Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Vận động công nhận di sản


Ngày 29.01.2010, 08:25 (GMT+7)
Ngoại giao văn hoá
Vận động công nhận di sản
SGTT - Có lẽ nét mới nhất trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của ông Phạm Gia Khiêm là thúc đẩy một cách bài bản ngoại giao văn hoá, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Sau một cuộc hội thảo vào trung tuần tháng 10.2008, kết quả quan trọng nhất mà bộ Ngoại giao đạt được, theo tổng thư ký uỷ ban UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu, là hình thành một chủ thuyết về ngoại giao văn hoá.
Cũng theo ông Châu, đột phá được coi là quan trọng hoạt động ngoại giao văn hoá trong năm 2009 là việc vận động thành công cho ba danh hiệu UNESCO (quan họ, ca trù và mộc bản triều Nguyễn), và hoàn thiện một số hồ sơ khác cho những đợt xét duyệt năm 2010.
Nhưng sau khi ca trù, và nhất là quan họ, được UNESCO công nhận là di sản nhân loại, đã có nhiều dư luận khác nhau. GS Trần Văn Khê nói rằng nếu thế giới đến Việt Nam để nghe những canh hát quan họ bây giờ, họ sẽ không còn thấy được những nét đặc thù tế nhị của quan họ cổ, như ngủ bọn, kết bạn..., như trong hồ sơ. Ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ, họ có lý của họ. Nhưng chúng tôi lại có những lý lẽ khác.
Thứ nhất, có ba tiêu chí để đánh giá hiệu quả của danh hiệu UNESCO: số lượng khách du lịch tăng lên, hợp tác quốc tế và bảo tồn. Chúng tôi có hẳn một đề án nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế xã hội của các danh hiệu UNESCO mang lại.
Ví dụ, theo tính toán của chúng tôi, một danh hiệu được UNESCO công nhận là được ngay hàng trăm triệu đô la do du khách sẽ mang vào. Hay, sau khi khu dự trữ sinh quyển biển ở Kiên Giang được UNESCO công nhận, Đức rót vào hơn 2 triệu USD để bảo tồn tính đa dạng sinh học.
Thứ hai, chúng tôi cũng muốn thông qua các danh hiệu UNESCO để tác động ngược lại quá trình phục hồi những giá trị văn hoá, tinh thần, mà có một thời gian dài, vì chuyện miếng cơm manh áo chúng ta đã ít để ý. Chẳng hạn, về quan họ, tôi nghĩ chắc chắn các cơ quan liên quan, cũng như người dân vùng Kinh Bắc, sẽ có ý thức phục hồi lại quan họ cổ theo đúng phong cách đặc thù của nó. Trước đây, tại Hạ Long, người ta nổ mìn để khai thác than, nhưng sau khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản, việc khai thác than buộc phải giảm đi, rồi dừng hẳn.
Cuối cùng, chúng tôi biết rằng UNESCO là người ra đề bài, và dựa trên cơ sở đề bài này chúng tôi chọn ra những hồ sơ phù hợp để trình, và vận động để được công nhận. Còn đối với các học giả và chuyên gia, việc tranh luận dường như có mục đích tìm ra chân lý, hay chứng minh ai đúng ai sai. Tôi đã có kinh nghiệm từ vụ hội thảo Hoàng thành Thăng Long cách đây hai năm rồi.
Xin ông nói cụ thể hơn.
Các giáo sư, học giả Việt Nam đã tranh luận rất găng trong rất nhiều buổi họp, và dường như không có hồi kết. Tôi đã thoáng sợ rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, hồ sơ về Hoàng thành chắc sẽ phá sản. Tôi đã phải thông báo rằng trong buổi họp sau, các giáo sư, học giả Việt Nam cứ tiếp tục thảo luận, nếu thống nhất được những điểm gì sẽ dịch ra và bổ sung vào hồ sơ.
Còn các chuyên gia quốc tế, do tôi vận động UNESCO tài trợ cho 20.000 USD để thuê vào, đã cùng tôi ở một phòng bên cạnh để viết hồ sơ, dựa theo tư liệu do mình cung cấp, theo đúng yêu cầu UNESCO.
Chúng tôi coi việc trình hồ sơ Hoàng thành là quả đấm trọng điểm, nên phải tiến hành rất sớm và bài bản. Nếu Hoàng thành được UNESCO công nhận trong năm nay, lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội mới thực sự trang trọng, bởi cả thế giới nhìn vào.
Trong số những hồ sơ trình lên UNESCO xét duyệt trong năm nay, ngoài Hoàng thành, có cái nào khiến các ông phải lao tâm khổ tứ?
Công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang). Đây là một câu chuyện gian nan, nhưng đầy thú vị.
Câu chuyện bắt đầu từ hội nghị di sản ở Quảng Bình, hồi đầu tháng 7.2009. Lúc đó, đại diện Hà Giang lên diễn đàn dự một hội thảo quốc tế, do họ tổ chức, về công viên đá Đồng Văn. Tôi có hỏi họ: Từ năm 2007, năm nào các anh cũng tổ chức hội thảo, vậy kết quả đến đâu rồi? Họ trả lời là đang hợp tác với phía Bỉ rất tốt.
Thực ra, dự án của Bỉ là đề án cấp nhà nước về nghiên cứu khu địa chất. Những người Bỉ đang làm dự án này cũng nói rằng chắc đến năm 2012 hồ sơ này mới trình được lên UNESCO. Theo suy luận của tôi, dự án bốn năm của họ kéo dài đến năm 2012, và lúc đó trình là vừa đẹp, lại vừa có công với tỉnh Hà Giang.
Tôi lại nghĩ khác. Trên Đồng Văn người dân nghèo khổ quá, chỉ có con đường trở thành di sản mới thoát nghèo. Lãnh đạo tỉnh đồng ý ngay, nhưng họ bảo: “Trăm sự nhờ các anh hết. Chúng tôi chẳng có tiền, mà cũng chẳng hiểu thủ tục làm thế nào”.
Tôi qua Paris hôm 15.10.2009, vận động hội đồng chấp hành bỏ phiếu, cho phép lui thời hạn nộp hồ sơ của Đồng Văn đến 30.11. Tôi lập tức gửi ngay mẫu hồ sơ đăng ký cho TS Trần Tân Văn, viện phó viện Địa chất – khoáng sản, người theo vụ này đã mấy năm, để ông điền vào. Rồi tôi yêu cầu tỉnh Hà Giang phải làm hồ sơ quản lý địa giới, thành lập ra ban quản lý di sản, và tiến hành phỏng vấn người dân ở đó về mong muốn được UNESCO công nhận. Ông phó của tôi phải lên nằm chờ chực ở đó đến khi nhận đủ bốn tập hồ sơ, có dấu má đàng hoàng, mới được phép về.
Tới giờ tôi cũng không hiểu sao mà chúng tôi đã kịp nộp đầy đủ hồ sơ lên UNESCO trước khi hết hạn ba ngày. Sắp tới các chuyên gia của UNESCO sẽ vào thẩm định, đo đạc địa mạo, địa chấn. Sau đó, phải qua một lần thẩm định nữa tại hội nghị địa chấn toàn cầu ở Malaysia vào tháng 4, trước khi hội đồng khoa học xem xét lại một lần nữa. Mọi chuyện sẽ được định đoạt vào tháng 9.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét