Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

VTV4 phát phim tài liệu Nhật Hà Nội chiến đấu


Ngày 10.10.2009, 08:28 (GMT+7)
VTV4 phát phim tài liệu Nhật Hà Nội chiến đấu
Cảnh trong phim
Vào ngày 10.10, VTV4 lần đầu tiên phát bộ phim tài liệu “Hà Nội chiến đấu”, do hãng sản xuất phim truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) thực hiện năm 1966, nhân kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hà Nội chiến đấu
Bộ phim bắt đầu bằng những hình ảnh người dân Hà Nội đón tết Nguyên đán một cách thanh bình vào trung tuần tháng 2.1966. Người dân nô nức đi sắm tết, mua hoa đào, gói bánh chưng. Nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng. Buổi tối, tại quảng trường công viên trung tâm Hà Nội, nhân dân tập trung nghe những bản nhạc hùng tráng do dàn kèn đồng của Tổng cục Chính trị biểu diễn…
 Rồi đột nhiên, trong phim vang lên tiếng còi báo động. Trên bầu trời một chiếc máy bay đang lao xuống. Ngày 29.6.1966, Mỹ đã mở đầu cuộc ném bom Hà Nội bằng việc bắn phá kho xăng dầu Đức Giang, ngoại thành Hà Nội. Một cột khói đen khổng lồ hiện lên trên màn ảnh.  
Cảnh phim chuyển sang thời điểm sáng sớm ngày 17.6.1966. Từ nhà máy đến trường học, từ trận địa phòng không đến phố phường, loa phóng thanh phát đi lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổng thống Johnson và bè lũ có thể đem năm mươi vạn, hay một triệu quân, hoặc nhiều hơn nữa vào xâm lược miền Nam. Chúng có thể sử dụng nhiều tầu bay hiện đại ném bom phá hoại miền Bắc, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí chiến đấu dũng cảm, nhân dân Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng công cuộc chống Mỹ cứu nước nhất định thắng lợi hoàn toàn.”
Những cánh tay gương cao, những câu xin thề đồng loạt vang lên. Hà Nội bắt đầu bước vào cuộc sống thời chiến. Công nhân đi làm từ 5 giờ sáng, các cửa hàng bách hoá cũng mở từ giờ đó. Hố trú ẩn cá nhân được đặt trước cửa nhà, trên hè phố, hay trong công viên. Công nhân vừa sản xuất, vừa luyện tập quân sự. Trẻ em, người già đi sơ tán. Trai tráng lên đường nhập ngũ…
“Tuổi thơ tôi đã chứng kiến những cảnh như vậy, nên nước mắt tôi đã trào ra khi xem những hình ảnh, nghe những lời bình trong phim”, đại diện NDN tại Hà Nội Trần Huy Công, người dịch lời bình bộ phim này kể lại.    
“Những phim về máy bay Mỹ ném bom Hà Nội đã được các nhà làm phim tài liệu của ta quay cũng nhiều. Nhưng đây là bộ phim do người nước ngoài làm với góc nhìn riêng của họ”, trưởng ban biên tập VTV4 Bạch Ngọc Chiến nhận xét.
Nhưng, thực sự, bộ phim có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với một góc nhìn riêng của người nước ngoài.
“Đây không những là những hình ảnh đầu tiên Mỹ ném bom vào Hà Nội, mà còn là những hình ảnh đầu tiên của thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được giới thiệu người dân các nước phương Tây”, tổng giám đốc NDN Ishigaki Misao nói. Ông cho biết thêm những hình ảnh độc quyền của NDN về cuộc chiến ở miền Bắc Việt Nam lúc đó được các đài truyền hình Mỹ và châu Âu mua lại bản quyền phát sóng.
Quan trọng hơn, lần đầu tiên khán giả phương Tây được mục kích thực sự các mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Trong trận không kích Hà Nội lần thứ hai vào ngày 2.12.1966, người ta nhìn thấy những khu dân cư nội thành bị tàn phá, và nạn nhân là dân thường và trẻ em (26 người bị chết). “Vậy mà Mỹ tuyên bố rằng những trận không kích là nhằm mục tiêu phá huỷ căn cứ quân sự của miền Bắc Việt Nam”, các nhà làm phim bình luận.
“Bộ phim này, cùng với những tin thời sự mà NDN làm trước đó, đã góp phần dấy lên tại khắp nước Nhật phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam”, ông Misao kể lại, và cho biết thêm, bộ phim còn được chiếu tại các rạp chiếu bóng, hay đưa đi chiếu lưu động, và người dân Nhật càng phẫn nộ khi nhìn thấy dòng chữ Yokoshuka – Japan (một căn cứ không quân của Mỹ ở Nhật) trên xác một máy bay Mỹ bị bắn rơi.   
999 năm Thăng Long – Hà Nội
Trận địa pháo phòng không bảo vệ Hà Nội
“Bộ phim dài 18 phút này sẽ kết thúc phần một của chương trình 999 năm Thăng Long – Hà Nội”, ông Chiến nói. Chương trình này kéo dài 8 tiếng, được phát liên tục từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 10.10, để tiện phục vụ người Việt ở cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Ở phần một, các nhà làm chương trình của VTV4 đã cố trả lời hai câu hỏi: Tại sao Thăng Long, tại sao Hà Nội? Và, Thăng Long – Hà Nội đã phòng thủ và được giải phóng như thế nào trong suốt một ngàn năm?
Những người làm chương trình đã lùi lại trước thời điểm Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long, khi An Dương Vương, Ngô Quyền lại chọn Cổ Loa làm kinh đô, hay, thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ phương Bắc cũng chọn Tống Bình, Đại La làm thủ phủ. Hay, tại sao người Pháp, cách đây 121 năm, đã chọn Hà Nội làm thủ phủ của xứ Đông Dương?
Khi nói về công cuộc phòng thủ và giải phóng Thăng Long – Hà Nội, VTV4 sẽ không phản ánh theo lịch đại, mà dùng những lát cắt lịch sử. Đó là các công cuộc phòng thủ thời nhà Lý, nhà Trần, rồi sự kiện mùa Đông năm 1946, và gần đây nhất là 12 ngày đêm đánh B52, cũng như cuộc bao vây thành Đông Quan của Lê Lợi, hay đoàn quân tiến vào Thủ đô năm 1954.
Phần hai sẽ tập trung vào Hà Nội hiện nay, bao gồm các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, kiến trúc, giải trí… “Chúng tôi chủ yếu miêu tả bằng các snapshot”, ông Chiến nói, và cho biết thêm xâu chuỗi cả hai phần sẽ là giá trị của Thăng Long xưa được Hà Nội ngày nay kế thừa như thế nào.
Ông Chiến cũng cho biết, sẽ có một phần kết ngắn thể hiện ước mơ, tầm nhìn của người Hà Nội, khi họ phải tạm quên đi những bức xúc đời thường như mưu sinh, nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường…, để thử hình dung Hà Nội sẽ phát triển như thế nào.
“Chúng tôi cố gắng đặt vấn đề khác đi, như một sự thử nghiệm và tập dượt cho lễ kỷ niệm 1000 năm”, ông Chiến kết luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét