Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thách thức đầu tiên với cương vị chủ tịch ASEAN


Ngày 06.01.2010, 15:10 (GMT+7)
Trước việc Chính phủ Indonesia, dưới sức ép mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, có thể sẽ quyết định hoãn việc thi hành một số điều khoản của hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), vì lo sợ những ngành như dệt may, da giày, sắt thép, của mình sẽ lâm vào cảnh khốn đốn dưới sức cạnh tranh của hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào, khi thuế suất được đưa về mức 0% vào đầu năm nay, theo đúng lộ trình cam kết. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi nhanh với các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp...
Thách thức đầu tiên với cương vị chủ tịch ASEAN
SGTT - Thách thức đầu tiên với Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ là việc Indonesia có thể đề nghị hoãn việc thực thi hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, về nguyên tắc có hiệu lực từ 1.1.2010, trong một số lĩnh vực như dệt may, hay da giày. “Nếu Tổng thống Indonesia sớm chấp thuận yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp của nước họ trong những lĩnh vực trên, vấn đề nói trên rất có thể được nước này đưa ra tại cuộc họp các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM) diễn ra tại Đà Nẵng vào giữa tháng này”, một chuyên viên vụ ASEAN, bộ Ngoại giao, cho biết.
Theo vị chuyên viên này, vụ việc sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Uỷ ban hỗn hợp về khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, trên cơ sở tham vấn, hoà giải và đàm phán. Theo vụ ASEAN, trong việc xử lý vấn đề này, không cần thành lập ban hội thẩm, và Indonesia cũng không cần phải đưa ra những ước tính có sức thuyết phục về những thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi những mặt hàng giá rẻ nói trên của Trung Quốc tràn ngập thị trường họ, khi thuế quan đã bị bãi bỏ, như trong khuôn khổ WTO. Đây là chuyện có đi có lại, và Indonesia cũng không được hưởng những ưu đãi đối lại từ phía Trung Quốc, vụ ASEAN giải thích.
Ông Trần Quốc Khánh, vụ trưởng Thương mại đa biên, bộ Công thương, khẳng định rằng, Indonesia hoàn toàn có thể đơn phương quyết định trì hoãn việc thực hiện một phần, hay thậm chí toàn bộ, hiệp định này, với tư cách một quốc gia có chủ quyền, mà không nhất thiết phải lôi kéo các thành viên còn lại, nhất là những thành viên sáng lập ra ASEAN, cùng tham gia. Ông Khánh đơn cử trường hợp của Thái Lan từ chối cùng các thành viên còn lại ký hiệp định Thương mại Hàn Quốc – ASEAN vào phút chót, và chỉ tham gia mãi về sau này.
Tuy nhiên, sự cố mở hàng này trong năm Việt Nam làm chủ tịch, nếu xảy ra, ít nhiều có ảnh hưởng tới Việt Nam. “Bởi Việt Nam sẽ phải xử lý việc này, với sức ép nào đó từ Trung Quốc”, vị chuyên viên ngoại giao nói trên nhận xét.
Nhưng, theo ông Trần Quốc Khánh, trước đó, người chịu sức ép nhiều nhất chắc chắn là giới lãnh đạo Indonesia. “Nhưng tôi nghĩ, Chính phủ Indonesia phải cân nhắc rất nhiều về mặt chính trị khi quyết định không thực hiện một hiệp định thuần tuý kinh tế này”, ông Khánh lưu ý. Ông hàm ý về một phản ứng dây chuyền, khi không chỉ riêng Indonesia, mà cả Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực dệt may, giày dép và sắt thép.
Theo giáo sư Carlyle Thayer, học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, Việt Nam sẽ phải trổ tài ngoại giao để xử lý những sự cố như thế này. Còn thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi tổng kết hai năm Việt Nam tham gia Hội đồng bảo an, đã khẳng định rằng, trong hai lần làm chủ tịch luân phiên của mình, Việt Nam đã không hề chịu sức ép của các nước lớn, khi chủ trì việc bản thảo và đưa ra các nghị quyết quan trọng của cơ quan quyền lực này.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét