Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Đẩy mạnh hợp tác năng lượng và quốc phòng


Ngày 14.12.2009, 07:41 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nga
Đẩy mạnh hợp tác năng lượng và quốc phòng
SGTT - Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm Nga, theo lời mời của Thủ tướng Putin qua cuộc điện đàm vào cuối tháng 10.2009. Sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm, Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp kiến với Tổng thống Medvedev.
Các nhà chế tạo Nga quảng cáo máy bay tại hội chợ triển lãm diễn ra tháng trước tại Hà Nội
Trước cuộc điện đàm hai tuần, khi trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đại sứ mới Kovtun đã chuyển thông điệp rằng Nga rất vui mừng thấy Việt Nam coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng nhất. Trong khoảng thời gian này, còn có hai sự kiện đáng lưu ý là cuộc gặp của ông Nguyễn Minh Triết với người đồng nhiệm Medvedev bên lề APEC tại Singapore, và chuyến thăm Nga của Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang.
Trong cuộc điện đàm kể trên, những người đứng đầu chính phủ hai nước đã thảo luận chi tiết về thực trạng và khả năng thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại song phương. Theo những gì mà phòng báo chí của Thủ tướng Nga thông báo, chẳng hạn như hai thủ tướng trao đổi khả năng mở rộng hợp tác về năng lượng, hợp tác kỹ thuật quân sự, người ta hoàn toàn có thể hình dung về nội dung cuộc hội đàm sắp diễn ra giữa họ tại Moscow.
Đối tác chiến lược giữa Petro Vietnam và Gazprom
Nguồn tin từ bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng, bên cạnh việc thúc đẩy thương mại song phương và điện hạt nhân, lĩnh vực hợp tác rõ ràng nhất mà hai bên có thể thoả thuận là dầu khí. Tháng trước, lãnh đạo Petro Vietnam và Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga, đã đồng ý về mặt nguyên tắc nâng quan hệ hợp tác giữa hai tập này lên tầm đối tác chiến lược.
Theo đó, Gazprom dành cho Petro Vietnam quyền tham gia khai thác khí ở Đông Siberia, cũng như hai bên cùng tham gia khai thác khí ở những nước thứ ba trong khuôn khổ liên doanh GazpromViet, đang được xúc tiến thành lập tại Nga.
“Triển vọng của dự án ở Đông Siberia là rất sáng sủa. Phía Nga đã lắp đặt đường ống cung cấp khí đến Vladivostok, để từ đó kéo tiếp đến Thượng Hải, Tokyo và Seoul. Việt Nam dự kiến cũng mua khí hoá lỏng từ dự án này”, một quan chức của Petro Vietnam, giấu tên, cho biết.
Đổi lại, Việt Nam dành cho VietGazprom, liên doanh giữa hai tập đoàn này tại Việt Nam, quyền thăm dò khai thác một số lô nữa tại thềm lục địa nước này. Lãnh đạo Gazprom tuyên bố sẽ đầu tư tiếp khoảng 320 triệu USD trong năm tới ở Việt Nam.
Hợp tác kỹ thuật quân sự
Cũng nguồn tin trên của bộ Ngoại giao cho biết, bên cạnh những ký kết nguyên tắc trước đó giữa Việt Nam và Nga, hai bên dự kiến sẽ bàn thảo những bước hợp tác tiếp theo như thoả thuận Nga cung cấp thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, và không loại trừ khả năng chuyển giao công nghệ trong một tương lai xa hơn.
Theo các chuyên gia, việc mua vũ khí của Nga được coi là đỡ nhạy cảm hơn, do những nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đều mua vũ khí của Nga. Nga đang có kế hoạch thành lập một cơ sở bảo dưỡng máy bay tiêm kích Sukhoi tại Malaysia, phục vụ cho nhu cầu bảo dưỡng không chỉ của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo các chuyên gia quân sự, tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga cho phép Việt Nam có thể được tiếp cận với những vũ khí mà Nga đã chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ. Việt Nam có thuận lợi khi là đối tác chiến lược của cả Ấn Độ và Nga.
Trong cuộc họp báo công bố Sách trắng Quốc phòng 2009, trước khi có chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm Mỹ và Pháp của bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, khi đề cập tới các diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình an ninh thế giới và khu vực, đã khẳng định Việt Nam phản đối chính sách quân sự sử dụng sức mạnh đe doạ các nước khác. Ông cũng cho biết mức đầu tư cho quốc phòng của Việt Nam ở mức rất khiêm tốn, so với các nước khác trong khu vực. “Việt Nam xây dựng quân đội… được trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia... Chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng như quốc phòng Việt Nam, là kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hoà bình, kiên trì và quyết tâm giữ vững chủ quyền và lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế…”, trung tướng Vịnh nói.
bài và ảnh Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét