Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hai chuyến đi quan trọng


Ngày 17.04.2009, 07:26 (GMT+7)


Vốn ODA từ Nhật giúp cải tạo hạ tầng giao thông của Việt Nam. Trong ảnh: đại lộ đông – tây ở TP.HCM. Ảnh: Hồng Thái

Trong khi các nước ASEAN khác đành phải chờ dài dài để biết quan điểm của các đối tác Đông Bắc Á đối với tình hình suy thoái trong khu vực, do sự huỷ bỏ các cuộc gặp tại Thái Lan dưới tác động của bất ổn chính trị tại nước này, Việt Nam có cơ hội này với 2/3 số đối tác trên vào cuối tuần
Đối phó khủng hoảng – đón đầu hậu khủng hoảng
Sau khi nghe những lời khuyên từ người bạn lâu năm của Việt Nam là bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Quang Diệu cách đây hai hôm, sáng nay, 17.4.2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục hành trình đi tìm kiếm, từ những nền kinh tế khác, những kinh nghiệm và sự hợp tác trong việc đối phó khủng hoảng, khi tham dự diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Hải Nam, Trung Quốc) với chủ đề “Châu Á: Nỗ lực vượt qua khủng hoảng”.
Việc Việt Nam lần đầu tiên tham dự diễn đàn “Davos tầm châu Á” này ở cấp thủ tướng của Việt Nam thể hiện sự coi trọng với nước chủ nhà Trung Quốc, quốc gia cách đây gần một năm đã cùng Việt Nam thoả thuận thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Theo lịch trình, Thủ tướng Việt Nam sẽ có cuộc gặp trong khoảng 30 phút với người đồng cấp Trung Quốc bên lề diễn đàn, bàn những bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hoá thoả thuận này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chờ đợi những lời khuyên liên quan đến đối phó khủng hoảng từ những nhà tài phiệt ở Macao và nhất là Hong Kong, khi ông viếng thăm hai đặc khu hành chính này và tham dự toạ đàm bàn tròn với các chủ tập đoàn lớn và diễn đàn đầu tư trực tuyến Việt Nam – toàn cầu. Ông sẽ chứng kiến lễ ký những thoả thuận hợp tác về giáo dục, chứng khoán và xúc tiến thương mại với Hong Kong. Trước đó, bộ Kế hoạch và đầu tư và bộ Công thương cũng ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Quảng Đông (Trung Quốc).
Theo một quan chức phụ trách Trung Quốc của bộ Ngoại giao, những hoạt động của đoàn thủ tướng ở Quảng Châu, Hong Kong và Macao cũng một phần nhằm trực tiếp cập nhật cho các nhà đầu tư về tình hình kinh tế Việt Nam và khẳng định chính sách mở cửa đón đầu tư, cả trực tiếp và thông qua thị trường chứng khoán. Ông muốn chuẩn bị cho thời hậu khủng hoảng.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, việc thu hút thành công đầu tư từ các công ty tư nhân trong lĩnh vực kỹ thuật cao ở Quảng Đông sẽ đóng góp đáng kể vào việc ngăn chặn và dần thu hẹp thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng của Việt Nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Cho đến nay, Việt Nam chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu và nông sản thô hoặc mới sơ chế sang quốc gia láng giềng này.
Tổng bí thư và anh nông dân Nhật
Hai ngày sau chuyến đi của người đứng đầu Chính phủ, một phái đoàn cấp cao nhà nước khác cũng khởi hành trong chuyến thăm một nước Đông Bắc Á khác. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ ba (lần thứ hai trên cương vị Tổng bí thư) của ông Nông Đức Mạnh sang đất nước hoa anh đào.
Trong số những người mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp xúc trong ba ngày ở Nhật, đáng chú ý nhất có người đứng đầu chính phủ và một người nông dân bình thường.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với Thủ tướng Taro Aso hai nước dự kiến sẽ bàn thảo và quyết định việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Cuối năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda đã thoả thuận chương trình hợp tác hướng tới xây dựng mối quan hệ này.
Trong sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia Đông Bắc Á khác, khiến cán cân quyền lực ở châu Á bị thay đổi, người Nhật mong muốn có một đối tác chiến lược, độc lập tương đối trong đường lối đối ngoại, để có thể “chia lửa” với họ. Người Việt Nam thì mong chờ nhận thêm ODA để nhanh chóng cải thiện hạ tầng, và nguồn vốn đầu tư, cũng như sự chuyển giao công nghệ, từ cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này, nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Trong những công việc mà hai nước đã kịp thực hiện kể từ thời gian đó phải kể đến việc triển khai sáng kiến chung Nhật – Việt giai đoạn ba và Những biện pháp chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật, và hiệp định đối tác kinh tế (VJEPA).
Với sáng kiến chung Nhật – Việt, triển khai từ năm 2003, người Nhật đã chỉ cho Việt Nam cách cải thiện môi trường đầu tư để có thể thu hút và tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách tốt nhất. Còn với những biện pháp chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật, họ cũng đưa ra một quy trình giám sát chặt chẽ nhất nhằm giúp cho Việt Nam biết sử dụng những đồng vốn vay có hiệu quả nhất. Với những thoả thuận trợ giúp kỹ thuật đi cùng với cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ VJEPA, người Nhật sẽ lại một lần nữa hướng dẫn cho Việt Nam cách sản xuất ra những hàng hoá, nhất là nông sản và dệt may, đủ tiêu chuẩn xâm nhập vào thị trường của họ.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh kết thúc chuyến thăm Nhật Bản của mình bằng chuyến viếng thăm một gia đình nông dân ở Fukuoka, một tỉnh ở phía nam Nhật Bản. Ông muốn cùng các quan chức chính phủ tháp tòng chứng kiến mô hình tổ chức cuộc sống, sản xuất và tiêu thị sản phẩm của những người nông dân Nhật Bản để đưa vào áp dụng ở Việt Nam.
Một chuyên gia về Nhật Bản của ban Đối ngoại Trung ương, đề nghị giấu tên, cho biết rằng kể từ khi ban hành nghị quyết về Tam nông giữa năm ngoái, và đặc biệt làn sóng thất nghiệp ngày càng gia tăng của công nhân làm trong các ngành gia công, lắp ráp, do khủng hoảng toàn cầu, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bắt đầu thấy cần phải xác định lại, chứ không thể công nghiệp hoá ồ ạt như trước được nữa. “Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn Việt Nam, và nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới ngày càng gia tăng, một nền nông nghiệp có kỹ thuật và năng suất cao có thể là một hướng đi bền vững. Công nghiệp chế biến cũng có thể dựa trên nền tảng của nông nghiệp mà phát triển”, ông này nói.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét