Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Tiền đề của Cộng đồng Đông Á


Ngày 07.04.2010, 11:25 (GMT+7)
Cộng đồng ASEAN
Tiền đề của Cộng đồng Đông Á
SGTT - Nhân hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội diễn ra trong tuần này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Trí Thành về tiến trình khu vực này, mối quan hệ với các tiến trình khác và triển vọng của nó, cũng như vai trò của Việt Nam với tư cách đương kim chủ tịch ASEAN.
Cuối năm 1998, Việt Nam lần đầu tiên trở thành chủ tịch ASEAN, sau ba năm gia nhập tổ chức khu vực này. Cũng vào khoảng thời gian đó, tiến sĩ Võ Trí Thành đã kết thúc khoá học ở Úc. Từ đó, ông đã bắt đầu tham gia quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, trong đó có hội nhập kinh tế khu vực, dưới góc độ một chuyên gia.
Từ khi Việt Nam làm chủ tịch lần đầu tiên (năm 1998) đến lần này, đã có những sự thay đổi gì về tư duy ASEAN, nhất là về kinh tế?
Ngay cả khi Việt Nam đã gia nhập ASEAN và tham gia AFTA, tức là đến cuối những năm 1990, nhiều nhà hoạch định chính sách của chúng ta dường như vẫn chưa coi ASEAN là đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Có lẽ xuất phát từ quan điểm cho rằng ASEAN chỉ gồm toàn nước nhỏ, làm sao tương trợ được cho Việt Nam.
Nhưng từ năm 2000 trở đi, ngoài vấn đề chính trị, chúng ta ngày càng thấy rõ vai trò chiến lược của ASEAN đối với Việt Nam. Về thương mại và đầu tư, các nước ASEAN cùng với các nước Đông Bắc Á chính là đối tác và nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Nhưng quan trọng nhất, ASEAN chính là cái sân chơi tập dượt để Việt Nam có thể bắt đầu bước vào sân chơi toàn cầu, để Việt Nam có những kinh nghiệm tốt hơn mà mặc cả, đàm phán. Quá trình hội nhập của Việt Nam từ khu vực (AFTA), song phương (BTA với Mỹ), rồi mới đa phương (WTO) thể hiện rõ điều đó.
Đó không phải là thay đổi mang tính bước ngoặt, nhưng cực kỳ quan trọng, về chiến lược của Việt Nam trong cách chơi với ASEAN.
ASEAN đang muốn tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, nhưng vẫn muốn giữ ASEAN là trung tâm của mọi liên kết. Nhưng, thực sự, ASEAN có đủ hấp dẫn để giữ vị trí trung tâm của những liên kết này?
Trong quan hệ quốc tế, có khái niệm trong tiếng Anh là “hub”, tức là trục, hay trung tâm. Về nguyên tắc, “hub” phải mạnh, như ở Cộng đồng châu Âu là Pháp và Đức. Do những vấn đề lịch sử và văn hoá, cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á đều không có cái tương tự như ở châu Âu.
Theo một tầm nhìn dài hạn, cái đích cuối cùng là xây dựng một Cộng đồng Đông Á, chứ không chỉ đơn thuần là Cộng đồng Đông Nam Á. Cách đi vẫn tranh cãi, nhưng đa số các học giả thấy tính khả thi của quá trình này là ASEAN cần gắn kết với nhau, như một điều kiện tiên quyết.
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, ASEAN đã mang bản sắc chính trị rất đậm nét, với sáu nước thành viên sáng lập một bên và ba nước Đông Dương một bên. Nhưng dần dần bản sắc kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn và đến nay đã chiếm vị trí chủ đạo.
Đóng góp đầu tiên của Việt Nam là đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau hơn. Thứ nhất, vị thế đó do vị trí địa – chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra. Thứ hai, câu chuyện thoát nghèo của Việt Nam nghe thuyết phục hơn.
Liên kết của ASEAN là liên kết kiểu châu Á của mười nước nhỏ, nếu thành công, hay thậm chí với cả những khiếm khuyết, sẽ là một bài học cho liên kết rộng lớn hơn sau này.
Hơn nữa, ASEAN là nơi các nước trong khu vực cùng ngồi với nhau trao đổi thuận lợi hơn. Các nước lớn ở ngoài khu vực cũng có những phức tạp hay hạn chế riêng, nhiều khi kỵ nhau, nên họ cũng muốn ASEAN là diễn đàn để họ thể hiện mình. Các diễn đàn như ARF, ASEAN cộng…, hay Đông Á, có ý nghĩa như vậy.
Các nhà nghiên cứu thường đưa ra khái niệm “tiến tới Cộng đồng Đông Á theo chiến lược vòng tròn đồng tâm”, và đây cũng là lý do vì sao ASEAN có vai trò trung tâm trong các liên kết. Trên thực tế, về kinh tế – thương mại, sau khi có AFTA rồi, các đối tác bên ngoài đã nhìn ASEAN thành một khối, để rồi từ đó có các FTA của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, hay EPA (hiệp định Đối tác kinh tế) với Nhật Bản.
Ông đánh giá thế nào về thời hạn 2015 để xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN? Có những thách thức gì cho quá trình này?
Mối liên kết của ASEAN chỉ thành công khi khoảng cách phát triển ngày càng thu hẹp. Bởi, nếu những nước vào sau thấy càng chơi thì khoảng cách càng giãn ra, họ chơi tiếp làm gì. Trong trường hợp đó, họ có thể chọn cách chơi lẻ với một đối tác nào đó bên ngoài.
Gạo Thái có mặt trên đất Việt ngày một nhiều nhờ nhiều lý do, trong đó có các thoả thuận thương mại nội khối ASEAN, như AFTA. Sau khi có AFTA, các đối tác bên ngoài đã nhìn ASEAN thành một khối. Ảnh: Hồng Thái
Có điều, do lịch sử và khoảng cách phát triển quá xa trong ASEAN, hiện nay những quốc gia đi đầu có thể sợ bị níu chân, vì vậy muốn bứt hẳn lên trước. Sự bứt tốp này ắt sẽ tạo ra áp lực cho quá trình liên kết ASEAN. Ngoài việc những quốc gia đó không còn dành toàn bộ công sức và nguồn lực cho liên kết ASEAN, có thể hình thành cái gọi là “xu hướng ly tâm”, khiến cho quá trình xây dựng lòng tin bị giảm đi.
ASEAN muốn xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Tức là đến lúc đó một cơ sở sản xuất và thị trường thống nhất được hình thành. Do nhu cầu tự thân, tôi tin chắc rằng ASEAN phải liên kết với nhau, nhưng không thể nói là chắc chắn đến năm 2015 sẽ hình thành được một cộng đồng kinh tế ASEAN theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, đến lúc đó “cảm nhận ASEAN” (ASEAN sense) chắc chắn sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong ASEAN mà cả với bên ngoài, và gắn với hợp tác. Nói cách khác gắn kết kinh tế ASEAN không chỉ là một FTA thông thường, mà gắn với hợp tác, bao gồm nâng cao năng lực, hỗ trợ nước nghèo hơn, phát triển kết cấu hạ tầng cứng mềm, thuận lợi hoá thương mại – đầu tư và chuyển giao công nghệ. Chỉ khi đó hình ảnh AEC mới có thể được tạo dựng theo đúng mục tiêu mà ASEAN muốn.
Việt Nam có thể đóng góp gì cho quá trình liên kết kinh tế ASEAN, nhất là trong năm chủ tịch này, với mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu được khởi động?
Đóng góp đầu tiên của Việt Nam chính là làm nhịp cầu đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau hơn.
Thứ nhất, vị thế đó do vị trí địa – chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra.
Thứ hai, về tầm cỡ kinh tế, Việt Nam tuy không phải là quốc gia lớn nhất để chèn ép ai, nhưng cũng không phải nhỏ để không được người ta tôn trọng. Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, và đang chuyển đổi từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, với không ít thành công bên cạnh các vấp váp, khó khăn. Nói một cách hình tượng, câu chuyện thoát nghèo của Việt Nam sẽ dễ nghe và dễ thuyết phục các nước nghèo khác hơn.
HUỲNH PHAN
thực hiện
Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN
Cần tăng cường đối thoại chính phủ – doanh nghiệp “ASEAN sẽ có cách nhìn nhận mới liên quan đến phát triển bền vững, đó là gắn thương mại với môi trường, và, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Lê Quang Lân, phó vụ trưởng vụ Thương mại đa biên, bộ Công thương, nói, khi thông báo về kết quả cuộc họp của các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM) diễn ra vào 6.4.2010, chuẩn bị cho hội nghị bộ trưởng kinh tế sẽ diễn ra hôm nay, 7.4.2010.
Cho đến nay, doanh nghiệp hầu như có rất ít tiếng nói trong quá trình hội nhập kinh tế nội khối, hay của khối này với các đối tác bên ngoài, khiến họ cảm thấy thua thiệt, khi các cam kết được thực hiện. Chẳng hạn, các hiệp hội doanh nghiệp Indonesia đã gây sức ép lên chính phủ nước này, đòi hoãn thực hiện hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, giày dép, hay sắt thép.
Tuy hội đồng Kinh tế ASEAN chưa nhận được yêu cầu chính thức từ Indonesia, theo ông Lân, nhưng, rõ ràng, phản ứng từ doanh nghiệp nước này là một sự cảnh báo quan trọng, đối với quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. “Bên cạnh cơ chế đối thoại giữa đại diện hội đồng doanh nghiệp với các bộ trưởng kinh tế, hay nguyên thủ, như trước đây, chúng tôi đang xây dựng cơ chế đối thoại giữa từng hiệp hội, theo 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập nội khối, với chính phủ nước phụ trách lĩnh vực cụ thể, để xem xét và điều chỉnh phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp”, ông Lân nói.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét