Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Chuyển biến nhận thức chưa thể hiện bằng hành động


Ngày 17.03.2010, 07:35 (GMT+7)
Ứng xử của Trung Quốc với các nước hạ lưu sông Mekong
Chuyển biến nhận thức chưa thể hiện bằng hành động
SGTTT - Cho đến nay, Trung Quốc đã chấp nhận một vài chuyến thăm đập thuỷ điện đầu nguồn sông Mekong ở cấp chuyên viên, còn đề xuất của uỷ hội Mekong về chuyến thăm ở cấp cao hơn luôn bị họ thoái thác. Thông tin về việc mới đây Trung Quốc đã chấp nhận cho một đoàn cấp vụ của uỷ hội Mekong đi thăm đập Tiểu Loan đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt, không chỉ của các nước ở hạ lưu dòng sông này.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Trung, tổng thư ký uỷ ban Sông Mekong Việt Nam (VNMC) xung quanh động thái này của Trung Quốc.
Ông có nhận xét gì về bối cảnh dẫn đến sự nhượng bộ trên của phía Trung Quốc?
Quyết định này của Trung Quốc đã xảy ra trong bối cảnh tương đối nhạy cảm, khi nước này đã hoàn thành việc xây đập Tiểu Loan, và hiện nay đang tích nước, gây một mối quan tâm và bức xúc lớn từ các nước ở hạ lưu. Đặc biệt, vào thời điểm này đang diễn ra tình hình cạn kiệt gay gắt trong lưu vực sông Mekong. Ba nguyên nhân của tình trạng này có thể là biến đổi khí hậu, sự cực đoan của diễn biến thời tiết, và, cũng có thể, là sự điều tiết nước ở phía thượng nguồn.
Trong cuộc họp báo ở Bangkok gần đây, sứ quán Trung Quốc đã khẳng định rằng nguyên nhân của sự cạn kiệt không phải do phía Trung Quốc. Việc chấp nhận cung cấp thêm thông tin kỹ thuật chi tiết, thông qua một chuyến thăm làm việc sẽ được các nước ở hạ lưu đánh giá cao hơn.
Cho đến cuối năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu chịu sức ép rất mạnh từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế về môi trường, cũng như từ giới truyền thông, nhất là sau khi họ bắt đầu tích nước cho đập Tiểu Loan. Theo tôi nghĩ, đó là nguyên nhân chính khiến họ không thể tiếp tục bưng bít thông tin như trước được nữa.
Tôi nghĩ đó là một xu thế. Không thể nào trong quan hệ quốc tế lại có nước cứ một mình một sân, đóng cửa với thế giới về thông tin. Có thể họ vẫn chưa muốn hợp tác, nhưng họ phải tính đến quyền lợi của họ ở những khía cạnh khác, tức là phải có đi có lại trong một giải pháp trọn gói.
Xin ông cho biết liệu đây có phải là một bước chuyển trong quan điểm ứng xử của nước này đối với các quốc gia ở hạ lưu?
Tôi nhận thấy có bước chuyển của Trung Quốc về việc này. Thậm chí, họ còn tỏ ý sẽ tham gia vào nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược của các đập thuỷ điện. Trong cuộc họp của uỷ hội chúng tôi với các đối tác đối thoại vào giữa năm ngoái, chúng tôi nói rằng dự án đánh giá môi trường chiến lược cho các đập thuỷ điện trên dòng chính đang được tiến hành, và bản đánh giá này sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu đánh giá về các đập thuỷ điện ở thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến giờ họ vẫn chưa thực sự tham gia.
Tại sao vừa rồi Thái Lan lại có động thái mạnh như vậy, khi Thủ tướng Abhisit tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp thông tin ở các đập thượng nguồn. Xưa nay, người ta nhận thấy Thái Lan dường như có vẻ né tránh chuyện này?
Cũng phải thôi, bởi Trung Quốc là đối tác làm ăn quan trọng của họ. Nhưng hiện nay, do sông cạn kiệt quá khủng khiếp, cộng với sức ép rất mạnh từ hệ thống các tổ chức xã hội dân sự của nước này, nếu không có động thái gì Chính phủ Thái Lan cũng khó yên ổn với các tổ chức này.
Trong cuộc họp ở uỷ ban liên hiệp hồi đầu tháng ở Luang Prabang (Lào), chính Thái Lan đã nêu yêu cầu rằng, với tình hình cạn kiệt như thế, tuy nguyên nhân có thể có nhiều, vẫn nên lên tiếng với Trung Quốc, và một bức thư đã được gửi tới đại diện của Trung Quốc về vấn đề sông Mekong đặt tại sứ quán tại Bangkok.
Tôi nghĩ đây cũng là một bước cách mạng ở Thái Lan.
Việt Nam có đặt vấn đề đàm phán song phương với Trung Quốc, như Thái Lan?
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có chuyện quan hệ song phương, chứ không phải đặt vấn đề đàm phán song phương. Hàng năm, hai bên vẫn trao đổi đoàn. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, đoàn của uỷ ban Sông Mekong Việt Nam đã đi thăm đập Mãn Loan vào cuối năm ngoái, và họ hứa sẽ mời mình đi thăm đập Tiểu Loan khi đã hoàn thành, có thể vào mùa lũ năm nay.
Tức là, với Trung Quốc, cơ chế song phương có vẻ dễ dàng được chấp nhận hơn đa phương?
Đúng vậy. Nói chung Trung Quốc thích giải quyết riêng rẽ với từng nước hơn là làm với cả khối. Lẽ ra, đoàn uỷ hội đã đi thăm đập Tiểu Loan rồi, nhưng phía Trung Quốc lại nêu ra những lý do bất trắc nọ kia, và chưa biết chuyến đi bị hoãn đến khi nào.
Có ý kiến cho rằng quy định quốc tế có vẻ vẫn thiên về bảo vệ việc một nước sử dụng nguồn nước sông chảy trên lãnh thổ của mình. Có đúng vậy không, thưa ông?
Ngày xưa có hai chủ thuyết ở hai thái cực khác nhau. Một là chủ quyền tuyệt đối, như anh đã đề cập. Hai là tính toàn vẹn tuyệt đối, tức là một con sông đã chảy qua nhiều quốc gia, khi định làm gì phải tính đến tất cả các tác động. Việc áp dụng chủ thuyết nào lại phụ thuộc vào lợi ích và thế mạnh của từng nước.
Đến gần đây, đã xuất hiện chủ thuyết mới về sử dụng công bằng và hợp lý, được đưa vào quy chế Helsinki, rồi sau đó đưa vào Công ước sử dụng nước phi giao thông thuỷ của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, ngay từ đầu Trung Quốc (cùng hai nước nhỏ khác) đã kiên quyết không phê chuẩn công ước này. Dễ hiểu thôi, bởi sông của họ chủ yếu là thượng lưu.
Công ước này tuy không phải quy định có tính ràng buộc về mặt pháp lý với tất cả các quốc gia, nhưng lại có ý nghĩa về mặt đạo đức ứng xử. Đó là một trong những cơ sở mà trong hoạt động của mình uỷ hội Mekong đưa ra làm luận cứ tranh cãi. Tức là, khi anh cứ nói chuyện phát triển hài hoà, mà trong chuyện này anh lại cố tình phớt lờ đi quyền lợi của các quốc gia liên quan, uy tín của anh cũng kém đi trong con mắt các đối tác phát triển trong khu vực.
Cho đến nay, trước yêu cầu của các quốc gia ở hạ lưu, Trung Quốc đã đáp ứng ở mức nào?
Có, nhưng hạn chế. Chẳng hạn, với Việt Nam, từ cách đây 4 – 5 năm, họ đã đồng ý cung cấp số liệu về dòng chảy trong sáu tháng mùa lũ. Có điều, ưu tiên thông tin cao nhất là dòng chảy mùa kiệt, tức là chế độ vận hành của các đập thuỷ điện, thì họ lại không cung cấp.
Họ giải thích chuyện này thế nào?
Thực ra, chuyện Trung Quốc giải thích thế nào không quan trọng, bởi họ thiếu gì cách. Chỉ có một điều, họ rất nhất quán trong cung cấp thông tin dòng chảy. Chẳng hạn, đối với sông Hồng, bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam cũng chỉ nhận được thông tin về dòng chảy thượng nguồn vào mùa lũ.
Huỳnh Phan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét