Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Công nghệ sạch – một công đôi việc


Ngày 11.12.2009, 15:55 (GMT+7)
Công nghệ sạch – một công đôi việc
SGTT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Copenhaghen dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (16 – 18.12) không có các doanh nghiệp tháp tùng. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến kết quả của hội nghị này. “Copenhaghen, nhu cầu mua chứng nhận giảm phát thải (CER) sẽ tăng lên, và CER của mỏ Rạng Đông cũng tăng giá”, tổng giám đốc công ty Đức Việt, Mai Huy Tân nhận xét.
Theo Văn phòng Chính phủ, 350 ngàn CER từ dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông (Bà Rịa – Vũng Tàu), sẽ được đem ra bán đấu giá tại Hà Nội trong tháng 12 này. Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí, đơn vị tổ chức đấu giá, đã nhận được hơn 10 thư bày tỏ từ người mua là các ngân hàng và tổ chức hoạt động công nghiệp thuộc EU và Mỹ.
Mỗi CER tương đương với việc giảm phát thải một tấn khí gây hiệu ứng nhà kính. Với chi phí thực hiện dự án là 73 triệu USD để giảm 6,74 triệu tấn CO2 trong thời gian 10 năm, các bên tham gia dự án khí đồng hành ở Rạng Đông có thể thu về khoảng 200 triệu USD, nếu giá được giữ ở mức 24 euro/tấn CO2.
Lợi ích của CDM
Các chuyên gia môi trường ước tính các dự án công nghệ sạch (CDM) ở Việt Nam có thể khiến các bên tham gia thu được khoảng 250 triệu USD chỉ đến cuối năm 2010.
Theo Nghị định thư Kyoto, có hiệu lực từ đầu năm 2005, các quốc gia thành viên phải cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống 5% so với mức phát thải năm 1990. Có ba cơ chế mềm dẻo cho các nước công nghiệp hoá thực hiện mục tiêu khó khăn này là đồng thực hiện, buôn bán quyền phát thải, và phát triển sạch. Trong khi hai cơ chế đầu là chuyện riêng giữa các nước công nghiệp phát triển với nhau, thì cơ chế thứ ba là một cơ hội lớn cho những nước đang phát triển.
Với cam kết phải cắt giảm khí nhà kính, các nước công nghiệp hoá, trong nhiều trường hợp, thay vì phải đầu tư để cải tiến công nghệ với chi phí rất tốn kém, họ đã tiến hành đầu tư những dự án CDM ở những nước đang phát triển với chi phí thấp hơn. Đổi lại, các doanh nghiệp đầu tư nhận được chứng chỉ CER để áp dụng vào chỉ tiêu cắt giảm phát thải ở quốc gia mình.
Ở Việt Nam, đã có dự án CDM của hai công ty Nhật Bản là Mitsui và Marubeni tại Mạo Khê. Các công ty thép Hàn Quốc cam kết đầu tư công nghệ finex ở Việt Nam cũng theo định hướng này. Hay các đoàn doanh nghiệp của Đan Mạch, Phần Lan sang Việt Nam cũng giới thiệu nhiều về công nghệ sạch để cùng tìm các cơ hội hợp tác liên doanh với các công ty nội địa.
Chính phủ Việt Nam cũng không phải chưa quan tâm đến lợi ích này, ngoài lợi ích lâu dài của phát triển bền vững.
Trong Quyết định 130, được ban hành năm 2007, Thủ tướng đã quy định các ưu đãi về các loại thuế, tiền thuê đất… cho doanh nghiệp tham gia dự án CDM. Cho đến nay, ngoài dự án ở Rạng Đông, do sự nghiêm ngặt trong phê chuẩn các dự án CDM, mới chỉ có một số dự án được phê chuẩn như ở hiệu quả sử dụng năng lượng ở nhà máy bia Thanh Hoá, thu gom khí metal (CH4) và phát điện ở Gò Cát (TP.HCM), và khoảng chục dự án khác ở dạng tiềm năng.
Đức Việt là một trong những trường hợp như vậy.
Đức Việt và dự án biogas
Giữa tháng 1.2010, ông Mai Huy Tân – người là chủ đề tài cấp bộ về xây dựng chính sách giá năng lượng trước khi rời bộ Năng lượng năm 1992 – sẽ sang Đức dự Tuần lễ xanh Berlin, và tham dự diễn đàn kinh tế Đức – Việt Nam. Ở đó, ông sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo quỹ Carbon Fund, thuộc ngân hàng KFW. “Họ biết chúng tôi đang chuẩn bị triển khai dự án nuôi lợn và xử lý toàn bộ chất thải theo công nghệ biogas của Đức, nên muốn đàm phán mua lại toàn bộ chứng nhận giảm phát thải của chúng tôi”, ông kể.
Theo ông, một dự án của công ty Đức Việt với 600 heo nái (giống Canada) và 12 ngàn heo thịt một năm, có thể cho khoảng trên dưới 50 ngàn chỉ tiêu CER. Với module đầu tiên thực hiện vào năm tới với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 triệu USD cho chuồng trại, heo giống, công nghệ xử lý biogas để phát điện, ông hy vọng sẽ đạt được 10 module. “Sau 10 năm, chỉ tiêu giảm phát thải của tôi tương đương với nửa triệu tấn khí CO2”, ông nói.
Cùng với công ty Đức, còn có một công ty Nhật là đối tác với Đức Việt cũng muốn đàm phán mua chỉ tiêu này. “Người Đức tuy trả giá không cao như người Nhật, nhưng, bù lại, họ lại ứng trước tiền cho mình đầu tư, và trừ dần vào tiền bán CER”, ông cho biết.
Nhưng ông cho rằng điều quan trọng hơn là năng lượng được sản xuất ra từ chất thải của các trang trại heo theo công nghệ biogas. Theo tính toán của vị tiến sĩ, nguyên là chuyên gia bộ Năng lượng (cũ), mỗi module sẽ phát ra một sản lượng điện năng và nhiệt năng là 2,5 triệu kWh/năm, và 10 module là 25 triệu kWh/năm.
“Nếu Việt Nam áp dụng mô hình nuôi lợn theo trang trại và sản xuất biogas, chỉ cần 40 triệu con lợn là có thể thay thế nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận với mức đầu tư chỉ dưới 1/10”, ông Tân kết luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét