Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Người Việt ở ba nước với ba mối quan tâm


Ngày 14.09.2009, 07:44 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary
Người Việt ở ba nước với ba mối quan tâm
SGTT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm ba nước Kazakhstan (14 – 15.9), Đan Mạch (16 – 17.9) và Hungary (18 – 19.9). Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chuyến thăm ba nước của Thủ tướng có mục đích triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Cũng có một vài thoả thuận quan trọng được ký kết.
Kazakhstan: hợp tác dầu khí cấp nhà nước
Vận chuyển thiết bị giàn khoan cho một công ty dầu khí ở Vũng Tàu. Dự kiến, trong chuyến đi này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chứng kiến ký kết nâng cấp thoả thuận giữa Petro Vietnam và đối tác Kazakhstan lên thành thoả thuận cấp nhà nước. Ảnh: TTXVN
Kể từ chuyến thăm của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1994, đến nay mới có một đoàn cấp cao sang thăm nước cộng hoà Trung Á này. Đầu tháng 7 năm ngoái, Việt Nam mới khai trương sứ quán ở Astana, và đại sứ Kazakhstan ở Bắc Kinh vẫn kiêm nhiệm luôn Việt Nam. Năm 2008 giá trị thương mại hai chiều giữa hai nước chưa tới 100 triệu USD.
Bà Hồ Đắc Minh Nguyệt, phó vụ trưởng vụ châu Âu (bộ Ngoại giao) cho biết những định khung về bảo hộ đầu tư, hợp tác lao động và giáo dục dự kiến sẽ được ký trong dịp này.
Hiệp định bảo hộ đầu tư mở đường cho những hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và khai khoáng. Dự kiến, hai bên sẽ chứng kiến nâng cấp thoả thuận giữa Petro Vietnam và đối tác Kazakhstan lên thành thoả thuận cấp nhà nước. Điều này, đến lượt nó, lại là cái ô bảo hộ cho Petro Vietnam trong việc giành được hợp đồng khai thác ở quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tám thế giới này.
“Việt Nam cũng hy vọng sẽ có thể thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn của Kazakhstan, khi các doanh nghiệp của Việt Nam và Kazakhstan gặp nhau trong một diễn đàn đầu tư bên lề chuyến thăm”, bà Nguyệt cho biết thêm. Với thoả thuận hợp tác lao động, hai bên hy vọng sẽ nối lại được quan hệ cung cầu về lao động cách đây hai thập kỷ.
Hiện nay, ở Kazakhstan có khoảng 50 người Việt. Đây là những người còn sót lại sau khi Liên Xô tan vỡ năm 1991.
Đan Mạch: xung quanh biến đổi khí hậu
Với Việt Nam, Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ lớn với tổng viện trợ không hoàn lại xấp xỉ 1 tỉ USD. Năm 2008, Đan Mạch cấp cho Việt Nam 40 triệu USD dành riêng cho hợp tác về biến đổi khí hậu.
Trong chuyến thăm nước này ngày 16 – 17 tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hy vọng sẽ thuyết phục người đồng nhiệm dành thêm ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, hợp tác về biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là một trong những nội dung chính của cuộc hội đàm giữa hai người đứng đầu chính phủ. Đan Mạch rất muốn thúc đẩy một thoả thuận về khí hậu toàn cầu tại hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP15, được tổ chức ở thủ đô nước này vào tháng 12 tới.
“Cả hai thủ tướng cũng bàn cách thúc đẩy quan hệ song phương, cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như các vấn đề khác như cải cách tư pháp, nhân quyền, giáo dục và văn hoá. Một số thoả thuận song phương và thương mại sẽ được ký kết”, thông cáo báo chí của sứ quán viết.
Theo một quan chức của bộ Ngoại giao, giấu tên, Đan Mạch khá cứng rắn trong lập trường đối với cải cách tư pháp, khi yêu cầu phải nhanh chóng sửa đổi luật và cải cách hành chính, trước khi Việt Nam và EU ký một thoả thuận về đối tác và hợp tác.
Về đầu tư, cho đến nay, tổng vốn cam kết của Đan Mạch mới dừng ở con số 400 triệu USD. Mặc dù, nước này từ hơn 10 năm nay đã cố thúc đẩy chương trình kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam với các doanh nghiệp của họ nhằm thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.
“Chương trình này không hiệu quả bởi Chính phủ Việt Nam đã không có sự hỗ trợ cần thiết về vốn và các điều kiện kinh doanh thuận lợi cho họ có thể liên doanh, liên kết với các đối tác Đan Mạch”, ông Lý Vĩnh Hùng, một Việt kiều Đan Mạch, chủ tịch công ty Lyprodan Vietnam chuyên sản xuất bàn ghế nội ngoại thất để xuất khẩu, nhận xét.
Ông Hùng cũng nói các nhà đầu tư Đan Mạch hay phàn nàn rằng thủ tục đầu tư vào Việt Nam, như giấy phép, thủ tục thuê đất đai, nhà xưởng, khó hơn so với Trung Quốc quá nhiều. Bản thân công ty Lyprodan của ông Hùng cũng phải đầu tư sang Trung Quốc, thay vì tiếp tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam, bởi lý do tương tự.
Đó sẽ là những vấn đề mà Thủ tướng và thuộc cấp của mình phải trả lời các nhà đầu tư Đan Mạch tại diễn đàn doanh nghiệp tổ chức vào sáng 17.9, và tại cuộc gặp một số lãnh đạo các tập đoàn lớn sau đó, cũng như tại các diễn đàn tương tự được tổ chức vào đầu tháng tới tại Hà Nội và TP.HCM, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nữ hoàng Margrethe II.
Hungary: 60 triệu USD cho trung tâm Ung bướu
Hungary coi Việt Nam là một trong số các đối tác chính trong chính sách ODA của mình. Năm 2008, nước này đã dành cho Việt Nam 45 triệu euro để thực hiện các dự án nước sạch, quản lý dân số...
Sang thăm Hungary lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chứng kiến lễ ký kết khoản vay ưu đãi 60 triệu USD dành cho trung tâm Ung bướu Cần Thơ. Theo phó vụ trưởng vụ châu Âu Nguyễn Thiệp, Việt Nam quan tâm nhiều đến hợp tác sản xuất thiết bị y tế của Hungary, tuy ở tầm công nghệ bậc trung, nhưng giá cả lại hợp lý với Việt Nam.
Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary vẫn còn ở mức khá thấp, năm 2007 chỉ đạt 90 triệu USD, mặc dù Việt Nam vẫn xuất siêu.
Điều này khiến cho những doanh nhân Việt trên đất Hungary, như ông Phạm Ngọc Chu, chủ một hệ thống cửa hàng bán lẻ chạnh lòng. Tại đại hội thành lập hiệp hội doanh nhân Việt kiều cách đây hơn một tháng ở Hà Nội, ông Chu kêu gọi: “Người Trung Quốc có câu ở đâu có Hoa kiều, ở đó có hàng Trung Quốc. Vậy chúng ta hãy gây dựng một chiến lược “Ở đâu có người Việt, ở đó có đại lý hàng Việt Nam”.
Theo ông Chu, hàng Việt Nam khó vào được Hungary nói riêng và châu Âu nói chung vì hai nhược điểm lớn: thiếu tính kỹ xảo trong khâu bao bì và thiếu chiến lược từng bước thâm nhập thị trường. Lần này, ông Chu hy vọng được nói thẳng điều này với Thủ tướng, các quan chức phụ trách xúc tiến thương mại và các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét