Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Sự khởi đầu khó khăn


Ngày 22.03.2010, 15:06 (GMT+7)
Đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Sự khởi đầu khó khăn
SGTT - Trưởng đoàn đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, vừa từ Melbourne trở về Hà Nội, nói ông không thể tiết lộ điều gì, theo thoả thuận giữa các bên đàm phán, ngoài việc sẽ có một thông cáo báo chí trong 1 – 2 ngày tới.
Trong khi đó, ngay khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) kịp thời ra thông cáo báo chí, đánh giá rằng vòng này kết thúc thành công. Theo USTR, các nhà đàm phán TPP trong tuần trước đã cân nhắc các cách tiếp cận có thể được nhằm tiếp tục mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và tạo thêm việc làm. Trong số hàng loạt vấn đề được bàn thảo, còn có cả cách thức đảm bảo cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ hơn vào trao đổi thương mại, vấn đề lao động và môi trường.
Trước khi vòng đàm phán này diễn ra, ngành công nghiệp sữa của Mỹ và đại diện của họ trong quốc hội đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các sản phẩm sữa từ New Zealand sẽ tràn ngập thị trường Mỹ, đi ngược lại với mục tiêu tạo việc làm khi chính quyền Obama quyết định khởi động TPP. Trong khi đó, hiệp hội May và da giày Mỹ lại lên tiếng ủng hộ hiệp định này. Chủ tịch hiệp hội Kevin Burke, cho rằng với thuế nhập khẩu bị bãi bỏ, những sản phẩm và nguyên phụ liệu của Mỹ sẽ có cơ hội xuất khẩu sang những thị trường hoặc giàu nhất, hoặc đang tăng trưởng nhanh nhất, ở châu Á như Brunei, New Zealand, hoặc Việt Nam. Ngược lại, những mặt hàng nhập khẩu trong hai lĩnh vực này từ những nước như Việt Nam, hầu như Mỹ đã ngừng sản xuất trong những năm trở lại đây.
Ngay tại Úc, nước chủ nhà của vòng đàm phán đầu tiên, có không ít ý kiến chỉ trích. Hai giảng viên của đại học Quốc gia Úc là Thomas Faunce và Ruth Townsend phê phán rằng chính phủ nước này bắt đầu cuộc đàm phán, trước khi tiến hành nghiên cứu khả thi, hay tham vấn các tầng lớp và nhóm lợi ích trong xã hội. Hai vị học giả này lo ngại rằng, với TPP được ký kết, các công ty đa quốc gia của Mỹ hoàn toàn có thể kiện Chính phủ Úc, hay các chính quyền bang, khi các công ty này tin rằng các luật lệ ở Úc, chẳng hạn luật bảo vệ môi trường, hoặc luật y tế, gây tổn thất cho đầu tư của họ. Hai ông này còn nói rằng, theo một kết quả điều tra, hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Úc (năm 2004) là một thoả thuận tồi đối với Úc, khi nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu sang Mỹ trong hai năm 2007 – 2008.
Việt Nam chưa gặp phải sự phản ứng như Úc, khi tham gia vòng đầu với tư cách thành viên liên kết. Tuy nhiên, việc Chính quyền Mỹ, cũng như một số lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nêu ra nguy cơ Trung Quốc, như một luận cứ để thuyết phục những người theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, khiến cho vấn đề trở nên nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ về quyền tự do lập hội đoàn của người lao động, mặc dù vẫn có lộ trình cho đến khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn, vẫn là một thách thức lớn đối với những người ủng hộ đàm phán hiệp định này.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét