Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Những mối tình Việt – Nhật thời chiến (2)


Ngày 05.04.2009, 19:52 (GMT+7)
Những mối tình Việt – Nhật thời chiến
Kỳ 2: Người không mang họ
Nghe chúng tôi thông báo thái tử Nhật trong chuyến thăm Việt Nam có buổi gặp gỡ với những người Nhật đang sống ở Việt Nam, Trần Ngọc Sơn buột mồm nói: “Để tôi báo cho mấy đứa trong hội con lai Nhật ở Hà Nội biết, cùng đi dự cho vui”
Trần Ngọc Sơn đưa các giấy tờ chứng minh công lao của bố anh cho PV SGTT xem
Anh thò tay vào trong tủ ly, lấy ra chiếc điện thoại, rồi bấm số... Nhưng nghĩ thế nào, anh không đưa máy lên tai, mà lẳng chiếc máy lại vào ngăn tủ. Ngồi thừ người ra, anh lẩm bẩm: “Thôi, thái tử mà làm gì. Đến bố đẻ mình còn chẳng gặp được nữa là”.
Sơn kể, bố chia tay mấy mẹ con anh để lên tàu về Nhật vào cuối tháng 7 năm 1959, khi anh lên mười. Sơn vẫn còn nhớ như in những ngày theo bố đi học khoá chính trị dành cho những người Việt Nam mới gốc Nhật chuẩn bị hồi hương. Hàng ngày, Sơn được bố cho ngồi cùng trên xích lô qua cầu Long Biên. Rồi, trong lúc ở ngoài lớp học đợi bố, lại được ông giúi cho vài hào ăn phở... “Đó là thời gian tôi được gần bố, được nói chuyện với bố nhiều nhất”, Sơn nói.
Quan hai không quân Yamazaki Zensaku, bố Sơn, sau khi quân Nhật bị giải giáp, đã xin theo Việt Minh. Đầu năm 1946 ông được biên chế vào trung đoàn 112, với cái tên Việt là Trần Hà. Tháng 10 năm 1947, ông đã chỉ huy trung đội đánh đoàn ca nô chở quân Pháp tiến lên Tuyên Quang. Trong trận này, tuy đã bị thương, ông vẫn tự tay bắn chìm một ca nô địch. Người thương binh (sau này được xếp hạng 5/8) Trần Hà vẫn tiếp tục phục vụ quân đội cho đến ngày hoà bình lập lại, trước khi giải ngũ sang làm công nhân ở xí nghiệp QK-120 ở Gia Lâm.
“Bố bảo với mẹ con tôi là được cấp trên giao cho nhiệm vụ bí mật gì đó, nên không thể mang theo cả gia đình về Nhật”, Sơn nói. Nhưng, Sơn nhớ lại, riêng với Sơn, ông muốn mang theo về Nhật, vì muốn rèn giũa “thằng con có tư chất thông minh” nên người.
“Tôi biết tiếng Nhật rất khó, và rất ngại phải ngồi lì một chỗ để học suốt cả ba tháng trên tàu”, Sơn nói. Cậu bé mười tuổi đầu nói với bố rằng các em còn bé, nên cậu muốn ở lại giúp mẹ chăm các em.
Thân phận con lai
Không ngờ, lời chống chế của đứa bé mải chơi hoá ra lại y như một phán quyết của số mệnh. Hụt hẫng vì sự ra đi đột ngột của chồng, lại một mình vất vả nuôi các con thơ (em gái út của Sơn lúc đó mới ba tháng tuổi), bà Nguyễn Thị Mai, mẹ Sơn, đã bị suy sụp nặng. Món tiền mà chính phủ hỗ trợ cho những người như bà Mai chẳng mấy chốc cũng tiêu hết. 13 tuổi đầu, Sơn phải bỏ học, vác cày, vác bừa lên vai ra đồng làm việc lấy công điểm, giúp mẹ nuôi các em.
Cũng như anh em nhà Cao Khánh Tường ở Hà Nội, anh em nhà Sơn cũng thường xuyên bị trẻ con làng xóm chửi là lũ con phát xít Nhật. Sơn cho biết đến việc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của một thanh niên với tổ quốc khi có chiến tranh, Sơn cũng bị từ chối. Em trai Sơn là Trần Ngọc Hải đã có chút may mắn hơn, vì được tham gia khoá huấn luyện tân binh, trước khi bị trả về địa phương cũng bởi lý do tương tự.
Sơn kể, không xin đi bộ đội được, anh vào dân quân. Có bao nhiêu bom từ trường thả xuống khu vực này, gần như một tay Sơn phá hết. Bởi, trước đó, người sĩ quan công binh được giao nhiệm vụ này, đồng thời là thầy dạy Sơn cách phá bom, đã bị thiệt mạng do một trái bom không may nổ. “Có thế tôi mới có được huân chương kháng chiến hạng ba”, anh vừa nói vừa chỉ tay lên tường.
Tuy nhiên, đó là chuyện mãi sau này. Chứ thời đó, Sơn vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử. Hồi vào học trường Cơ giới 1, Sơn học giỏi, được đưa vào danh sách gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng khi xem kỹ lý lịch, thấy ghi có bố là người Nhật, tổ chức đã thẳng tay gạch tên Sơn. “Cả một đời lái cẩu, tôi luôn được bình bầu là lao động giỏi, nhưng cả hai lần được giới thiệu đi học cảm tình Đảng đều bị gạt”, Sơn nói.
Bán nhà, chạy xe ôm để học tiếng Nhật
Việc anh từ thị xã Phú Thọ, cách hơn 100 cây số, mò xuống Hà Nội, vào năm 1993, lại chẳng hề liên quan đến việc học tiếng Nhật. Lúc đó, anh chỉ muốn bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH)  chứng nhận cho công lao của bố anh để mẹ anh được hưởng chính sách ưu đãi, khi hợp thức hoá căn nhà bà đang ở. “Mẹ tôi già yếu, ốm đau, lấy đâu ra nhiều tiền mà nộp”, Sơn nói.
Qua giới thiệu của những bạn bè, chiến hữu của ông Trần Hà, Sơn đã tìm được trong cục Lưu trữ của bộ Quốc phòng đầy đủ giấy chứng nhận (bản photo) về công lao của bố anh. Mang tập hồ sơ đó cùng với giấy chứng nhận kết hôn giữa bố mẹ anh lên bộ LĐ-TB&XH, Sơn vẫn bị một quan chức của bộ này thản nhiên vặn hỏi: “Anh lấy gì chứng minh anh là con ông ấy?”.
Sau một chút sững sờ, Sơn quay đi thẳng, không nói một lời. Nhưng câu nói của viên quan chức vô tình ấy cứ bắt đầu ám ảnh tâm trí Sơn. Anh quyết tâm đi tìm bố.
Trong quá trình tìm kiếm hồ sơ về bố ở Hà Nội, Sơn đã gặp một số người đồng cảnh. Họ giới thiệu với anh lớp tiếng Nhật mà họ đang theo học cũng với mục đích đi tìm bố. Sơn quay về bán vội cái nhà được ba triệu, xuống Hà Nội xin học.
Trần Huy Công, người trước đó đã cùng hãng NHK (Nhật) làm một bộ phim về những người Việt Nam mới quay lại quê hương thứ hai của họ, cho đến giờ khi nhắc về Sơn vẫn thắc mắc không hiểu sao cứ lâu lâu lại thấy cái anh chàng Nhật lai này mượn chiếc Honda DD70 màu xanh của anh suốt một tuần, bảo đi thăm bạn bè. “Học hành kiểu đó, bao giờ mới giỏi tiếng Nhật mà đi tìm bố được”, Công nói.
“Cái lão Công này không biết đâu. Tôi đi chở xe ôm đấy, lấy tiền ăn ở học hành. Ở cái đất Hà Nội này ba triệu hết nhanh lắm”, Sơn bật cười khoái trá.
Nhưng rồi, Sơn kể tiếp, niềm ham mê học tiếng Nhật của anh như bị dội một gáo nước lạnh, khi anh nhận được bức thư của bố từ Nhật vào cuối năm 1994. Ông viết rằng, sau khi về nước, gia đình bắt ông lấy bà chị dâu, vì anh trai đã chết trận, và đẻ được một người con gái. Ông cũng đã thay tên đổi họ. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng không thể giúp được gì cho Sơn và gia đình bên này. “Tôi tìm ông ấy đâu phải vì cần sự giúp đỡ”, Sơn giải thích quyết định bỏ dở việc học của mình. Cuối năm 2006, có người bạn của ông sang Việt Nam chơi, Sơn đã nhờ ông này mang giúp lít mật ong và cân sắn dây làm quà cho bố.
“Họ Trần là họ tạm khi ông ấy ở đây. Về Nhật, ông ấy cũng thay tên đổi họ. Thế vậy họ thật của tôi là gì nhỉ?”, Sơn khẽ ngước mắt lên hỏi chúng tôi.
Huỳnh Phan – Xuân Thi
Kỳ tới: Những uẩn khúc chưa được giải mã
Những quân nhân người Nhật hồi hương trong bối cảnh chính trị Nhật Bản thời đó rất kỳ thị với cộng sản. Những người trở về từ Việt Nam, hoặc là đảng viên Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) hoặc là đã từng phục vụ trong chính quyền cộng sản. Họ đã chọn cách “mai danh ẩn tích” để tồn tại và cam chịu mất mát trong quan hệ máu mủ ruột rà ở đất Việt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét