Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Bắc Triều Tiên thử bảy tên lửa: Một tên hai đích


Ngày 05.07.2009, 20:59 (GMT+7)
Hai vụ thử bắn thử tên lửa trong tuần trước, với số lượng và tầm bắn của tên lửa trong từng lần bắn tương ứng với những con số chỉ ngày – tháng của Quốc khánh Mỹ (4/7), người ta có thể thấy thông điệp ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng là muốn gây áp lực hạt nhân đòi Mỹ phải đàm phán tay đôi, thay vì liên quan đến tình trạng sức khoẻ hay việc chọn người kế vị của Chủ tịch Kim Jong-il.
Theo một chuyên gia theo dõi bán đảo Triều Tiên nhiều năm, giấu tên, ý đồ chính của Bắc Triều Tiên qua những vụ thử vừa rồi chủ yếu là phô trương thanh thế, chứ không phải cảnh báo cho cuộc tấn công quân sự thực sự. Tuy lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đe doạ có thể bất ngờ tấn công Mỹ để phá huỷ một số mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ nước này, nhưng, thực chất, mọi cố gắng đó đều nhằm đạt mục đích bình thường hoá quan hệ đầy đủ với Mỹ, và chỉ với Mỹ, để rồi từ đó các mối quan hệ khác cũng mặc nhiên được giải quyết. Kinh nghiệm thành công của hai nước có cùng thể chế chính trị ở châu Á là Trung Quốc và Việt Nam sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn này của họ.
Các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của Bình Nhưỡng. Khi mới nhậm chức, ông Bush, trong bối cảnh của chiến dịch chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11/9, đã từng liệt Bắc Triều Tiên vào “liên minh ma quỉ”, hay gọi họ là “kẻ bảo trợ cho khủng bố”…, nhưng càng về sau thái độ của chính quyền ông này càng tỏ ra mềm mỏng. Những cuộc đối thoại, trong khuôn khổ sáu bên, đã được tiến hành.
Nhưng hờ hững của người kế nhiệm Obama khiến Bắc Triều Tiên thất vọng, và họ quyết định lên tiếng nhắc nhở. Việc chọn đối tượng có thể là đúng, nhưng phương cách tiếp cận phần nhiều là sai. Họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả từ những nước như Nga và nhất là Trung Quốc. Khu vực này đang rất cần hoà bình, ổn định để phát triển, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Còn Mỹ, xưa nay, họ đâu có để ai ép họ, nhất lại bằng đe doạ vũ lực. Họ càng không muốn tạo tiền lệ.
Nhưng lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn còn một cái đích ngắm khác. Đó là ổn định chính trị nội bộ. Bộ máy tuyên truyền nổi tiếng của Bắc Triều Tiên đã không còn phát huy hiệu lực trong việc tạo niềm tin tuyệt đối của dân chúng với lãnh tụ tối cao như trước, khi mà đời sống người dân ngày càng khổ sở. Thông qua những câu chuyện của những người có cơ hội đi công tác nước ngoài, qua sự liên lạc với những người bỏ trốn xuống miền Nam qua đường biên giới, không ít người đã hiểu rằng họ quá tụt hậu so với các dân tộc khác, bởi chính sách dồn gần hết nguồn lực của đất nước cho quốc phòng. Với việc thách thức Mỹ, giới lãnh đạo nước này muốn người dân tin rằng Mỹ là kẻ phải chịu trách nhiệm vì nỗi khổ của người dân Bắc Triều Tiên.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét