Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Câu chuyện không chỉ của ngư dân


Ngày 03.07.2009, 14:53 (GMT+7)
Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với cục trưởng cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Chu Tiến Vĩnh về việc triển khai chương trình hành động về Chiến lược biển đến năm 2020 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với mục tiêu phát triển nghề cá thành ngành sản xuất hàng hoá lớn hiện đại, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển
Phát triển nghề cá
Câu chuyện không chỉ của ngư dân
Những gì đã kịp triển khai sau một năm, thưa ông?
Cục đã kết hợp với viện Kinh tế thuỷ sản đã soạn thảo chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến 2020, bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến… Riêng về khai thác, chúng tôi xác định phát triển nghề đánh cá xa bờ, cũng như kế hoạch đầu tư phương tiện ra sao… Sau chiến lược, cục chúng tôi đang tiếp tục làm quy hoạch ngành và đề án khai thác thuỷ sản. Trong đề án phát triển khai thác thuỷ sản đang trình Chính phủ có đề cập tới việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, phát triển nghề khai thác một cách hợp lý, các chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là vùng Trường Sa, Hoàng Sa.
Xin ông cho biết chính sách hỗ trợ mới này có những điểm gì khác so với chính sách hỗ trợ hiện hành, kiểu như nghị định 289?
Tinh thần của nghị định 289 là hỗ trợ để giảm nghèo, chứ không nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành khai thác thuỷ sản. Trong chính sách hỗ trợ mới, nếu được thông qua, ngoài dầu mỡ, còn có hỗ trợ tín dụng cho ngư dân mua sắm tàu mới có trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn, như máy liên lạc từ xa, để tăng hiệu quả khai thác và giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.
Việc xây dựng các cơ sở hậu cần trên các đảo, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa, ngoài việc khẳng định sự hiện diện của Việt Nam ở đó, sẽ giúp đỡ ngư dân rất nhiều trong việc giảm bớt chi phí đi lại, tức là họ ở ngoài biển mấy tháng liền, thay vì trở về bờ sau mỗi lần đánh cá xong như hiện nay. Tại các cơ sở hậu cần đó, ngư dân sẽ được cung cấp nước đá, dầu mỡ, với giá bằng với trong bờ. Nhà nghỉ, trạm y tế, câu lạc bộ cho ngư dân giải trí cũng sẽ được xây dựng. Các cảng cá, chợ cá cũng sẽ được xây dựng để tránh cho ngư dân khỏi bị tư thương ép giá. Vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và thậm chí cả bảo hiểm con tàu cho ngư dân, cũng được nêu ra trong đề án.
Liệu định hướng thúc đẩy đánh bắt xa bờ có khả thi, khi ngư dân mình chủ yếu là tàu nhỏ, vốn ít, sóng to gió lớn dễ chìm, lại không được bảo vệ?
Cục chúng tôi đang đề xuất cho thành lập tổng công ty thuỷ sản trên cơ sở sáp nhập tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long và tổng công ty hải sản Biển Đông. Hai doanh nghiệp này trước khi cổ phần hoá đều có đội tàu đánh cá rất lớn, nhưng do làm ăn không hiệu quả, nên mang bán hết cho người ta chở hàng. Chẳng hạn, tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long trước đây có sáu tàu 1.000 mã lực của Nga, sáu tàu 600 mã lực của Na Uy, và vài chục chiếc tàu loại 250 mã lực.
Việc thành lập tổng công ty thuỷ sản, ngoài việc phục vụ khai thác xa bờ, và tiến dần ra khai thác ở vùng biển quốc tế, còn có thêm chức năng làm nhiệm vụ công ích, tức là Nhà nước phải bù lỗ cho hoạt động hậu cần và thu mua cá cho ngư dân.
Còn về chuyện bảo vệ cho sự hoạt động hợp pháp của ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôi nghĩ không có cách nào khác là nhanh chóng xây dựng lại một lực lượng kiểm ngư mạnh. Trước đây, các tỉnh duyên hải đều có cơ quan kiểm ngư, có tàu kiểm ngư. Nhưng từ khi luật thanh tra có hiệu lực, muốn thực hiện công tác kiểm ngư trên biển đều phải có đề xuất thành lập đoàn thanh tra liên ngành, chờ duyệt kinh phí… Tàu kiểm ngư hầu như không hoạt động.
Trong đề án sáp nhập bộ, có nói tới việc thành lập cục kiểm ngư, tương tự như cục kiểm lâm. Nhưng không hiểu tam sao thất bản thế nào mà cuối cùng kiểm ngư được nhét vào cục chúng tôi. Chúng tôi đang tích cực đề xuất để thành lập cục này.
Nhưng ngư dân không thể chờ đợi cho đến khi đề xuất này được chấp thuận và triển khai, bởi tàu của họ có thể bị nước ngoài bắt bất cứ lúc nào?
Chính vì vậy trong thời gian chờ trên cho thành lập cục kiểm ngư, chúng tôi lại đề xuất thành lập ba chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở miền Trung, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, một chi cục ở phía Nam để quản lý vùng giáp ranh với Thái Lan và Campuchia, một chi cục nữa ở Vũng Tàu, quản lý vùng chồng lấn với Indonesia và Malaysia, ngoài chi cục phụ trách vịnh Bắc Bộ đã có. Đây sẽ là những chi cục cấp quốc gia, và được trang bị những tàu kiểm ngư cỡ lớn, được cung cấp đầy đủ dầu mỡ, kinh phí để hoạt động trong vùng biển họ phụ trách, cũng như có thể nhanh chóng hỗ trợ những điểm nóng khi cần thiết. Tuy nhiên, cái vướng ở đây là bộ thì muốn thành lập những chi cục này ở cấp bộ quản lý, nên đề án có rồi mà chưa trình lên Chính phủ được, mặc dù phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm có thúc giục đã nhiều.
Theo tôi, mọi thứ phải được quyết định trong đối sách với những nước có tranh chấp với nước mình. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cải tạo tàu hải quân thành tàu ngư chính để hoạt động cho hợp pháp. Trung Quốc thông qua việc hỗ trợ rất mạnh cho ngư dân của họ là để tăng cường sự hiện diện dân sự của họ trên biển Đông, vốn dễ chấp nhận về mặt quốc tế nhiều hơn sự hiện diện quân sự. Cũng chính vì vậy, vấn đề hỗ trợ và bảo vệ ngư dân không còn là chuyện phát triển nghề cá, hay đời sống của hàng trăm ngàn như dân, mà chính là vấn đề đảm bảo an ninh – quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Một chuyện mang tầm quốc gia, chứ không bó hẹp trong khuôn khổ một bộ nữa rồi.
Chính chúng tôi đã đề xuất trong thời gian Trung Quốc cấm biển, chúng ta phải cho tàu kiểm ngư số 2, với công suất 1.100 mã lực đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, cùng với tàu cao tốc của cảnh sát biển, chạy ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, để cho họ thấy có sự hiện diện của tàu kiểm ngư mang cờ Việt Nam trên vùng biển mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, đồng thời bảo vệ ngư dân luôn. Rất tiếc, đề xuất lại không được chấp thuận.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét