Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hợp lực để đầu tư lớn


Ngày 12.08.2009, 11:30 (GMT+7)
Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài
Hợp lực để đầu tư lớn
SGTT - Ông Phạm Thanh Tùng, giám đốc công ty PTT Global S.R.O. bức xúc vì suốt 20 năm bán đồ chơi trẻ em ở Czech, ông chỉ làm ăn được với các nhà sản xuất Trung Quốc, chứ chưa hợp tác được với nhà sản xuất trong nước. Ông kể về lần thử làm với doanh nghiệp trong nước cách đây gần 10 năm, nhưng vướng hàng rào thủ tục nhiêu khê. “Với sự ra đời của hiệp hội, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Tôi sẽ thử một lần nữa”, ông Tùng nói.
Khác với các hiệp hội doanh nhân Việt kiều ra đời trước đó ở trong và ngoài nước, hiệp hội doanh nhân lần này đã quy tụ được đại diện doanh nhân Việt kiều từ 33 quốc gia, trong tổng số hơn 100 quốc gia có người Việt làm ăn và sinh sống. Đặc biệt, theo phó chủ nhiệm uỷ ban Người Việt ở nước ngoài Trần Trọng Toàn, sự có mặt của đại diện các bộ Ngoại giao, bộ Thương mại và phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã đảm bảo cho sự hậu thuẫn của Chính phủ đối với các hoạt động của hiệp hội cũng như các thành viên của nó.
Sở dĩ, có sự đảm bảo này, cũng theo ông Toàn, những hiểu biết về chính sách, tập quán kinh doanh và tiêu dùng ở nước sở tại của Việt kiều sẽ giúp rất nhiều cho sứ quán và thương vụ, vốn hạn chế về tài lực và nhân lực, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lại đánh giá theo góc độ riêng của mình: “Hiệp hội cũng sẽ trở thành cánh tay nối dài của cộng đồng kinh doanh trong nước, trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho mạng lưới xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam”.
Trong số doanh nghiệp trong nước được mời đến dự đại hội thành lập hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hôm 10.8, có phó tổng giám đốc Phạm Hoàng Kinh của tập đoàn Phú Cường. Ông tới đây với mục đích tìm hiểu thủ tục luật lệ mở văn phòng đại diện tại Đức, Nhật, Úc và Mỹ, cũng như tìm đối tác để xây dựng các tổng kho và hệ thống phân phối thuỷ sản tại những nước này.
Ông Kinh đã gặp may bước đầu khi gặp được một nữ doanh nhân từ Qatar. “Chúng tôi có chiến lược phát triển thị trường Trung Đông, nhưng định thời gian cụ thể. Gặp chị đó xong, chúng tôi quyết định sắp tới sẽ tiếp cận ngay thị trường này”, ông Kinh nói.
Cà phê Trung Nguyên lại nhận được sự hỗ trợ của ông Phạm Ngọc Chu, hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, theo một cách khác. Ông Chu nhận xét rằng hệ thống cửa hàng của ông có bán sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7, chất lượng tốt, giá rẻ, nhưng bán ra được rất ít, so với Nescafe. Theo ông, nguyên nhân có thể là thương hiệu G7 dễ bị người châu Âu liên tưởng đến sắt thép, hoá chất, hay, thậm chí, chính trị, chứ không phải đồ uống, nên ít để ý.
Theo ông Nguyễn Đồng Hải, từ Slovakia, sự liên kết về vốn và kinh nghiệm giữa các doanh nhân Việt ở các nước là rất quan trọng để có thể tham gia vào những dự án đầu tư lớn. “Trước hết, chúng ta nên liên kết với các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các thị trường trung tâm thương mại chất lượng cao, hay kho bãi… ở nước sở tại, hoặc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất”, ông Hải nói.
Cho đến nay, những doanh nghiệp trong ngành dệt may, như Phong Phú và Việt Tiến đang xúc tiến việc xây dựng những nhà máy ở Nga, hay Ukraine, từ đó xuất qua thị trường Tây Âu, với sự liên kết với các doanh nghiệp người Việt tại những nước này. Việc liên kết sản xuất ở nước ngoài còn kéo theo sự liên kết trong việc đưa người Việt sang nước ngoài làm việc và quản lý họ.
Ông Trần Trọng Toàn tin rằng yếu tố hiểu biết về văn hoá, khi các chủ sử dụng là người Việt, sẽ khiến cho người lao động khi sang nước ngoài làm việc sẽ đỡ gặp rắc rối, thậm chí xung đột với giới chủ nước ngoài, như trong thời gian vừa qua.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét