Ngày 02.12.2009, 15:15 (GMT+7)
Bài giảng đầu tiên của GS Schwab tại Hà Nội
SGTT - Hôm qua, GS Susan Schwab, nguyên trưởng đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Bush, đã có buổi thuyết trình đầu tiên của mình trước các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và một số chuyên gia hoạch định chính sách thương mại, sau khi nhận bằng tiến sĩ danh dự của đại học Quốc gia Hà Nội vào chiều hôm trước.
Chủ đề do các nhà tổ chức đưa ra là “Vị trí Việt Nam trong hoạch định chiến lược của Mỹ về phát triển kinh tế ở châu Á và con đường cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ mà tránh được các vụ kiện và hạn chế thương mại” đã thu hút sự chú ý của giới doanh nghiệp và dư luận. Nhất là trong bối cảnh có sự hụt hẫng trong mối quan tâm của Mỹ với Việt Nam, trừ những gì liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông, và xuất khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm cả về kim ngạch lẫn tỷ trọng trong xuất khẩu nói chung.
“Giá trị xuất khẩu năm nay giảm khoảng 8 – 9%, trong đó riêng xuất khẩu vào thị trường Mỹ lại càng giảm mạnh, khi tỷ trọng ước chỉ còn 18 – 19%, so với 21% năm ngoái, trong tổng kim ngạch xuất khẩu”, thứ trưởng Công thương Lê Danh Vĩnh nhận xét với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội thảo.
Danh tiếng của bà Schwab với tư cách nguyên đại sứ thương mại Mỹ thời Tổng thống Bush (từ 2006 đến đầu 2009), người được coi là khá tích cực trong chuyện thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, cựu chủ tịch và CEO của tổ chức hệ thống đại học Maryland, cựu quan chức của Motorola… cũng là một lý do khác của mối quan tâm.
Tuy nhiên, các kỳ vọng của những người dự hội thảo khó có thể nói là được đáp ứng. Vị chính khách đã rời nhiệm sở gần một năm nay rồi không đưa ra được dự đoán nào về chính sách thương mại mới của Chính quyền Obama, ngoài việc đưa ra nhận xét rằng bảo hộ mậu dịch đang thể hiện rõ trong chính sách của chính quyền đảng Dân chủ, nhằm bảo vệ việc làm trong khủng hoảng.
Có một nhận xét tạm gọi là cụ thể của GS Schwab là ắt hẳn vào một thời điểm nào đó trong tương lai, ông Obama vẫn phải hoà giải giữa việc thúc đẩy tự do hoá thương mại, với tư cách là người đứng đầu của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha, hay hợp tác APEC, và những cam kết bảo hộ mậu dịch với cử tri khi vận động tranh cử. Nhưng thời điểm đó là bao giờ, bà không dự đoán được.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia về thị trường Mỹ của bộ Công thương, giấu tên, nói: “Kể cũng khó cho bà, bởi chính sách thương mại toàn cầu của Mỹ dưới thời ông Obama, trên thực tế, chưa hình thành. Như vậy, cũng chưa thể nói gì về chính sách của Mỹ ở Đông Á, ASEAN, nói gì tới Việt Nam”.
Đối với những quan tâm của doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, bài thuyết trình lại giới thiệu bức tranh toàn cảnh của thương mại Mỹ nói chung, tuy có thoáng đề cập tới Việt Nam. Đối với những thắc mắc của doanh nghiệp, những câu trả lời lại hàm ý về những nguyên tắc chung mang tính lý thuyết cơ bản, những điều mà họ phải biết ngay từ sau khi Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, hay, ít ra là ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. “Cách ra đầu bài quá tham vọng của các nhà tổ chức khiến cho người dự có cảm giác đang cưỡi ngựa xem hoa cùng vị giáo sư khả ái”, chuyên gia nói trên nhận xét thêm.
Tuy vậy, cũng có vài gợi ý, tuy không phải hoàn toàn mới, của GS Schwab, đáng lưu ý.
Thứ nhất, đó là tâm lý của người Mỹ không muốn bị quá phụ thuộc vào nguồn hàng hoá tràn ngập thị trường Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc, và những rào cản thương mại được dựng lên cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Bà khuyên Việt Nam nên tìm cách thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc, bằng những giá trị mới, để khẳng định sự khác biệt của mình. Điều này cũng giúp Việt Nam trở thành địa điểm thứ hai, sau Trung Quốc, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Chẳng hạn, theo GS Schwab, dù mới thực hiện các cam kết WTO, Việt Nam đã tạo dựng được một hình ảnh tích cực hơn nhiều so với Trung Quốc, về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi không nằm trong danh sách ưu tiên theo dõi của Mỹ như quốc gia láng giềng.
Thứ hai, theo kinh nghiệm của mình tại đại diện thương mại Mỹ (USTR), GS Schwab cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam rằng, trong nỗ lực chống sự tràn ngập của hàng hoá Trung Quốc trên thị trường, họ phải liên kết với nhau trong hiệp hội ngành nghề để cố tìm những bằng chứng về việc bán phá giá hàng Trung Quốc ở Việt Nam để kiện, và từ đó cơ quan Chính phủ (cục Quản lý cạnh tranh) có thể điều tra và áp thuế chống bán phá giá. (Tuy nhiên, theo lời một quan chức cục này, cho đến giờ chưa có một doanh nghiệp, hay hiệp hội nào, của Việt Nam đâm đơn kiện về việc này, mặc dù họ kêu ca rất nhiều).
Hay, với bất lợi là chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, từ nay đến thời điểm 2018, Việt Nam luôn đối mặt với việc bị so sánh với một nước thứ ba khi dính vào vụ kiện chống bán phá giá. Bà khuyên các doanh nghiệp Việt Nam phải lường trước khả năng bị lôi ra toà, và cách tốt nhất là cố gắng minh bạch và tránh bị bắt lỗi. “Phòng thủ tốt chính là cách tấn công tốt nhất”, cựu đại sứ thương mại nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đứng sau việc mời GS Schwab vào Việt Nam có vẻ như hướng tới một mục tiêu khác. Một chuyên viên bộ này, giấu tên, nhận xét rằng, tuy đã rời nhiệm sở với tư cách một chính khách, cựu đại sứ thương mại Mỹ vẫn duy trì được mối quan hệ với các chuyên gia trong cơ quan đại diện thương mại Mỹ, và qua đó có thể có những thông tin hữu ích, cũng như vai trò kết nối nào đó, về thương mại giữa hai nước.
Các nhà tổ chức cho biết GS Schwab sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo bộ Ngoại giao, trước khi bay vào TP.HCM để có buổi thuyết trình thứ hai vào ngày 3.12.
Bài, ảnh: Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét