Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Muốn trở thành nhà cung cấp cho Nhật?


Ngày 17.11.2009, 07:58 (GMT+7)
Muốn trở thành nhà cung cấp cho Nhật?
SGTT - Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc công ty Hùng Dũng, đã rất vui khi được nhà lắp ráp điện tử hàng đầu thế giới Canon quan tâm. Nhưng ông vẫn biết rằng, ngoài việc nỗ lực nghiên cứu làm thử các linh kiện, bảng mạch theo yêu cầu của Canon, công ty ông phải cải thiện sự sắp xếp, bố trí nhà xưởng để hoàn toàn lọt vào “mắt xanh” của họ.
Hùng Dũng chưa áp dụng mô hình quản lý Kaizen/5S. “Việc có hay không có những kiến thức về điều hành nhà máy (5S), hay cải tiến (Kaizen) là yếu tố cực kỳ quan trọng trong khả năng kết nối với các nhà lắp ráp Nhật, bởi các nhà sản xuất Nhật rất coi trọng điều này“, giám đốc dự án thuộc văn phòng Jetro Hà Nội, Keisuke Kobayashi nói.
Công ty BA AN, chuyên sản xuất ống nhựa xoắn với nhãn hiệu Thăng Long, được mời đến dự triển lãm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội lần thứ ba, với tư cách một công ty áp dụng thành công phương thức quản lý Kaizen/5S. Doanh thu của công ty mới được thành lập hơn năm năm này đã tăng từ 12 tỉ đồng năm 2006 lên 52 tỉ đồng chỉ trong 10 tháng năm 2009.
Người Nhật đã đề ra triết lý quản lý Kaizen với nội dung 5S (dịch tương đương tiếng Việt là Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc và Sẵn sàng. Mục tiêu của phương pháp quản lý này là nhằm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh nhờ giảm thiểu những lãng phí bao gồm sản xuất dư thừa, khuyết tật sản phẩm, tồn kho, di chuyển bất hợp lý, sự chờ đợi giữa các khâu, thao tác thừa của công nhân hay máy móc…
“Việc áp dụng những công cụ quản lý tiên tiến như Kaizen/5S, hay một số công cụ khác, đã giúp công ty chúng tôi chiếm được niềm tin của các nhà thầu chính, và được tham gia vào các công trình lớn như trung tâm hội nghị quốc gia, cầu Thanh Trì, hay hạ ngầm hệ thống cáp điện và cáp thông tin Hà Nội”, ông Ngô Kiên Cường, tổng giám đốc BA AN, người trực tiếp tham dự một khóa học về thực hành cải tiến hiện trường do hiệp hội Tu nghiệp kỹ thuật hải ngoại (AOTS) tổ chức vào tháng 4.2007 tại Nhật Bản, nói.
Chương trình AOTS (thuộc bộ Kinh tế và công thương Nhật Bản) là nơi tiếp nhận kỹ thuật viên và nhà quản lý các nước đang phát triển sang Nhật học với tư cách tu nghiệp sinh.
Kể từ năm 1977, AOTS đã đưa ra hình thức mới là tu nghiệp hải ngoại đối với Nhật Bản, hay tu nghiệp tại chỗ đối với các nước thụ hưởng, thông qua việc mời các chuyên gia từ Nhật qua đào tạo theo nhu cầu của từng công ty. “Ngoài giảm chi phí, cái hay của chương trình này là cùng một lúc có thể chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý cho nhiều người, và rút ngắn thời gian tu nghiệp”, ông Kondo nhận xét.
Trong khoá học ứng dụng Kaizen/5S diễn ra ngày 19.8.2008, ngay tại nhà máy của BA AN, toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty này đã được tham dự.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét