trung Quốc: thách thức và cơ hội, nhận xét rằng ý định tham gia TPP của Mỹ thể hiện những quan ngại đối với sự xuất hiện của một khối thương mại châu Á do Trung Quốc cầm trịch.
Nhận xét này của ông Bergsten đã nhận được sự chia sẻ của ông bộ trưởng cao cấp Singapore Lý Quang Diệu. “Mỹ cần đóng một vai trò kinh tế tích cực hơn nữa ở Đông Á, nếu không muốn để mất vị thế của mình là một cường quốc kinh tế – quân sự hàng đầu”, ông Lý nói, và chỉ ra rằng trong khi Mỹ mới có một hiệp định tự do thương mại với Singapore, thì những nước như Trung Quốc đã ký một hiệp định tương tự với cả khối ASEAN.
Chưa kể, việc hoàn tất hiệp định này sẽ là nền tảng để tiến tới một khu vực thương mại tự do cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTA-AP), đã được phía Mỹ nêu ra từ APEC 2006 tại Hà Nội.
Tất cả tiến trình này còn được coi là một sức ép lên các đối tác lớn khác trong việc thúc đẩy vòng đàm phán Doha, trong khuôn khổ WTO, đang lâm vào bế tắc. Chủ tịch uỷ ban Tài chính Thượng viện Mỹ Max Baucus nói rằng việc này sẽ là chuyển tải một tín hiệu mạnh mẽ cho các đối tác thương mại của Mỹ rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ kinh tế thương mại với các quốc gia khác, ngay cả trong trường hợp vòng đàm phán Doha không kết thúc thành công trong tương lai gần.
Sự tham gia dè dặt của Việt Nam
Việt Nam đã được Mỹ mời tham gia TPP, và cách đây một năm, đã được các thành viên còn lại chấp nhận với tư cách thành viên liên kết. “Việc chúng ta chưa quyết định có tham gia chính thức hay không, không phải vì không muốn, mà, thực chất, vì chúng ta chưa hiểu rõ hiệp định này thế nào”, ông Nguyễn Cẩm Tú nói.
Đối với một hiệp định thương mại mà Mỹ tham gia, những điều kiện về môi trường, và nhất là lao động, rất khắt khe. Ngay cả trong việc xem xét cho Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và đàm phán hiệp định đầu tư song phương, điều kiện về quyền tự do thành lập hội đoàn cũng được Mỹ đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cái lợi về kinh tế trong việc tham gia một hiệp định thương mại tự do với Mỹ thì không ai bàn cãi. Chỉ mới có hiệp định thương mại song phương bình thường, xuất siêu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ đã đạt hơn 10 tỉ USD năm 2008, gần đủ để bù đắp cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Theo ý kiến các chuyên gia, Việt Nam nên tham gia các hiệp định thương mại với những khu vực mà Việt Nam có lợi thế xuất siêu, như EU và Mỹ, hơn là những khu vực mà Việt Nam luôn chịu tình trạng nhập siêu. Đó là chưa kể tới việc, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian trong việc được công nhận là nền kinh tế thị trường, để khỏi thua thiệt, như hiện nay, trong các phán quyết chống phá giá bất bình đẳng.
Mặt khác, việc tham gia một hiệp định đa phương khiến những đòi hỏi này lại trở nên đỡ nhạy cảm hơn là trong hiệp định song phương. Ngược lại, vì những lợi ích quan trọng từ hiệp định này, có thể phía Mỹ cũng có những nhượng bộ nhất định.
Ông Nguyễn Cẩm Tú cho biết Việt Nam có thể được dự khán vài ba vòng, trước khi có quyết định chính thức cuối cùng. Tuy nhiên, thời gian cân nhắc không quá dài.
Theo phân tích của ông Bergsten, việc APEC 2011 đã được quyết định tổ chức ở Honolulu (Hawaii), quê hương của Tổng thống Obama, sẽ là một động lực mạnh mẽ cho chính quyền của ông hoàn tất hiệp định này vào thời điểm đó. “Hawaii là biểu tượng của cuộc gặp gỡ xuyên Thái Bình Dương. Một hiệp định với tên gọi Hiệp định Honolulu (hay Hawaii) sẽ là một vòng nguyệt quế đối với cá nhân tổng thống”, ông Bergsten nói.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét