Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Người dân Nhật cần sự thay đổi


Bầu cử Hạ viện Nhật Bản
Người dân Nhật cần sự thay đổi
SGTT - Trong lúc chờ kết quả bầu cử, ông Masami Nakamura, giám đốc dự án resort Quảng Nam của công ty APEX, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị: “Tôi rất tiếc là chậm đăng ký với sứ quán nên không được tham gia bỏ phiếu bầu quốc hội lần này. Nhưng tôi vẫn tin đảng Dân chủ Nhật Bản sẽ thắng. Bởi cử tri Nhật cần sự thay đổi”.
Một phóng viên ảnh chụp lại poster quảng bá các chính trị gia của DPJ, ngay trước tổng hành dinh của đảng này ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Ông nghĩ thế nào về sự thay đổi của người dân Nhật ở lần bầu cử này?
Sau thế chiến thứ hai, theo ý định của người Mỹ, chính trường Nhật phải có hai đảng thay nhau nắm quyền, như mô hình Mỹ. Thế nhưng, đảng Dân chủ tự do (LPD) đã gần như nắm quyền điều hành đất nước trong suốt hơn 50 năm. Trong vòng ít nhất là 10 năm trở lại đây, những người dân Nhật bắt đầu muốn thay đổi, đã có những thử nghiệm nhưng bất thành. Đến nay, không chỉ người dân thành thị, không chỉ những người thuộc thế hệ trẻ, muốn thay đổi, và muốn thay đổi một cách mạnh mẽ. Có thể nói, hầu hết người dân Nhật, bất kể vùng miền, tuổi tác, đều muốn thay đổi.
Ông nghĩ thế nào về những ý kiến cho rằng đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), chính đảng đối lập lớn nhất của LDP cầm quyền, thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước?
Tôi nghĩ đây không phải chuyện lớn. LDP có thể nói chuyện đó trong quá trình vận động tranh cử, nhưng cử tri vẫn đang ủng hộ DPJ. Họ cần một không khí dân chủ hơn. Còn kinh nghiệm sẽ tích luỹ được trong quá trình làm việc.
Ông có nghĩ rằng không khí cuộc bầu cử lần này bị ảnh hưởng bởi kết quả các bầu cử ở Mỹ, cả ở cấp nội bộ đảng, lẫn toàn quốc, khi Obama, một người được coi là thiếu kinh nghiệm hơn đã thắng những chính trị gia lão luyện? Người Nhật cũng cần khẩu hiệu của Barack Obama là “Chúng ta cần thay đổi”?
Cũng có thể. Nhưng tôi muốn nói riêng về người Nhật, chúng tôi đã đợi rất lâu cho những gì gọi là đổi mới, nhưng chúng tôi đã thất vọng. Ngay cả nguyên thủ tướng Koizumi, người được cả người dân lẫn đảng viên LDP kỳ vọng nhất, cũng khiến họ thất vọng, khi chẳng có sự đổi thay nào đáng kể trong nhiệm kỳ khá dài của ông ta.
Ông có thấy là trong nửa thế kỷ cầm quyền của LDP, có những trường hợp cha là thủ tướng, sau đó lại đến con, tuy không phải là cha truyền con nối một cách liên tục. Liệu đây có phải là ảnh hưởng của đạo Khổng và chế độ phong kiến không?
Tôi không nghĩ đến truyền thống hay ảnh hưởng, như vậy, bởi xã hội Nhật thay đổi rất nhiều. Tôi nghĩ trước đây đúng là có thể như vậy, do lối suy nghĩ của người dân và cả các chính khách rằng cha giỏi thì con ắt cũng không kém, và người ta thường ủng hộ những gia đình có truyền thống.
Nhưng nay, mọi chuyện đã đổi thay, mỗi người phải tự chứng minh, tự thể hiện khả năng của chính mình. Nếu trước đây, sự kế thừa là một lợi thế trong tư duy bảo thủ, thì nay, với thế hệ cử tri mới, điều đó ngày càng ít ý nghĩa hơn. Cử tri bây giờ chọn người chứng minh được bản thân là người mang lại lợi ích cho đất nước hơn là chú trọng đến bản lý lịch dòng dõi của ông ta. Cử tri trẻ đã thay đổi tư duy, và cử tri già cũng đang thay đổi theo.
Xin hỏi câu cuối cùng, đảng nào sẽ thắng lợi, theo dự đoán của ông?
DPJ, tất nhiên rồi!
Huỳnh Phan (thực hiện)
Sáng qua (30.8), cử tri Nhật Bản đi bỏ phiếu để bầu ra Hạ viện mới gồm 480 thành viên. Đây là cuộc bầu cử được dư luận đánh giá có thể tạo ra sự thay đổi lịch sử trên chính trường Nhật Bản.
Theo bộ Nội vụ và Bưu chính Nhật Bản, số cử tri đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử lần này vào khoảng 104 triệu người, trong đó khoảng 10,94 triệu cử tri (tương đương 10,49%) đã đi bỏ phiếu sớm trong thời gian từ ngày 19 – 28.8. Đây là lần đầu tiên số cử tri tham gia bỏ phiếu sớm cao nhất kể từ khi Nhật Bản áp dụng hệ thống bầu cử sớm đối với các cuộc bầu cử cấp quốc gia từ năm 2004.
Đến chiều cùng ngày, tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng các cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập có thể giành thắng lợi lớn trước đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Taro Aso. Dự kiến, kết quả bầu cử sẽ được công bố hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét