Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Nhật trao kho tư liệu phim về chiến tranh cho Việt Nam


Ngày 08.02.2010, 09:50 (GMT+7)
Nhật trao kho tư liệu phim về chiến tranh cho Việt Nam
Một bức ảnh Nihon Denpa News chụp về Việt Nam. Ảnh: TL
SGTT - 1.502 đầu mục phim sẽ được hãng sản xuất phim truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) chuyển giao cho đài Truyền hình Việt Nam (THVN) quản lý và khai thác – “Đó là nội dung chính trong hợp đồng hợp tác khai thác tư liệu giữa NDN và đài THVN, sẽ được ký kết vào đầu tuần này”, ông Trần Huy Công, đại diện NDN tại Hà Nội cho biết.
Mục đích của hợp đồng hợp tác này là để phía Việt Nam khai thác trên toàn bộ hệ thống truyền thông Việt Nam, nhằm giúp các thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước biết được những gì đã diễn ra trong thời gian chiến tranh, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, quyết tâm gìn giữ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của các thế hệ đi trước. Toàn bộ số phim nhựa 16mm nói trên, được NDN quay từ năm 1964 đến đầu năm 1982, chủ yếu phản ánh về cuộc chiến đấu, sản xuất và sinh hoạt của quân dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng hoà bình, cũng như cuộc chiến ở biên giới phía Bắc.
Hãng NDN đã lập văn phòng ở Hà Nội từ năm 1964, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (5.8.1964). Quyết định này đã được đưa ra theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người sáng lập NDN, khi ông này sang Hà Nội hai năm trước đó để phỏng vấn người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. “Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rằng ông muốn có một hãng truyền hình phương Tây đưa những hình ảnh khách quan về cuộc chiến từ miền Bắc. Và trên thực tế, những hình ảnh độc quyền do NDN đưa về Nhật, sang châu Âu và Mỹ, đã góp phần tạo ra phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới”, tổng giám đốc NDN Misao Ishighaki kể lại.
“Đây là một bức tranh toàn cảnh về miền Bắc trong giai đoạn đó, với đầy đủ các gương mặt từ lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… tới những chiến sĩ, công nhân và người dân bình thường. Cuộc chiến cũng được miêu tả dưới hai góc độ chính quy, với máy bay, tên lửa, hay xe tăng; và toàn dân, với hình ảnh của dân quân tự vệ bắn máy bay”, ông Công nói.
Đài THVN, theo ông Công, đã bắt đầu khai thác tư liệu lịch sử của NDN cách đây khoảng năm năm, với bộ phim Việt Nam (giai đoạn 1964 – 1966), và sau đó là bộ phim Việt Nam thống nhất (giai đoạn 1974 – 1975). Tuy nhiên, bản quyền cả hai bộ phim này đều thuộc NXB Kim Đồng, do đài này từ chối mua. Chỉ khi VTV4 mua bản quyền phát sóng lễ tang Hồ Chí Minh vào 2.9.2008 và tạo được dư luận mạnh mẽ, kho tư liệu lịch sử của NDN mới bắt đầu được lãnh đạo đài quan tâm. Và đầu tháng 5.2009, khi tổng giám đốc Vũ Văn Hiến chính thức thăm trụ sở của NDN ở Tokyo, việc hợp tác khai thác mới chính thức được đặt ra.
Để có được quyền khai thác vĩnh viễn kho tư liệu lịch sử vô giá này, đài THVN phải trả cho NDN một vạn yen (khoảng 100 USD) cho mỗi đầu mục phim. “Đây thực sự chỉ cái giá tượng trưng trả tiền bảo quản kho tư liệu đó suốt mấy chục năm qua. Chứ NDN từ trước đến nay, mỗi lần cần mua tư liệu của hãng phim Tư liệu Việt Nam, hay hãng phim Quân đội Việt Nam, đều phải trả 500 – 1.000 USD/phút”, ông Công nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo hợp đồng, nếu có hãng truyền hình của một nước thứ ba muốn mua lại tư liệu, đài THVN không được phép bán, mà phải thông báo với NDN. Nhà sản xuất này, với tư cách chủ sở hữu, sẽ cùng đài THVN tham gia đàm phán hợp đồng.
Theo lịch trình đã được thoả thuận, tổng giám đốc NDN Misao Ishighaki và giám đốc kinh doanh Yoshida Hiroko đến Hà Nội vào chiều 7.2 để chuẩn bị cho lễ ký chính thức vào 10.2. Hai mươi ba thùng đựng phim, mỗi thùng nặng khoảng 10kg, đã được chuyển bằng máy bay đến Hà Nội, để phục vụ cho việc quay phim chụp ảnh sau lễ ký.
Tuy nhiên, theo ông Công, đến phút chót, đài THVN thông báo lại là họ quá bận, và đề nghị hai bên gửi hợp đồng cho nhau qua chuyển phát nhanh. “Lãnh đạo NDN đã mua vé máy bay và đặt phòng ở Hà Nội rồi, nên không kịp huỷ nữa. Chắc họ đành ngồi chờ ở khách sạn cho đến ngày 10.2, xem lãnh đạo đài THVN có lúc nào rảnh để làm lễ ký hay không. Ít nhất, cũng nhận được tận tay hợp đồng, chứ không phải qua bưu điện nữa”, ông Công nói.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét