Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Nhìn từ những trải nghiệm quá khứ


Ngày 26.11.2009, 10:00 (GMT+7)
Thu hút trí thức Việt Kiều
Nhìn từ những trải nghiệm quá khứ
SGTT- Trong lễ khai mạc Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, thứ trưởng Khoa học và công nghệ Lê Đình Tiến đã nhắc về thế hệ trí thức Việt kiều lập quốc, trở về theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những cái tên như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, hay Lương Định Của – những người mà đóng góp được thể hiện nhiều nhất trong vai trò đặt nền móng cho nền khoa học Việt Nam cùng một số chuyên ngành của nó sau này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với một Việt kiều dự Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài
Trong lễ khai mạc Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, thứ trưởng Khoa học và công nghệ Lê Đình Tiến đã nhắc về thế hệ trí thức Việt kiều lập quốc, trở về theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những cái tên như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, hay Lương Định Của – những người mà đóng góp được thể hiện nhiều nhất trong vai trò đặt nền móng cho nền khoa học Việt Nam cùng một số chuyên ngành của nó sau này.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thế hệ đó đi ra nước ngoài với tư thế những người vong quốc. Phần lớn họ là con em tầng lớp trên, sau này có bổ sung thêm những người có chí và trưởng thành từ thế hệ con em những người lao động sang Pháp trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. “Họ sang Pháp và, ngoài kiến thức, họ tiếp thu được tinh hoa của nền văn hoá đó, nhất là tinh thần dân chủ”, ông Quốc nhận xét.
Thế hệ vàng đó, theo ông Quốc, đã quay về nước với hoài bão cống hiến hết mình cho đất nước trong cái hào khí chung của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. “Về cơ bản, việc đóng góp cho sự nghiệp độc lập và bảo vệ đất nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, họ đã làm được, và làm rất tốt”, ông Quốc nói.
Nhưng khó nhất là con đường phát triển tiếp theo, và bi kịch của một số cá nhân thuộc thế hệ này cũng phát sinh từ đó. Những bi kịch cá nhân đó, theo nhà sử học, xuất phát từ bi kịch riêng của quốc gia và bi kịch chung của thời đại.
Ông ngậm ngùi nhắc tới cố giáo sư triết học Trần Đức Thảo, người không được ông Tiến nêu tên. “Xét cho cùng, dù bị đối xử bất công, ông đã đi đến tận cùng của lý tưởng rất mạnh mẽ là đóng góp hết mình cho đất nước. Cuộc đời ông, xét ở mọi khía cạnh, luôn là một tấm gương”, ông Quốc nói.
“Tư tưởng dân chủ mà họ tiếp thu được, và coi là động lực chính của quá trình phát triển, đã đụng với tính nông dân trong cái phong trào, mà trên thực tế đã tạo ra một sức mạnh to lớn để đạt một mục tiêu rất to lớn của lịch sử, nhưng đồng thời cũng để lại rất nhiều hệ luỵ, trả giá, kể cả sự thay đổi của đất nước”, ông Quốc lý giải.
Gần nửa thập kỷ sau, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập. Một lần nữa trí thức Việt kiều lại được kêu gọi về góp sức xây dựng lại đất nước, bị tàn phá qua hơn ba thập kỷ của chiến tranh và bị bần cùng hoá sau hơn một thập kỷ bị cô lập và cấm vận. Theo thứ trưởng Tiến, ngoài việc đóng góp xây dựng, đổi mới chính sách cải cách kinh tế, hành chính, hay khoa học – công nghệ, họ cũng đóng vai trò cầu nối giữa giới khoa học Việt Nam với nước ngoài.
Ông Quốc cho rằng cuộc chiến tranh và những hệ luỵ tiếp theo của nó đã có phần nào làm rạn nứt dân tộc, bởi nhiều nguyên do khác nhau. “Về phần mình, thế hệ trí thức Việt kiều buổi đầu mở cửa ấy đã tự vượt qua được những bi kịch, hay mặc cảm, để hàn gắn quá khứ, mở ra một tương lai phát triển của một đất nước Việt Nam thống nhất”, ông Quốc nói.
Còn từ phía trong nước, theo ông Quốc, lúc đó rất cần một chủ trương, một ngọn cờ, một cá nhân quyết đoán. Và ông Võ Văn Kiệt đã cầm ngọn cờ đó. “Mặc dù vẫn dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị duy nhất, những nhân tố thúc đẩy xã hội đi lên, trong đó có các trí thức Việt kiều, đã được tạo lập”, ông Quốc nói.
Còn theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng và nguyên thành viên tổ Chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, được ông Võ Văn Kiệt thành lập năm 1993, có ba trí thức Việt kiều được mời tham gia tổ này. Đó là các ông Vũ Quang Việt từ Mỹ, Trần Văn Thọ từ Nhật, và Trần Quốc Hùng từ Đức.
Ngoài một năm bay về nước họp với Thủ tướng một lần, các chuyên gia Việt kiều trong tổ, trừ ông Trần Văn Thọ về nước thường xuyên vì còn hợp tác với các tổ chức khác trong nước, làm việc chủ yếu qua thư từ, điện thoại. Ông Tuấn cho biết rằng nhờ thái độ cầu thị của các thành viên trong nhóm, và đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt, vai trò đóng góp của ba trí thức Việt kiều nói trên rất hữu ích và quan trọng.
“Chúng tôi cần gì về kinh nghiệm của nước ngoài thì nhờ các anh ấy tìm giúp tư liệu gửi về, không biết gì thì nhờ các anh ấy giải đáp. Nhờ có anh Việt mà chúng ta chuyển đổi được phương pháp thống kê theo thông lệ quốc tế. Còn anh Thọ, ngay từ giữa những năm 90, đã nói rất nhiều về công nghiệp hỗ trợ, mà gần đây Chính phủ bắt đầu quan tâm”, ông Tuấn nhớ lại.
Đến thời thủ tướng kế nhiệm, ba trí thức Việt Kiều này không còn được mời tư vấn nữa. “Rất tiếc là phong cách cá nhân đó không trở thành một phong cách chính trị, một văn hóa lãnh đạo. Thế hệ của ông Kiệt là một thế hệ đặc thù của những người tham gia và lãnh đạo cách mạng, và nhờ vị thế đó mà ông có thể thực hiện được những đột phá”, ông Quốc nhận xét.
“Thế hệ những chính khách sẽ thay thế. Khác với thế hệ trước, họ bị ràng buộc bởi thể chế, bởi luật pháp, nên rất khó đột phá. Chính vì vậy, phải tăng cường các cam kết mang tính pháp lý mới hy vọng thu hút và khai thác được sức mạnh của trí thức Việt Kiều”, ông Quốc lập luận.
Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của thứ trưởng Tiến. “Hạ tầng chính sách, nhất là chế độ ưu đãi, là thứ chúng ta có thể làm được ngay, mà cũng vẫn chưa rõ ràng”, ông Tiến, người vẫn trăn trở với việc mời các chuyên gia Việt kiều tầm cỡ về nước để tạo những dấu ấn lớn như thế hệ vàng đã làm, than thở.
“Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã thuyết phục được chúng tôi bởi sự chân thành và quan tâm cụ thể của ông với Việt kiều. Điều quan trọng hơn là ông Triết phải thuyết phục các vị khác, cũng như các quan chức trong bộ máy Chính phủ, thể hiện được sự chân thành và quan tâm tương tự như vậy”, giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, người kể rằng ông đến đại hội này để nêu lại những điều ông đã kiến nghị tại một hội nghị Việt kiều có quy mô nhỏ hơn cách đây bốn năm.
bài và ảnh Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét