Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hội thảo nhà Nguyễn (2)


Ngày 20.10.2008, 07:24 (GMT+7)
LTS: Hai ngày hội thảo nhìn nhận lại vai trò của vua chúa Nguyễn trong việc mở nước và trị nước cho thấy những quan điểm cực đoan đã ít đi đáng kể, cái nhìn khách quan hơn, một số cách tiếp cận mới hơn (đối với Việt Nam)…
Mất 20 năm để nhìn nhận lại
Để có những kết luận của giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch hội Nghiên cứu sử học Việt Nam, những người tham dự hội thảo đã phải trải qua bốn phiên thảo luận của ba tiểu ban, nhiều khi căng thẳng và thường là kéo dài quá thời gian quy định. Mặc dù trước đó, trong báo cáo đề dẫn giáo sư Lê đã nhận xét rằng những quan điểm về “các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” đã tương đối gần nhau. Nhưng, nói cho chính xác, giới sử học đã cần tới khoảng hai thập kỷ để có cách nhìn nhận tương đối trung thực, khách quan và công bằng về một giai đoạn lịch sử đầy phức tạp và mâu thuẫn.
Suốt 10 năm phải lặp đi lặp lại: “Nhà Nguyễn phản động toàn diện”
Những sinh viên của giáo sư Đinh Xuân Lâm trong giai đoạn 70 – 80 của thế kỷ trước hẳn đều nhớ rằng, mỗi khi giảng về giai đoạn nhà Nguyễn, bất kể là nói những gì, cứ cuối bài giảng ông đều kết luận gọn lỏn: “Nhà Nguyễn phản động toàn diện”. Sở dĩ ông đã phải lặp đi lặp lại câu này trong suốt 10 năm trời, vì phải dựa vào nhận định trong cuốn cẩm nang Một số vấn đề cách mạng Việt Nam của cố tổng bí thư Lê Duẩn. Kể lại câu chuyện này với Sài Gòn Tiếp Thị, ông chẳng trách ai, và cũng chẳng trách mình. Bởi vì, theo ông, nhận thức trong thời kỳ đó là như thế, và ông cũng không làm khác được.
Nhờ có sự bắt đầu của công cuộc “Đổi mới” năm 1986 với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, nhiều người làm công tác nghiên cứu, hay giảng dạy lịch sử như giáo sư Lâm đã có cơ hội trở lại cái vai trò của những nhà sử học đúng nghĩa, thay vì là những công chức sử học thuần túy, góp phần trả lại sự công bằng và minh bạch cho lịch sử, nhất là với giai đoạn chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, kéo dài tới 3,5 thế kỷ.
Quan điểm cực đoan ít đi đáng kể
Nhưng quá trình thay đổi nhận thức này không đơn giản. Theo giáo sư Vũ Minh Giang, các nhà sử học bắt đầu quá trình nghiên cứu, tranh luận để nhìn nhận lại nhà Nguyễn với những quan điểm rất khác nhau, thậm chí cực đoan.
Phái cực đoan truyền thống chỉ nhìn thấy tội của nhà Nguyễn, cái gì cũng chê, từ việc để mất nước đến thuế má, giáo dục, văn hoá... Họ sợ không phê phán bị coi là mất lập trường. Phái cực đoan hiện đại thì đề cao hết mức nhà Nguyễn, cái gì của nhà Nguyễn cũng hay. Chính sự thái quá của bên phê phán lại kéo theo sự thái quá tương ứng của bên bênh vực, và ngược lại, khiến nhiều khi những cuộc tranh luận lại biến thành to tiếng với nhau.
“Nhờ có những kết quả nghiên cứu khách quan mới ngày càng nhiều, và những ức chế do định kiến chính trị được giải toả dần, những quan điểm cực đoan đã ít đi đáng kể cả từ hai phái đối lập” giáo sư Vũ Minh Giang
Có một quan điểm thứ ba là nhìn nhận công bằng hơn, có cả công cả tội, tuy cách đánh giá công tội của nhóm này cũng có những khác biệt nhất định. Ngoài ra, cũng có một quan điểm nữa là từ bên ngoài, với những học giả như Dương Bảo Quân (Trung Quốc), Tsuboi (Nhật), hay Hardy (Pháp)… Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhóm cuối cùng này có cách tiếp cận khách quan hơn vì không bị ràng buộc bởi định kiến chính trị, và cũng có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu ở nước ngoài tốt hơn.
“Nhờ có những kết quả nghiên cứu khách quan mới ngày càng nhiều, và những ức chế do định kiến chính trị được giải toả dần, những quan điểm cực đoan đã ít đi đáng kể cả từ hai phái đối lập”, giáo sư Vũ Minh Giang nhận xét. Trường hợp nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vẫn kiên định với lập trường bảo vệ, hay bênh vực, hầu như mọi thứ liên quan đến nhà Nguyễn, kể cả việc thất bại trong việc bảo vệ đất nước, được hiểu như một trường hợp ngoại lệ, xuất phát từ tình cảm mãnh liệt của ông.
Để có một đánh giá có thể coi là thật trung thực, khách quan, công bằng về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, nhằm tái hiện lịch sử như đúng như nó đã xảy ra, chắc chắn còn phải không ít thời gian nữa. Giới sử học còn phải đào sâu thêm nhiều trong kho tư liệu trong và ngoài nước, cũng như cần sự giúp sức từ giới khảo cổ học, hay sự tham gia của tất cả những nhà nghiên cứu ở những ngành có liên quan đến mọi hoạt động của xã hội như quản lý hành chính, kinh tế, văn hoá, giáo dục, kiến trúc...
Tìm lại Châu bản
Theo giáo sư Vu Hướng Đông, đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), sau sự kiện này, các nhà sử học Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác các nguồn sử liệu có sẵn, đặc biệt là Châu bản, bởi “Châu bản là bằng chứng rất xác thực về trình độ tổ chức và quản lý nhà nước của các vua nhà Nguyễn”. Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho biết, hiện 2/3 bộ Châu bản này đã bị người Pháp lấy đi và hiện nay đang nằm ở cơ quan lưu trữ tại Paris. Phía Việt Nam đang đặt vấn đề hợp tác bổ sung giữa hai bên Việt – Pháp nhằm hoàn thiện một sử liệu lớn và quan trọng này để hai bên cùng khai thác.
Nhưng với những đồng thuận, hay tương đối đồng thuận, trong đánh giá về những công lao của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong khai khẩn và quản lý đất đai, xây dựng bộ máy quản lý hành chính…, hay ngay cả việc thất bại trong canh tân, cũng sẽ tạo cơ sở rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.
Tuy đã được đảm bảo bởi những nhận thức mới về nhà Nguyễn trong một bối cảnh mới sau hơn 20 năm đổi mới, chưa chắc giáo sư Đinh Xuân Lâm có còn quay trở lại trường đại học, dù là thỉnh giảng, để sinh viên có thể nghe ông kết thúc bài giảng không phải với một điệp khúc như mấy chục năm trước. Nhưng có một điều ông nói một cách chắc chắn, trong phiên thảo luận hôm 18.10 vừa rồi, là sách giáo khoa lịch sử về nhà Nguyễn sẽ được chỉnh sửa trong thời gian tới.
Huỳnh Phan – Xuân Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét