Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông
Thoả thuận giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN
SGTT - Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông là thoả thuận giữa Trung Quốc với cả khối ASEAN. Trước đây, Trung Quốc luôn lập luận các tranh chấp về Biển Đông là vấn đề song phương.
Thuyền trưởng tàu QNg6597-TS Dương Văn Hưởng (dấu X), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thả về nhà ngày 14.8.2009. Ảnh: Minh Đức
|
Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Hà Nội vào 16 – 17.4, bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các nước kiểm điểm lại quá trình thực hiện DOC, thảo luận về phương thức phối hợp và một số cách thức cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả DOC, trên tinh thần nhất trí tôn trọng và thực hiện đầy đủ tuyên bố này. Theo một chuyên gia về ASEAN của học viện Ngoại giao Việt Nam, giấu tên, trong bối cảnh triển vọng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), không mấy sáng sủa vì thiếu sự hưởng ứng của một bên liên quan (Trung Quốc), việc khởi động lại tiến trình DOC với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, lại hé ra tia hy vọng cho quá trình xây dựng lòng tin vì hoà bình và hợp tác phát triển.
Cũng theo chuyên gia nói trên, chính sự kiện này diễn ra mang một ý nghĩa tự thân quan trọng. Lần đầu tiên, Trung Quốc đã thừa nhận DOC, được ký năm 2002, là thoả thuận giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN, chứ không phải cam kết với từng nước riêng lẻ, như trước đây.
Hiện nay, sự hợp tác kinh tế – thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đang gặp phải những trục trặc, khi không chỉ ở Indonesia, mà cả Thái Lan, Philippines, hay Malaysia, các hiệp hội công nghiệp đã phản ứng tiêu cực về hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ đầu năm nay, do lo ngại không cạnh tranh nổi với hàng hoá giá rẻ từ “công xưởng của thế giới” này. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đương kim chủ tịch ASEAN, đã hàm ý về điều này khi bày tỏ tin tưởng tại cuộc họp báo kết thúc ASEAN 16 rằng: “Với thiện chí và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ DOC và Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, trong năm chủ tịch của mình, Việt Nam cùng với các thành viên còn lại của khối ASEAN, chọn một cách tiếp cận mới, tuy chậm nhưng chắc chắn và khả thi hơn. Tuyên bố của chủ tịch ASEAN 16 đã nêu rõ các nhà lãnh đạo ASEAN “giao cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của ASEAN, trong đó có DOC, nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực”.
Kết quả của cuộc họp nhóm công tác chung lần này sẽ được đệ trình lên cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) giữa ASEAN và Trung Quốc về triển khai DOC xem xét. Tuy nhiên, theo trợ lý ngoại trưởng Phạm Quang Vinh, người chủ trì chuyện này, lịch họp SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC vẫn chưa được xác định. “Đây dường như là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, sự tiến triển tiếp theo mới khẳng định rõ đây là thiện chí thật, hay chỉ là động tác giả”, TS Nguyễn Ngọc Trường bày tỏ chút hoài nghi của mình.
Trong một diễn biến khác, theo nguồn Hỗ Liên Võng (internet) bằng tiếng Hoa ngày 16.4, ngày bắt đầu cuộc họp của nhóm công tác DOC, 20 hạm tàu Trung Quốc (có hai chiếc tàu ngầm hạng Kilo) đã tập kết tại Nam Hải (Biển Đông). Trong đó, có bảy hạm tàu thuộc hạm đội Bắc Hải đến Trường Sa, mười hạm tàu của hạm đội Đông Hải, và ba hạm tàu khác trở về từ vịnh Eden.
Trước đó, vào ngày 14.3, mạng của bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết từ ngày 10.3 hạm đội Đông Hải, bao gồm cả hai tàu ngầm Kilo, hai khu trục hạm mang tên lửa và ba hộ vệ hạm, đang “nam hạ”. Cũng theo mạng này, hạm đội này sẽ đi sát đảo Okinawa, trước khi vào Biển Đông.
HUỲNH PHAN
Trung Quốc vừa họp vừa bắt thêm tàu Việt Nam
Ngày 14.4, phía Trung Quốc bắt giữ vô cớ tàu cá QNg 66478-TS do ông Mai Phụng Lưu quê ở huyện đảo Lý Sơn làm thuyền trưởng (trên tàu có mười lao động), khi tàu này hành nghề lặn hải sâm ở đảo Đá Lồi, trong quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà Lan, vợ thuyền trưởng Lưu cho biết thêm: “Phía Trung Quốc yêu cầu thân nhân gia đình các ngư dân nói trên nộp khoản tiền chuộc là 70.000 nhân dân tệ (hơn 180 triệu đồng), mới chịu thả người”.
Vụ bắt giữ xảy ra sau khi hội nghị cấp cao ASEAN 16 vừa kết thúc, trong đó có bàn đến DOC, và vài ngày trước khi cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra.
Trước đó, theo Thông tấn xã Việt Nam trong các ngày 22.3.2010, 7 – 8.12.2009, Trung Quốc liên tục bắt các tàu cá Việt Nam, đòi tiền chuộc, dù các tàu này hoạt động trong vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam. Chưa kể, cuối tháng 9.2009, nhân viên vũ trang Trung Quốc nổ súng vào 16 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi những tàu này vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa. Khi bão tan, số thuỷ thủ trên tàu còn bị binh lính Trung Quốc đánh đập, thu giữ tài sản, trang thiết bị.
MINH ĐỨC
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét