Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thoả thuận cơ chế đối thoại quốc phòng trực tiếp


Ngày 18.12.2009, 08:00 (GMT+7)
Trong thời gian gần đây, các vị lãnh đạo Việt Nam công du nhiều nước và ký kết nhiều thoả thuận. Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc bình luận đây là hành động rất khôn ngoan của Việt Nam, trong bối cảnh va chạm trong khu vực Biển Đông tăng lên.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ
Thoả thuận cơ chế đối thoại quốc phòng trực tiếp
* Việt Nam quan tâm mua vũ khí của Mỹ
SGTT - “Nói chung, cuộc thảo luận của chúng tôi là thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đi thẳng vào các vấn đề hai bên cùng quan tâm, quan hệ quốc phòng được đặt trong mối quan hệ chung của hai nước, công khai, không ảnh hưởng đến nước thứ ba và cả hai bên đều hài lòng về kết quả thảo luận ấy” bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói với Thông tấn xã Việt Nam sau chuyến thăm Mỹ, nhất là sau cuộc gặp với người đồng cấp Robert Gates. Ông Thanh là bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của Việt Nam thăm Mỹ, trong một lịch trình ba năm một lần trao đổi các chuyến viếng thăm cấp cao, kể từ năm 2000.
Việc bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chọn điểm dừng chân đầu tiên trên đất Mỹ là Hawaii, chứ không phải Washington, được giới quan sát quốc tế nhìn nhận như một mối quan tâm đến việc mua vũ khí của Mỹ. Giáo sư Vũ Hồng Lâm, thuộc trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét với báo chí: “Ông dừng lại tới ba ngày để thăm bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, có trách nhiệm với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông thăm cơ sở của hải quân và không quân, cụ thể như đến xem tàu ngầm (tàu ngầm tấn công USS Jacksonville) và máy bay. Điều đó cũng nói lên phần nào là phía Việt Nam có thể cũng quan tâm đến vấn đề mua vũ khí của Mỹ”.
Còn một người trong cuộc, phó đô đốc Mỹ Jeffey Wieringa, lãnh đạo cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng, theo trích dẫn của Reuters, cho biết Washington đang xem xét khả năng bán các loại vũ khí không sát thương, chẳng hạn như máy bay tuần tiễu dọc bờ biển, hay hệ thống radar, cho Việt Nam. Theo ông Wieringa, về khả năng hợp tác quốc phòng song phương, bước đầu tiên có thể được tiến hành đó là giảng dạy tiếng Anh cho các sĩ quan Việt Nam. Bước hợp tác tiếp theo là thực hiện chương trình huấn luyện và giảng dạy quân sự quốc tế của Mỹ, và khi mối quan hệ hợp tác đã chín muồi, bước tiếp theo có thể là việc bán vũ khí không sát thương.
Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Thanh trong thời gian ở Mỹ không chỉ bó gọn trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Ông Thanh đã đề nghị các thượng nghị sĩ Mỹ mà ông gặp, như Jim Web, hay McCain, ngăn không đưa dự luật nhân quyền đối với Việt Nam ra thượng viện. Bình luận về vấn đề này, giáo sư Carlyle Thayer nói: “Việc ông Thanh gặp nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, kể cả John Kerry, là một cách tiếp cận khôn ngoan và tinh tế trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ. Cả ba nhân vật có ảnh hưởng này đều ủng hộ việc Mỹ can dự trở lại khu vực Đông Nam Á”.
Về khả năng đối thoại trực tiếp giữa bộ quốc phòng hai nước, ông Thanh hé lộ: “Theo tôi, một trong những nhân tố để thúc đẩy quan hệ là hai bên cần phải hiểu nhau, và muốn vậy, cần phải có cơ chế đối thoại”. Còn giáo sư Thayer lại đánh giá rằng khía cạnh quan trọng nhất trong chuyến thăm này là hai bên đã thoả thuận được cơ chế hội đàm trực tiếp giữa hai bộ quốc phòng vào năm tới.
Giáo sư Thayer cũng nhận xét rằng việc chọn thời điểm cho chuyến thăm Mỹ của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, diễn ra đồng thời với chuyến thăm Nga của thủ tướng, và chuyến thăm Trung Quốc của ông trưởng ban tuyên giáo Tô Huy Rứa, cho thấy Việt Nam đã hành động rất khôn ngoan, trong bối cảnh va chạm trong khu vực Biển Đông tăng lên. “Việt Nam đã tránh cái bẫy tiềm tàng của việc bị mắc ở giữa Trung Quốc và Mỹ, bằng cách lôi kéo chú gấu Nga quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương. Và chuyến thăm của ông Tô Huy Rứa lại tái khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam không chệch hướng khỏi con đường xã hội chủ nghĩa”, giáo sư Thayer bình luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét