Ngày 24.04.2009, 07:28 (GMT+7)
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản kéo dài bốn ngày (19 – 22.4). Nhân dịp này, GS Huỳnh Mùi, hiệu trưởng trường Công nghệ Thăng Long, một cơ sở đào tạo tư nhân có uy tín nhất hiện nay trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật ở miền Bắc trao đổi với SGTT về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông nói: “Đó là mối quan hệ định mệnh!”.
Vì sao ông nói đây là mối quan hệ định mệnh?
Tôi nói quan hệ định mệnh là vì trong khối các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông và Khổng giáo là Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, hai nước cuối cùng ít bị xung đột về mặt lịch sử nhất. Còn với khu vực Đông Nam Á, trong nửa thế kỷ qua họ có sự hợp tác và đầu tư hết sức lâu dài, nhưng mối quan hệ vẫn chỉ dừng lại ở mức làm ăn, chưa phải là quan hệ mang tính dân tộc.
Với Việt Nam, Nhật muốn có một mối quan hệ khác. Chẳng hạn, về lực lượng lao động, họ thiếu rất nhiều, Việt Nam lại thừa nhiều, hai bên mà hợp sức, bổ sung cho nhau rất tốt.
Thưa giáo sư, trong mối quan hệ này, có vẻ như Việt Nam vẫn mong chờ nhiều vào việc tăng thêm cam kết ODA từ phía Nhật?
Về ODA, cả hai bên đều sử dụng như một nhu cầu tạo dựng mối tương tác, và trên thực tế vẫn dừng ở mức độ hai bên cùng có lợi. Theo tôi, với tư cách là một đối tác chiến lược, lãnh đạo Việt Nam có nên đặt vấn đề với phía Nhật tính toán lại trên cơ sở mức giá và chi tiêu ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Bởi tiền vay, tuy lãi suất thấp, vẫn phải trả.
Với các dự án hạ tầng, vấn đề chắc phức tạp. Nhưng với các dự án ODA chiều sâu, chẳng hạn như phát triển nguồn nhân lực, hoàn toàn có thể thực hiện ngay. Như dự án đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin từ vốn ODA ở trường Bách Khoa, được triển khai 2 – 3 năm nay, họ tuyển 120 sinh viên vào, nhưng cuối cùng chỉ lấy 20 sang Nhật đào tạo. Nếu chuẩn bị tốt phần đào tạo ở Việt Nam với chi phí tương đối rẻ, hoàn toàn có thể cử 120 người đi đào tạo nâng cao bên Nhật.
Với mối quan hệ ở tầm cao mới này, Việt Nam cũng hy vọng thu hút đầu tư từ Nhật. Nhưng, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, ngay cả các doanh nghiệp Nhật đang làm ăn ở Việt Nam cũng phải thu hẹp sản xuất và sa thải công nhân. Như vậy, hy vọng này có vẻ thiếu hiện thực?
Ngay cả những doanh nghiệp bên Nhật, nhất là những xí nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng đang khốn đốn. Nhưng đó chính là cơ hội cho Việt Nam kéo họ sang với những chính sách tốt. Bản thân Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm và hỗ trợ nhiều cho SMEs của họ tìm đường ra nước ngoài. Trong 10 – 20 năm nữa chúng ta cố học để thừa kế cái nghề của họ thì mới tự xây dựng nền công nghiệp cho riêng mình.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật cũng định đưa những SMEs qua Việt Nam, nhưng thấy phức tạp quá nên đã đưa qua Thái Lan. Những người tôi gặp họ qua tìm hiểu ở Việt Nam thì vài năm sau lại gặp họ đang làm ăn bên Thái Lan. Một cơ hội đã bị bỏ lỡ. Nhưng có vẻ như Chính phủ Việt Nam không quan tâm đến SMEs vì số tiền họ đầu tư không lớn.
Cũng liên quan đến phát triển công nghiệp, tôi được biết nhiều SMEs của Nhật trong quá trình tái cơ cấu đã bán máy móc, thiết bị sang Trung Quốc với giá rất rẻ. Người Trung Quốc tinh hơn, biết phân biệt vàng thau, nên hưởng lợi từ quá trình này. Việt Nam mình thì máy móc, cứ cấm nhập thiết bị cũ, cho dù giá trị sử dụng của chúng vẫn còn cao. Ai cũng hiểu rằng muốn phát triển nền công nghiệp không thể bỏ qua được cơ khí chính xác, và nếu mua máy móc thiết bị mới từ các nước tiên tiến thì Việt Nam không có đủ tiền.
Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa rồi, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rất quan tâm đến mô hình phát triển nông nghiệp của Nhật Bản. Theo ông, Việt Nam hy vọng gì từ phía Nhật, kinh nghiệm, vốn đầu tư, hay một cái gì khác?
Tuy nông thôn Nhật Bản thiếu hụt lao động rất lớn, nhưng Việt Nam khó hy vọng đưa nông dân sang làm nông nghiệp bên Nhật, bởi Nhật Bản chưa có sự chuẩn bị về mặt dân tộc và pháp lý. Nhưng, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng tiếp nhận những công nghệ tiên tiến và cách tổ chức sản xuất nông nghiệp của Nhật, nhất là mô hình liên kết trong hợp tác xã, để phát triển nền nông nghiệp của mình và xuất khẩu nông sản sang Nhật, cũng như các nước khác. Các thửa ruộng bên Nhật cũng nhỏ như ruộng ở miền Bắc Việt Nam, nhất là miền núi, nên phương thức canh tác của họ dễ áp dụng cho Việt Nam, nhất là miền Bắc.
Việt Nam đã có những kinh nghiệm tốt trong sự hợp tác nông nghiệp với Nhật. Trước năm 1975, một công ty Nhật đã sang trồng chuối ở miền Nam và xuất về Nhật rất thành công. Cách đây hơn 10 năm một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam đã thí điểm trồng các giống lúa Nhật ở An Giang, họ cung cấp giống cho nông dân, hướng dẫn cách chăm sóc, và bao tiêu sản phẩm. Cho đến nay, diện tích trồng các giống lúa Nhật đã tăng lên 2.000ha, và nông dân có lời hơn và thu nhập cũng ổn định hơn so với trồng lúa bình thường.
Còn ở đồng bằng Bắc bộ, tôi nghĩ nếu hợp tác tốt với phía Nhật, về mùa đông đó có thể là một vườn rau khổng lồ đối với người dân Nhật, và cả châu Âu, khi những nơi đó chỉ có thể trồng trong nhà kính với chi phí rất cao.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét