Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Từ chiến thắng của bóng đá nói về cơ hội của Việt Nam


Ngày 01.01.2009, 11:03 (GMT+7)
Nhiều người biết giáo sư Carl Thayer, từ 1.1.2009 sẽ trở về lại học viện Quốc phòng Úc, như một chuyên gia hàng đầu về Việt Nam. Nhưng chắc không nhiều người biết rằng, ông đã từng là một trọng tài bóng đá kỳ cựu, trong đó kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông là cầm cờ trong trận đấu giữa Argentina và Saudi Arabia trong khuôn khổ Gold Cup năm 1988
Báo SGTT đã có cuộc trao đổi với ông sau trận cầu lịch sử, ở sân Mỹ Đình tối 28.12 vừa rồi, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với gương mặt rạng rỡ trao cúp vàng cho đội trưởng Phan Văn Tài Em.
Như giáo sư đã biết, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã giành cúp Vàng Đông Nam Á, ông nghĩ thế nào?
GS Carl Thayer: Chính trị và thể thao, trong những trường hợp nhất định, phát triển song song với nhau. Việt Nam tham gia các giải bóng đá khu vực ASEAN có thể gắn với tiến trình hội nhập khu vực. Việt Nam đã bắt đầu cuộc hành trình vào nền bóng đá khu vực với trình độ rất thấp. Nhưng những kết quả của việc thành lập liên doanh với nước ngoài (cầu thủ Việt, huấn luyện viên ngoại), những nỗ lực chấm dứt tình trạng tiêu cực trong bóng đá Việt Nam cũng như nạn cá độ trong một số cầu thủ, và việc học được cách chiến thắng đã được trả giá xứng đáng. Những đội bóng địa phương mạnh đã tạo cơ sở cho một giải quốc gia mạnh. Các cầu thủ Việt Nam phải rèn luyện sự trung thực trong họ, và cố gắng để văn hoá bóng đá của Việt Nam thích ứng với trình độ phát triển về kỹ thuật của thời đại.
Giáo sư có nhận thấy những điều giống nhau đến kỳ lạ giữa bóng đá và chính trị ở Việt Nam trong năm 2008?
Chính phủ Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn lớn khi mới hết quý một mà lạm phát đã tăng tới mức kỷ lục, tương tự như trận chung kết lượt về mới đi được 1/4 thời gian, Việt Nam đã bị dẫn trước.
Thế nhưng, giáo sư có nghĩ rằng, thành tích tuy đáng khâm phục này, cũng sẽ tạo ra một thách thức mới. Ý tôi muốn nói cả trong chính trị và bóng đá?
Bóng đá và chính trị có những cơ sở để so sánh, nhưng có mức độ thôi. Cả bóng đá và chính trị đều là nỗ lực tập thể. Thành công được xác định bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là kinh nghiệm, tài lãnh đạo và tính tập thể. Có một yếu tố cũng quan trọng là: sự chuyển đổi thế hệ, tức là phải biết khi nào cần đưa những cầu thủ trẻ lên đội hình một. Mọi nội các, cũng giống như các đội bóng, đều trưởng thành từ những trải nghiệm. Thể thao Mỹ có một câu tục ngữ: “When the going gets tough, the tough gets going”, tức là khi gặp phải hoàn cảnh bất lợi, chỉ có những người có quyết tâm mới chiến thắng (chơi chữ từ tough là khó khăn ở vế đầu và kiên định, bền bỉ ở vế sau).
Trong năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã đối mặt với lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế toàn cầu. Cũng giống như đội tuyển Việt Nam, các thành viên Chính phủ đã cùng siết chặt tay lại. Vị Thủ tướng tương đối trẻ đã thể hiện khả năng cầm trịch. Nhưng, câu phương ngôn nói: “Bạn chỉ là người chiến thắng ở trận đấu vừa rồi”. Đội bóng và nội các cần phải rút được kinh nghiệm, và học cách thích ứng với sự thay đổi. Giá trị thực sự của một đội hình – cho dù là trong chính trị, hay trong bóng đá – nằm ở chuỗi thành tích trong một thời gian dài.
Như giáo sư đã nhận xét bên lề hội nghị Việt Nam học tháng trước, Việt Nam cần phải triệt để tận dụng cơ hội Thái Lan đang phải giải quyết những vấn đề nội bộ để vượt lên ở tầm khu vực. Theo giáo sư, Việt Nam cần phải có những nỗ lực gì trong năm 2009 để không bỏ lỡ cơ hội khẳng định vai trò của mình trong khu vực?
Theo tôi, Thái Lan còn phải đi một đoạn đường dài trước khi đạt tới cái đích ổn định nội bộ. Những khó khăn hiện tại của Thái Lan mở ra cho Việt Nam một cơ hội thể hiện vai trò có ảnh hưởng hơn trong ASEAN. Việt Nam đã hạ thấp được tỷ lệ đói nghèo, duy trì ổn định chính trị, và đóng vai trò nổi bật trên trường quốc tế. Việt Nam cần phải tận dụng kinh nghiệm của mình giúp cho ASEAN mạnh hơn, và giải quyết những khó khăn hiện nay của khối này. Giữa năm sau, Việt Nam sẽ nhận chức chủ tịch ASEAN từ tay Thái Lan. Năm tới là năm Hiến chương ASEAN sẽ có hiệu lực. Một ASEAN đoàn kết và năng động sẽ tạo những điều kiện khu vực thuận lợi cho Việt Nam. Về phương diện này, có thể coi ASEAN như một đội bóng đá. Khi một cầu thủ chơi không đúng yêu cầu đề ra, các cầu thủ khác phải chơi tích cực hơn, để bù đắp sự thiếu hụt đó. Sự thiếu ổn định của Thái Lan tạo cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò tích cực, và xây dựng trong ASEAN, nhờ đó, Việt Nam sẽ có được sự nể trọng từ các quốc gia khác. Điều đó cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế, và góp thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai của Việt Nam.
Huỳnh Phan (thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét