Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam


Ngày 23.10.2009, 10:50 (GMT+7)
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak
Ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam
SGTT - “Tôi muốn các vị tin rằng Hàn Quốc luôn chân tình và muốn đồng hành cùng với quá trình phát triển của Việt Nam”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak nói với những người tham dự diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội, hôm 21 – 22.10.
“Phải trả giá cho những sai lầm và thất bại”
Hàn Quốc đã có những méo mó về chính sách kinh tế vĩ mô khi thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu. Ảnh: TL
GDP trên đầu người của Hàn Quốc đã tăng từ 87 USD năm 1960 lên 19.505 USD năm 2008. Để có được thành công này, ông Lee nói: “Chúng tôi phải trả giá cho những sai lầm và thất bại”.
Theo giáo sư Nam Sang-woo của trường Quản lý và chính sách công thuộc viện Phát triển Hàn Quốc, một trong những cái giá đắt mà Hàn Quốc phải trả là những méo mó về chính sách kinh tế vĩ mô, tính kém hiệu quả và sự trùng lắp trong đầu tư, khi Hàn Quốc thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng, như thép, đóng tàu, cơ khí, hay điện tử, và công nghiệp hoá chất, với sự xuất hiện của các chaebol (tập đoàn kinh tế), vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Những thách thức mà Hàn Quốc gặp phải lúc đó là việc kiểm soát lãi suất, nguồn tín dụng ưu đãi khổng lồ, kéo theo áp lực của lạm phát, gánh nặng trả nợ nước ngoài… Giáo sư Nam nói: “Nhưng nguy hiểm nhất là sự tập trung quyền lực kinh tế của các chaebol. Điều này kéo theo lợi nhuận độc quyền và tham nhũng”.
Là đối tác phát triển của chính phủ, nên các tập đoàn này nắm bắt rất nhanh các cơ hội thu lợi nhuận do chính sách mang lại, trong khi đó lại thực hiện các đầu tư dài hạn và mang tính rủi ro vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Những nguy cơ khác, theo Giáo sư Nam, là việc nắm giữ cổ phần chéo giữa các công ty con trong tập đoàn, đa dạng hoá và thực hiện giao dịch nội bộ trên diện rộng, cũng như phụ thuộc quá mức vào nợ, khi đầu tư quá mức và tràn lan.
Phi chính trị hoá quy trình lựa chọn hội đồng quản trị
“Điều quan trọng là Hàn Quốc không bao giờ dừng lại mà cố gắng phấn đấu nhiều hơn để khắc phục những sai lầm đó”, Tổng thống Lee nói.
Theo giáo sư Nam, một trong những nỗ lực khắc phục sai lầm đối với sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước là phi chính trị hoá quy trình lựa chọn ban quản lý và hội đồng quản trị, tăng cường tính tự chủ giảm sự giám sát của các bộ về nhân sự, lập ngân sách… Giáo sư Nam khuyên: “Việt Nam cần xây dựng năng lực chủ chốt trước tiên, cũng như trình độ quản trị, và tránh để chính trị ảnh hưởng quá mức”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, một trong hai nhà kinh tế Việt Nam được mời tham gia phản biện, nhận xét: “Chaebol Hàn Quốc, dù khó khăn, vẫn có năng lực cạnh tranh mạnh và dẫn dắt được trò chơi thị trường, còn tập đoàn của ta hầu như chưa”.
Người còn lại, tiến sĩ Võ Trí Thành, nhìn nhận: “Các chaebol có rất nhiều bầy hầy, nhưng có hai cái được. Một là khích lệ được tinh thần tự tôn dân tộc rồi mang theo tinh thần đó ra bên ngoài, và thứ hai là đưa công nghệ của Hàn Quốc vào nền kinh tế. Tập đoàn của mình hầu như nghĩ không ra công nghệ mới, mà làm chủ công nghệ của người khác cũng không xong”.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét