Ngày 27.11.2009, 07:35 (GMT+7)
Nghiên cứu khẳng định chủ quyền Biển Đông
Cần một nhạc trưởng
SGTT - Nhân hội thảo quốc tế đầu tiên về Biển Đông tại Việt Nam, một cơ hội lớn cho việc trao đổi về học thuật giữa giới nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với giáo sư sử học Vũ Minh Giang xung quanh vấn đề này.
Giáo sư Vũ Minh Giang
|
Theo kinh nghiệm tổ chức hội thảo nhà Nguyễn, và nhất là hội nghị quốc tế Việt Nam học, ông thấy vai trò của các học giả nước ngoài như thế nào trong việc nghiên cứu vấn đề chủ quyền Biển Đông?
Cực kỳ quan trọng. Tôi đã đề xuất rằng chúng ta nên thông qua kênh cá nhân để mời một số học giả nổi tiếng nước ngoài làm nòng cốt. Chúng ta cung cấp tư liệu, trình bày các lập luận của ta mà chúng ta tin rằng có lý để thuyết phục họ, giúp họ thấu hiểu vấn đề. Qua đó, nhờ họ, cũng như qua mối quan hệ ngoại giao hữu hảo, nhờ những nước có nền học thuật cao, như Thuỵ Sĩ, Hà Lan, hay Nhật Bản, tổ chức những hội thảo quốc tế.
Có thể mới tạo được dư luận học thuật, bởi trên thế giới, luận chứng khoa học thật cũng quan trọng, nhưng cũng có cái không kém phần quan trọng là ai nói ra điều đó. Nếu những vị học giả có uy tín trên thế giới nêu khách quan vấn đề, thì có sức thuyết phục hơn mình tự nói nhiều.
Theo đánh giá của giáo sư, việc nghiên cứu về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam được tiến hành ra sao?
Theo tôi, việc nghiên cứu vấn đề tranh chấp các hòn đảo, quan sát trên góc độ học thuật vẫn có một hạn chế chung. Đó là chưa có sự gắn kết thật chặt chẽ giữa các khối nhận thức, để trên cơ sở đó hình thành các khối tư liệu có sức thuyết phục cao. Ba khối đó là chứng cớ lịch sử, chứng cớ pháp lý, và lập luận từ góc nhìn ngoại giao.
Theo tôi, hạn chế ở đây là cách đặt vấn đề bị phiến diện, do bị chi phối bởi chuyên môn hẹp. Chẳng hạn, các nhà sử học thì rất chú ý tới vấn đề chứng cớ lịch sử, coi như vậy là đủ, nhưng lại ít để ý tới cơ sở pháp lý của vấn đề. Ngược lại, những nhà luật học lại hay đề cao logic của công cụ pháp lý, chẳng hạn, kinh nghiệm trên thế giới là trong những sự việc như thế này người ta sẽ kiện ra tòa và đưa bên thứ ba vào, để chứng minh và đòi chủ quyền.
Tuy nhiên, với những vấn đề phức tạp và nhạy cảm như thế này không thể nói rằng chỉ giải quyết trên phương diện pháp lý. Nó còn cần có quá trình thương thảo nữa, và điều đó vô cùng quan trọng. Và các nhà ngoại giao lại nhấn mạnh tới chuyện làm sao sử dụng các biện pháp tranh biện ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Giáo sư có theo dõi quá trình này của những bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chẳng hạn Trung Quốc?
Thứ nhất, với từng khối, họ làm rất bài bản. Về cơ sở pháp lý, nhìn vào động thái và các hiện tượng, có vẻ như họ đang kỳ vọng không đẩy thành tranh chấp quốc tế. Có người nói rằng họ không muốn làm xấu hình ảnh Trung Quốc, nhưng cũng có người đồ đoán rằng họ chưa đủ chứng cớ pháp lý.
Còn Việt Nam bắt đầu nghiên cứu, thu thập sử liệu một cách có hệ thống, bài bản từ lúc nào?
Đến năm 1974, ban Nghiên cứu biên giới hải đảo đầu tiên của Việt Nam mới được thành lập, và đặt ở bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là bộ Tư lệnh Biên phòng). Những người làm sử như giáo sư Phan Huy Lê và tôi được mời vào ban này. Lúc đấy, chúng tôi mới tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng hệ thống tư liệu.
Xét về mặt chứng cớ pháp lý, chúng ta đã có một số. Các sắc chỉ là minh chứng không chối cãi được về thực thi chủ quyền.
Một cuộc tập dợt tiếp nhiên liệu trên Biển Đông của Hải quân Mỹ hồi cuối tháng 10.2009. Ảnh: US Navy
|
Hay, chẳng hạn, một con tàu của Hà Lan bị va vào đá ngầm ở ngoài Biển Đông, và thuyền trưởng, sau khi xem kinh độ, vĩ độ đã cho người chèo thuyền cứu sinh mang thư đến cầu cứu chính quyền Quinam (Quảng Nam). Sự thừa nhận quốc tế còn thể hiện trong các hải đồ do người nước ngoài vẽ, mà chúng ta có nhiều.
Tuy nhiên, trong hội thảo triều Nguyễn, ông nói chúng ta chưa tập trung gia cố các chứng cớ pháp lý. Xin ông giải thích rõ hơn.
Thứ nhất, chúng ta có cách gia cố và khai thác công cụ pháp lý trên cơ sở những gì ta có trong tay. Đối với những chứng cớ hiện có, hiện nay vẫn chưa có một phân tích sâu sắc trong cái khung logic cho việc sưu tầm.
Thứ hai là rất cần tiếp tục khai thác những chứng cớ về sự thừa nhận quốc tế, chẳng hạn nhật ký của một thuyền trưởng hay thuyền viên nào đó. Chúng ta có thể tiếp cận với tư liệu lưu trữ của Hà Lan, hay một nước nào khác mạnh về hàng hải thời đó, mà lục tìm cho ra.
Cuối cùng, đã đến lúc cần một nhạc trưởng cho công việc này. Đây phải coi là việc mang tầm cỡ quốc gia, với sự tham gia đầy đủ của các lực lượng được coi là trí tuệ nhất, hiểu biết nhất. Theo tôi, việc nghiên cứu này phải được tổ chức dưới dạng một chương trình khoa học tầm cỡ quốc gia, với các yêu cầu trên cơ sở khung logic, thay vì giao việc các cơ quan quan phương.
Trên cơ sở những gì chúng ta đang có, một mặt vẫn tiếp tục tìm kiếm chứng cớ, tư liệu, rồi các nhà luật học sẽ xem trên cơ sở luật pháp, công ước quốc tế, ta nên làm thế nào để được quốc tế thừa nhận. Sau đó, các nhà ngoại giao sẽ tham gia phản biện.
Huỳnh Phan – Xuân Thi (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét