Ngày 06.10.2009, 08:00 (GMT+7)
Dân số già hoá
Thách thức với ngành y tế
SGTT - “Trong rất nhiều năm, các phương tiện thông tin đại chúng đều nói Việt Nam là đất nước có dân số trẻ. Nhưng, thực ra, chúng ta đã kết thúc giai đoạn này vào năm 2005, khi tuổi trung vị của dân số vượt qua ngưỡng 25 tuổi, và đã bước vào giai đoạn già hoá dân số chỉ sau có ba năm, khi số người từ 65 tuổi trở lên vượt qua mức 7% tổng dân số”, quyền tổng cục trưởng tổng cục Dân số và kế hoạch hoá gia đình Dương Quốc Trọng, nói.
Ông Trọng, người chủ trì cuộc hội thảo “Thách thức về già hoá dân số ở Việt Nam”, diễn ra vào cuối tuần trước ở Hà Nội, khẳng định rằng việc tuổi thọ của người Việt Nam tăng, từ 68,6 năm 1999 lên 72,2 năm 2005, chứng tỏ việc chăm sóc cho người cao tuổi trong mấy chục năm qua ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trọng, giai đoạn chuyển tiếp quá ngắn của Việt Nam đặt ra những thách thức to lớn bởi Việt Nam hoàn toàn chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng ứng phó với thực tế dân số bị già hoá. Mọi dự báo trước đó đều cho rằng khoảng năm 2015 Việt Nam mới bước vào giai đoạn này, tức là có giai đoạn chuyển tiếp khoảng một thập kỷ, so với nhiều thập kỷ ở những nước khác.
“Tôi nói chẳng hạn, cách đây không lâu chúng ta có một uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em tương đương cấp bộ. Vậy bây giờ liệu có cần một uỷ ban tương tự để bảo vệ và chăm sóc người già không?”, ông Trọng đặt vấn đề, và nhận xét rằng ngành y tế phải nhanh chóng có kế hoạch đưa lão khoa thành một chuyên khoa chính, bên cạnh nội, ngoại, sản, nhi.
Yêu cầu trên càng trở nên cấp thiết hơn khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở Việt Nam sẽ chiếm 11,4% dân số vào năm 2020, theo dự báo của tổng cục Dân số, và 26% dân số vào năm 2050, theo dự báo của Liên hiệp quốc, so với con số 9,9% năm 2008. Các con số tuyệt đối về người cao tuổi sẽ lần lượt là 11,35 triệu (2020) và 29,77 triệu (2050), so với 8,59 triệu năm 2008.
Theo kết quả một cuộc khảo sát điều tra năm 2006 của viện Lão khoa quốc gia đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc, chỉ 22,4% số tỉnh có bệnh viện có chuyên khoa lão khoa, với tổng số 139 bác sĩ nghiên cứu viên và 237 điều dưỡng viên, và cả nước chỉ có năm cơ sở chăm sóc y tế lâu dài cho người cao tuổi. Cả nước cũng mới chỉ có hai cơ sở đào tạo có bộ môn lão khoa. “Tình hình hiện nay cũng chưa khá hơn là bao. Ngay cả việc kết hợp đào tạo điều dưỡng viên cho người cao tuổi của chúng tôi với trường cao đẳng Y tế Hà Nội cũng mới chỉ nằm trên giấy”, TS Đỗ Thị Khánh Hỷ, phó viện trưởng viện Lão khoa, cho biết.
“Ở nông thôn, các cụ đóng góp rất nhiều cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng hoà bình, các cụ lại tiếp tục đóng góp bằng thuế cho Nhà nước. Thế mà về già lại không có chế độ bảo hiểm là quá vô lý”.
Ông Dương Quốc Trọng, quyền tổng cục trưởng tổng cục Dân số và kế hoạch hoá gia đình
|
Một điều tra khác của viện Lão khoa tại Phương Mai (Hà Nội), Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế) và Hoà Long (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã cho thấy khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tại nhà của người cao tuổi là khó khăn. Trong số những người cao tuổi được hỏi thì 51% ở Phương Mai, 83,6% ở Phú Xuân và 78,3% ở Hoà Long trả lời rằng không được nhân viên y tế tới nhà khám. Và 45,3% những người cao tuổi được hỏi thừa nhận rằng họ không có đủ điều kiện kinh tế để khám chữa bệnh.
Hiện nay, tuy tổng chi cho y tế ở Việt Nam chiếm 5 – 6% GDP và tính theo đầu người là 45 USD/người/năm, bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, nhưng chỉ 30% nguồn chi này đến từ ngân sách nhà nước.
“Đây là một tỷ lệ thấp so với các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới”, TS Hỷ nói. Bà cho biết thêm rằng việc dành ngân sách chăm sóc cho người cao tuổi sẽ là một thách thức lớn cho Chính phủ, bởi chi phí chăm sóc cho người cao tuổi gấp 7 – 8 cho trẻ em.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Cử, viện trưởng viện Dân số và các vấn đề xã hội, chỉ có khoảng 16 – 17% người cao tuổi được hưởng lương hưu, hơn 10% được hưởng trợ cấp có công với nước, hơn 70% còn lại sống bằng lao động của mình và bằng nguồn hỗ trợ của gia đình. “Với hơn 80% người cao tuổi sống ở nông thôn, ruộng đất ít, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm thì bất trắc ở tuổi già là cao”, ông nhận xét.
Ông Dương Quốc Trọng cũng chia sẻ quan điểm rằng chế độ an sinh tuổi già ở Việt Nam, đặc biệt đối với người cao tuổi ở nông thôn, là chưa tốt, nếu không nói là quá bất cập. “Ở nông thôn, các cụ đóng góp rất nhiều cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng hoà bình, các cụ lại tiếp tục đóng góp bằng thuế cho Nhà nước. Thế mà về già lại không có chế độ bảo hiểm là quá vô lý”, ông Trọng bức xúc.
Ông Trọng cho biết, bảo hiểm tuổi già là kiến nghị chính của tổng cục khi Quốc hội thông qua luật về người cao tuổi vào kỳ họp sắp tới, cũng như khi Chính phủ xây dựng chiến lược quốc gia về người cao tuổi.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét