Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Chỗ đứng từ linh kiện thay thế


Ngày 20.10.2009, 14:09 (GMT+7)
Câu chuyện doanh nghiệp
Chỗ đứng từ linh kiện thay thế
SGTT - Từ một thầy giáo tiếng Nga phải bỏ nghề vì không kiếm sống nổi, Nguyễn Tiến Dũng đã mở một cửa hàng sửa xe máy, trước khi trở thành một nhà sản xuất phụ tùng điện xe máy được nhiều người biết với nhãn hiệu HD.
Phòng nghiên cứu gồm sáu kỹ sư này đã có hai sản phẩm được xem là có tiềm năng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: H.P
Vào trung tuần tháng 11 tới, Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc công ty Hùng Dũng ở Hải Dương, tham dự hội chợ triển lãm Công nghiệp phụ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ ba với một gian hàng miễn phí. Cách đây hơn một tháng, một đại diện được uỷ quyền của tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng internet, đã tìm đến gặp Nguyễn Tiến Dũng và, sau khi xem các sản phẩm của công ty, đã chính thức mời ông tham gia hội chợ triển lãm. “Ông ta khuyên tôi nên mang các phụ tùng điện xe máy và bộ nguồn điện (dùng trong các sản phẩm điện tử) đến trưng bày”, ông Dũng kể lại.
Ông cho biết, lần hội chợ triển lãm trước, ông đã đứng hàng tiếng đồng hồ trước cổng triển lãm để phát các catalogue giới thiệu sản phẩm của công ty, nhưng sau đó chẳng nhận được một hồi âm nào cả.
Từ sửa tới sản xuất
Hiện nay, trên thị trường thay thế đối với phụ tùng điện xe máy, HD là một thương hiệu được nhiều người biết tới. Công ty Hùng Dũng đã có một kênh phân phối khắp các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra. Đối với các tỉnh phía Nam, năm 2003 công ty đã mở một chi nhánh ở TP.HCM. Một bước tiến dài khi gần 15 năm trước, Dũng phải chở xe máy mang đi bỏ mối cho từng cửa hàng ở Phố Huế.
Nguyễn Tiến Dũng bắt đầu lập nghiệp với một cửa hiệu sửa xe máy tại nhà ở thị xã Hải Dương, vào năm 1991. Ngoài việc sửa chữa xe, hàng tháng ông vẫn dành thời gian chạy xe máy đi các tỉnh mua các phụ tùng điện xe máy bị hỏng. Sửa xong, ông lại mang đi đổi cho các hiệu sửa xe lấy phụ tùng hỏng, và ăn tiền công sửa. “Đó là khoảng thời gian tôi học nghề, không biết thì tìm sách đọc, đi hỏi các chủ hiệu sửa xe máy khác, hay tìm đến các kỹ sư điện. Hồi đó chủ yếu sửa bộ đánh lửa, bộ nạp và cuộn cung cấp nguồn cho bộ đánh lửa. Nhưng sau mấy năm trời, thấy kiếm sống bằng cách đó mệt quá, tôi đã quyết định thử sản xuất xem sao,” Dũng kể.
Năm 1995, bộ đánh lửa của xe Simpson (Đông Đức) mang nhãn hiệu HD xuất hiện ở một số cửa hàng phụ tùng xe máy ở Phố Huế (Hà Nội). Có tín nhiệm dần dần, từ một cửa hàng, rồi hầu như toàn bộ khu Phố Huế lấy hàng của Dũng. Mỗi tháng Dũng bán được hàng chục ngàn bộ đánh lửa. Năm 1998, Dũng quyết định nâng cấp xưởng gia đình thành công ty Hùng Dũng, vừa làm đại lý bán dầu nhờn Caltex, vừa sản xuất. “Ngoài nguồn thu nhập ổn định, việc làm đại lý cho Caltex cũng giúp tôi dùng xe của Caltex kết hợp chở hàng đi tiêu thụ ở Hà Nội đỡ bị nhân viên thị trường, hay thuế vụ, làm khó dễ”, Dũng kể.
Nhưng rồi, xe Simpson cũng hỏng dần, nhu cầu bộ đánh lửa sụt giảm nhanh (đến cuối năm 1999 chỉ còn vài ngàn bộ/tháng), Dũng lại nghiên cứu rồi chuyển sang sản xuất bộ nạp điện cho xe Honda, và nhất là xe Trung Quốc, khi bắt đầu có sự bùng nổ nhập khẩu đầu những năm 2000. “Thời cao điểm, có tháng tôi bán được hàng trăm ngàn bộ nạp”, Dũng nói.
Cho đến nay, có khoảng 20 chủng loại mặt hàng phụ tùng điện xe máy mang nhãn hiệu HD, từ bộ đánh lửa, bộ nạp, rơ le, cuộn lửa đến cuộn đèn. Và không chỉ cho xe số mà cả xe tay ga, không chỉ cho xe Honda, mà cả Suzuki và Yamaha nữa.
Chen chân vào nhóm cung ứng
Sản phẩm ông Dũng mang tới hội chợ triển lãm không chỉ thuộc hai mảng nói trên. “Tôi có hai mặt hàng chiến lược lần đầu tiên giới thiệu là bộ điều khiển đèn và bộ điều khiển quạt”, Dũng bật mí. Ông giải thích rằng những bộ này khi lắp thêm vào đèn hay quạt thường sẽ giúp cho chúng trở thành những thiết bị có thể điều khiển từ xa qua chiếc điều khiển tivi.
Theo Dũng, với giá bán đến người tiêu dùng khoảng 60.000 – 70.000đ/bộ, chắc chắn thị trường sẽ chào đón, bởi người già và trẻ em cũng dễ dàng sử dụng được. Ông cho biết thêm rằng một vài doanh nhân Hàn Quốc sau khi xem các kỹ sư của ông biểu diễn đã đánh tiếng muốn đặt hàng để xuất ngược về nước. “Hai mặt hàng chiến lược này chính là do các kỹ sư phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) thực hiện. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng tôi nghĩ tới việc bước ra thị trường nước ngoài”, ông Dũng nói.
Ý định mở phòng R&D đến với ông cách đây hơn 10 năm, sau khi phải thu hồi đến 50% số sản phẩm đưa ra thị trường, khi khách hàng phàn nàn là sản phẩm hỏng. “Hồi đó, tôi cứ lắp ráp từ các linh kiện nhập từ Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, mà không hề có thiết bị đo đầu vào và đầu ra. Sự mất mát về uy tín, công sức và tiền bạc đã cho tôi một bài học lớn về kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm”, Dũng nhớ lại.
Năm 2000, Dũng mở phòng R&D với nhân viên duy nhất chính là ông chủ công ty. Hai năm sau, Dũng mời được một chuyên gia sửa tivi, vốn là một kỹ sư được đào tạo điều khiển tên lửa ở Liên Xô vào đầu những năm 1960. Thiết bị cứ sắm dần từng năm, người cũng tuyển và đào tạo dần. “Ngoài tiền đầu tư cho các thiết bị khoảng một tỉ đồng, hàng năm chi phí dành cho việc nghiên cứu và trả lương cho phòng này (hiện nay là sáu kỹ sư) chiếm khoảng 500 triệu đồng”, Dũng nói.
“Tôi hy vọng sẽ không bỏ lỡ cơ hội trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản, hay nước ngoài khác. Nhất là khi việc xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ đã trở thành một nhu cầu cấp bách đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất trong nước, và bản thân công ty tôi cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều so với lần trước”, Dũng tâm sự. Ông cho biết hiện công ty cũng đã thành lập được một xưởng cơ khí để sản xuất các chi tiết cơ khí chính xác, và các bộ khuôn cho các chi tiết nhựa và tôn sắt đột giập.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét