Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

ASEAN giữa hai cực phát triển Ấn Độ và Trung Quốc


Ngày 17.08.2009, 09:52 (GMT+7)
SGTT - Khu vực trong thời gian gần đây nóng lên với những tranh chấp chủ quyền, hay những thông tin về chạy đua vũ trang, đã trở nên dịu mát lại với những cơ hội về hợp tác kinh tế, được mọi người kỳ vọng sẽ giúp cân bằng lại mối quan hệ tổng thể về lợi ích
Cuối tuần qua, tại Bangkok, đã diễn ra hai lễ ký kết hợp tác kinh tế quan trọng giữa ASEAN với hai đối tác quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ.
Những niềm hy vọng
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã gần như hoàn tất bước cuối cùng cho việc thực hiện một khu vực mậu dịch tự do vào đầu năm sau, khi vào ngày 15.8 qua hai bên đã ký kết một hiệp định đầu tư. Trước đó, khối này đã ký với Trung Quốc hiệp định thương mại hàng hóa vào năm 2005, và hiệp định thương mại dịch vụ hai năm sau đó kèm theo gói cam kết thứ nhất (gói cam kết thứ hai dự kiến được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10 này ở Bangkok).
Khu vực tự do mậu dịch ASEAN - Trung Quốc sẽ bao phủ một khu vực rộng 13 triệu km2 với 1,9 tỷ dân sinh sống, và tổng GDP là 6 ngàn tỉ USD. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 192,5 tỉ USD.
Hiệp định đầu tư này, với 27 điều, đưa ra một cơ chế đầu tư tự do, minh bạch và công bằng nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cả hai bên, những người sẽ được hưởng qui chế tối huệ quốc, đối xử công dân, cũng như sự công bằng và bình đẳng trên có sở có đi có lại. Cam kết đầu tư lũy kế theo hai chiều cho đến cuối tháng 6 năm nay giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt hơn 60 tỉ USD.
Tổng thư ký ASEAN, tiến sĩ Surin Pitsuwan hy vọng rằng với hiệp định này, dòng đầu tư từ Trung Quốc vào ASEAN sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư từ những nguồn truyền thống đang suy giảm. Theo thống kê của ban thư ký ASEAN, tổng mức cam kết đầu tư từ Trung Quốc vào ASEAN trong ba năm gần đây đạt 3,68 tỉ USD, với mức tăng đều đặn hơn 200 triệu USD sau mỗi năm.
“Hiệp định này sẽ đưa ra những tín hiệu tích cực rằng Trung Quốc và ASEAN đang thúc đẩy hợp tác kinh tế trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn, và dần đưa khu vực này ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”, tiến sĩ Pitsuwan nói.
Những dè dặt đơn lẻ
Tôi nghĩ Ấn Độ không chờ đợi nhiều ở trao đổi hàng hoá với ASEAN vì hàng Trung Quốc đã thâm nhập khá mạnh
Bà Nguyễn Thị Bích, vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, bộ Tài chính
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng bộ Công thương kiêm tổng thư ký Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế lại không có cái nhìn lạc quan như vậy, riêng về mối quan hệ đầu tư Trung Quốc và Việt Nam, ít nhất trong những năm tới. Theo ông Tú, Trung Quốc hiện phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp gia tăng (con số này, theo nguồn Trung Quốc, khoảng hơn 20 triệu), nên khó có khả năng tăng đầu tư vào Việt Nam.
“Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu các dự án xây dựng hạ tầng công nghiệp hoặc giao thông thôi. Họ hay thắng thầu vì họ có lợi thế là hiểu Việt Nam hơn các đối tác khác, máy móc thiết bị của họ rẻ hơn, và hợp với Việt Nam hơn”, thứ trưởng Tú nhận xét.
Việc Trung Quốc thắng thầu càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc càng nhiều máy móc thiết bị của Trung Quốc được bán sang Việt Nam, khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn. Tuy vẫn công nhận sản xuất ở Việt Nam quá manh mún và chưa đạt tiêu chuẩn thị trường yêu cầu, nên khó có thể tăng xuất khẩu giảm nhập siêu, ông Tú lại có cái nhìn khác về chuyện này.
“Rõ ràng, từ khi cắt giảm thuế theo hiệp định thương mại hàng hóa, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng. Nhưng trên thực tế, thâm hụt thương mại từ Trung Quốc, thông qua nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, hay phân bón, hóa chất, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được, còn góp phần tạo thặng dư thương mại ở các thị trường thứ ba. Không có hiệp định này, tôi nghĩ chuyện nhập siêu vẫn vậy thôi”, ông Tú giải thích, và cho biết thêm tỷ lệ hàng tiêu dùng trong nhập khẩu chỉ chiếm tối đa là 7-8%.
Những người Indonesia lại cảm thấy lo ngại về làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào nước họ. Trước khi hội nghị bộ trưởng phụ trách thương mại ASEAN, trong đó có lễ ký kết này, diễn ra, các nhà sản xuất của Indonesia, nhất là trong lĩnh vực dệt may, đã kêu gọi bộ Thương mại nước này vận động các thành viên còn lại trong ASEAN trì hoãn việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế theo hiệp định. Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia, ông Beny Soetrisno, được hãng thông tấn Antara trích dẫn, cho biết thâm hụt thương mại của Indonesia với Trung Quốc đã lên tới 3,61 tỉ USD năm 2008, so với 1,29 tỉ một năm trước đó.
Không muốn chậm chân
Trong một diễn biến khác bên lề hội nghị bộ trưởng thương mại ASEAN, khối này đã ký với Ấn Độ một hiệp định thương mại hàng hóa, sau 6 năm ròng đàm phán. Với hiệp định này, hai bên hy vọng sau 6 năm thực hiện, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tăng từ 13 tỉ USD lên 60 tỉ USD.
Theo hiệp định này, kể từ đầu năm sau, 5 nước phát triển hơn thuộc ASEAN và Ấn Độ sẽ bắt đầu lộ trình cắt giảm thuế xuống 0% trong vòng ba năm cho 71% dòng thuế, và dành ba năm tiếp để cắt giảm tiếp 9% số dòng thuế nhạy cảm hơn. Đối với 4 nước gia nhập sau, gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), cam kết mở cửa thị trường của Ấn Độ vẫn theo lộ trình trên, nhưng với các nước CLMV lộ trình này được giãn thêm 5 năm, tương tự với cam kết của họ với Trung Quốc. Riêng với Philippines, thời gian hoàn tất lộ trình này cũng giống các nước CMLV, nhưng không bên nào phải mở cửa thị trường sớm hơn.
Trưởng đoàn đàm phán của Ấn Độ, bà Rebecca được tờ The Hindu trích dẫn nói rằng 9 nước ASEAN đã ký hiệp định này, trừ Việt Nam. Theo bà Rebecca, phía Việt Nam yêu cầu đợi khi Ấn Độ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ đặt bút ký. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã xác nhận chuyện này. “Họ chuẩn bị xong thủ tục là chúng ta ký ngay thôi”, ông Tú nói.
Bà Rebecca cũng được tờ Hindu trích dẫn nói rằng hai bên sẽ cố gắng nhanh chóng thúc đẩy đàm phán để ký kết hai thỏa thuận cần thiết còn lại cho việc thiết lập một khu vực mậu dịch tự do là hiệp định thương mại dịch vụ và hiệp định đầu tư. Theo báo chí Thái Lan, bộ trưởng Thương mại Porntiva Nakasai của nước này tỏ ra dè dặt hơn, khi cho rằng vấn đề thương mại dịch vụ sẽ phức tạp hơn.
Chia sẻ quan điểm này, bà Phan Hoài An, phó trưởng phòng ASEAN, vụ Hợp tác quốc tế, bộ Tài chính, nói: “Riêng về dịch vụ, ASEAN khó có thể chen chân vào thị trường Ấn Độ, trong khi những dịch vụ hàng đầu của Ấn Độ liên quan đến công nghệ thông tin, phần mềm, hay điện ảnh quá mạnh và quá có lợi khi bước chân vào thị trường gần 600 triệu dân này (ASEAN)”.
Nhận xét về quá trình đàm phán kéo dài giữa Ấn Độ và ASEAN để ký được hiệp định này, bà Nguyễn Thị Bích, vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế - bộ Tài chính cho rằng Ấn Độ luôn là một đối tác đàm phán khó nhất, và nếu chưa cảm thấy chắc chắn có lợi, họ sẽ lần lữa trong chuyện ký. Cũng theo bà Bích, một nguyên nhân khác với là các mặt hàng mà ASEAN có thế mạnh là nông sản thì Ấn Độ lại bảo hộ quá mạnh.
“Với mức tăng trưởng kim ngạch thương mại trong vòng 6 năm chỉ có 13 tỉ USD, và tỷ lệ số dòng thuế được cắt giảm chỉ là 80% (so với 90% trong các hiệp định tự do thương mại khác), tôi nghĩ Ấn Độ không chờ đợi nhiều ở trao đổi hàng hóa với ASEAN. Họ biết họ ít cơ hội, vì hàng Trung Quốc đã thâm nhập thị trường này khá mạnh”, bà Bích nói.
“Có lẽ quyết định này của họ có mang cả màu sắc chính trị, họ không muốn để Trung Quốc một mình gây ảnh hưởng mạnh ở khu vực trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương này. Vả lại, họ cũng rất cần sự ủng hộ của ASEAN trong tham vọng trở thảnh ủy viên thường trực của một Hội đồng bảo an mở rộng”, bà Bích nhận xét.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét