Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Việt Nam học (2)


Ngày 08.12.2008, 07:45 (GMT+7)
Nhìn Việt Nam chuyển động với cái nhìn động
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba được tổ chức từ ngày 5 – 7.12.2008 tại Hà Nội với quy mô hơn 300 học giả, đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Tại đây, các nhà khoa học đã trình bày nhiều đề tài quan điểm khác nhau trong tinh thần cởi mở…
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, một thành viên ban tổ chức cho biết trong số khoảng 200 đại biểu quốc tế dự hội nghị lần này, đến hội thảo bằng đủ loại phương tiện. Xe đưa đón của ban tổ chức, gọi taxi, xe ôm, hay quá giang đồng nghiệp người Việt, có những người còn tự chạy xe máy…
Việt Nam, dưới nhiều góc nhìn
Người ta bàn đủ thứ: từ nét thanh lịch truyền thống của người Hà thành đến lối sống của những cô cậu mới lớn, với những tấm ảnh minh hoạ trên slide là những cô gái ăn mặc hở lưng, hay ngồi xổm hở cả nội y. Từ chuyện làng cổ Đường Lâm đến chuyện nông thôn Việt Nam trước làn sóng công nghiệp hoá và đô thị hoá. Từ chuyện hoàng thành xưa tới chuyện quy hoạch hỗn loạn của Hà Nội hiện nay. Từ việc làm sao thu hút được hiệu quả dòng vốn đầu tư từ bên ngoài đến chuyện làm sao cho các cô dâu xuất ngoại đỡ bất hạnh. Từ tương lai quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với phương châm 16 chữ vàng đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa…
“Tôi dự hội thảo không phải chỉ để đọc tham luận, mà chủ yếu đến tìm thêm tư liệu. Có những thứ mình tìm mấy năm không ra, đến đây thế nào lại xin được ngay”, ông Hoành, nguyên giám đốc bảo tàng Hải Dương, nói. Các nhà Việt Nam học đến dự hội nghị phần nhiều cũng vì mục đích trao đổi, tranh luận để củng cố những lập luận của mình, và cập nhật những thông tin, tư liệu mới, hay chí ít cũng thông báo với các đồng nghiệp những gì trong thời gian vừa rồi họ đã làm được.
Ở hội nghị này, các nhà Việt Nam học trình bày các nghiên cứu, đánh giá về một Việt Nam đang chuyển động, mặc dù việc phát hiện, hay bổ sung thêm tư liệu về lịch sử, khảo cổ, hay văn hoá, vẫn được đề cập trong một số không ít các tham luận.
Vai trò của các học giả nước ngoài
PGS-TS Vũ Quang Hiển nhận xét: “Những học giả nước ngoài như Tsuboi, hay Asselin, có cách nhìn nhận rất khác biệt và tinh tế. Ngoài phương pháp tiếp cận mới và nguồn tư liệu đa dạng, họ không bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng”.
Người được ông Hiển nhắc tới, PGS-TS Pierre Asselin, cũng gây tranh cãi mạnh với tham luận nhan đề “Bước đi thận trọng: Chiến lược cách mạng của Hà Nội, 1959 – 1962”, trong đó ông đánh giá về sự chậm trễ của nghị quyết 15 trong những mối quan hệ của Việt Nam với hai đồng minh của mình trong cuộc chiến này là Liên Xô và Trung Quốc trên cơ sở những lợi ích khác nhau. Liên Xô muốn Việt Nam yên tâm với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giống như Đông Đức, còn Trung Quốc thì khuyên nên trường kỳ mai phục, cũng như Bắc Triều Tiên. Về quan hệ phức tạp này, trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn truyền hình Nhật Bản NHK, cố thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên phó tổng tham mưu trưởng, đã tiết lộ: “Cuối năm 1974, phía Liên Xô và Trung Quốc có cử người sang Việt Nam, nhưng chúng tôi giữ kín hoàn toàn kế hoạch với họ.”
GS-TS Vũ Quang Hiển nhận xét: “Cách nêu vấn đề của họ thực sự thú vị, tạo ra một không khí tranh luận thực sự”. Khi được một nữ đồng nghiệp chủ nhà hỏi Việt Nam, như một cô dâu, nên chọn anh chồng nào giữa anh chàng Tàu gia trưởng, độc đoán ở sát cạnh, chàng Ivan tốt bụng nhưng nghèo, chú Sam giàu có, hào hoa, nhưng ở xa hơn, và phải chăng nên gật đầu với em họ chú Sam là Phù tang là hơn cả, GS Ramses Amer hỏi lại: “Tại sao Việt Nam cứ phải là cô dâu, mà không là chú rể nhỉ? Còn GS Carl Thayer, người thỉnh thoảng lại phải nhăn mặt vì cánh tay trái bị thương treo trên ngực đụng vào đâu đó, lại bật cười: “Thực tế là Việt Nam, trong nhiều thập kỷ qua, cứ lấy chồng rồi lại ly dị thì có nên tiếp tục đi bước nữa không?”.
GS-TS Vũ Minh Giang đúng là hoàn toàn có lý khi nhận xét rằng các nhà Việt Nam học nước ngoài đã thúc đẩy việc nghiên cứu Việt Nam ngay trên đất Việt Nam.
Huỳnh Phan – Xuân Thi
“Sự phát triển của Việt Nam học trong một thế kỷ qua là một thực tế sinh động chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Từ địa vị một nước thuộc địa không có tên chính thức trên bản đồ, ngày nay Việt Nam đã trở thành một ngành học được giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Quá trình phát triển đó gắn liền với những bước phát triển của Việt Nam, với sự củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
GS-TSKH Vũ Minh Giang
ĐH Quốc gia Hà Nội
“… Việt Nam thời cận đại nhờ có các nhân tố tác động bên ngoài, đã cắt đứt sợi dây ràng buộc với Trung Quốc thông qua văn ngôn chữ Hán. Bên cạnh đó, chính sách đưa chữ La tinh vào giảng dạy trong các trường học của Pháp vô hình trung đã giúp cải thiện hiệu quả của công cụ chữ Quốc ngữ nhờ đó nâng cao lực lượng bản địa hoá. Vì thế Việt Nam mới thoát khỏi khối cộng đồng Hán ngữ từ đầu thế kỷ 20 và đi theo con đường độc lập dân tộc…”.
Tưởng Vi Vănkhoa văn học ĐH Thành Công, Đài Loan
“Nhằm hiểu rõ Việt Nam như Việt Nam ngày nay, chúng ta cần phải xem xét việc đất nước này đã phát triển trên cơ sở của những tương tác phức hợp giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất từ bên ngoài với các động lực bên trong. Nhằm vượt qua khuôn khổ của những quan sát đơn giản đối với các mối liên hệ qua lại và các sự tương tác thường dưới dạng đối đầu, tôi đã đề xuất bốn phạm trù định tính: cấy ghép văn hoá tích cực, hội nhập đa chiều, chuyển dịch năng động và thích ứng nhanh nhạy. Tôi tin chắc việc tiến hành các nghiên cứu theo đường hướng này sẽ mở ra những chiều cạnh mới cho ngành Việt Nam học, kết nối nó chặt chẽ hơn với những nghiên cứu về các nước khác trong khu vực Đông Nam Á với những nơi khác”.
GS-TS Vincent HoubenĐH Tổng hợp Humboldt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét