Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật: EPA, ODA và PCI


Ngày 07.01.2009, 14:16 (GMT+7)
Việt Nam bước vào năm 2009 trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu bị thu hẹp đáng kể. Và hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, hy vọng sẽ có hiệu lực trong quý 1 sau khi được Quốc hội Nhật phê chuẩn, được coi như cái phao cứu sinh dưới góc độ ngắn và trung hạn
Hy vọng từ EPA?
Công trình đại lộ đông tây do PCI tư vấn. Ảnh: Trần Việt Đức
Ngay khi chưa có EPA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 40% trong năm 2008, so với 23% năm 2007, với một chút lợi thế trong cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Với hiệp định này, Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu mặt hàng chủ lực của mình như dệt ma­y, nông sản sang thị trường Nhật, bù vào phần suy giảm từ thị trường EU và Mỹ.
Nhật cam kết giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, thông qua chuyển giao công nghệ và giúp cấu trúc lại sản xuất. Họ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật.
Tuy nhiên, theo giám đốc công ty Minh Trân Nguyễn Trí Dũng, một Việt kiều Nhật có nhiều đóng góp với tư cách là cầu nối trong quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước, Việt Nam vẫn chưa xác định rõ thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp, để có chiến lược đầu tư cụ thể nhằm biến Việt Nam thành trung tâm nông nghiệp hàng đầu trên thế giới trong vòng mười năm nữa.
“Nếu được quy hoạch bài bản và đầu tư về khoa học kỹ thuật, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam có thể tăng hai đến ba lần”, ông Dũng nói. Cách đây gần ba năm, chính ông đã dẫn một đoàn các nhà nhập khẩu rau quả của Nhật Bản vào cả hai trung tâm nông nghiệp là đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hồi âm cuối cùng ông nhận được từ họ là lời nhận xét khi chia tay, rằng “rau quả nhiệt đới của Việt Nam tuy đa dạng, nhưng sản xuất manh mún”.
Danh sách dự án hợp tác giữa hai bên cũng bao gồm việc xây dựng nền công nghiệp phụ trợ để thu hút đầu tư của Nhật vào Việt Nam, giúp Việt Nam đi vào chuỗi sản xuất của các nhà chế tạo Nhật Bản trong mô hình sản xuất tích hợp. Giám đốc diễn đàn Phát triển Việt Nam
GS Kenichi Ohno, người đã phải chờ 14 năm mới nhìn thấy thành quả của sự nhẫn nại trong việc thuyết phục các nhà hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam chấp nhận đề án này, rất vui mừng.
Bài học ODA từ vụ PCI
Với việc ký EPA Việt Nam và Nhật Bản đã tiến tới mục tiêu lâu dài là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, xét về một cam kết khác, cũng được vạch ra trong tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 10.2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hướng tới xây dựng mối quan hệ này, đã có một bước lùi. Đó là việc Nhật Bản tuyên bố tạm ngưng các khoản ODA cho Việt Nam cho đến khi nghi án nhận hối lộ ở dự án đại lộ đông tây (TP.HCM) được làm rõ. Thêm vào đó, việc giải ngân 700 triệu USD cam kết cho năm 2008 cũng bị phong toả vì lý do tương tự.
Trong buổi tiếp cựu thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda sang Việt Nam vào trung tuần tháng 12.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc phía Nhật Bản đơn phương tuyên bố ngừng cấp vốn ODA ưu đãi cho Việt Nam đã gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận và quan hệ vốn đang tốt đẹp giữa hai nước.
Có lẽ, đặc phái viên không chính thức của Chính phủ Nhật, ông Fukuda, sau cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam, cũng hiểu thêm cái khó của phía Việt Nam, điều mà những nhà đàm phán ODA hay quan chức ngoại giao Việt Nam chưa đủ thẩm quyền để giải thích với đại sứ Sakaba. Việt Nam cần có sự thận trọng sau những hệ luỵ từ một vụ án tham nhũng ở một ban quản lý dự án khác – vụ PMU 18.
Phía Việt Nam chắc cũng hiểu ra sức ép mà Chính phủ Nhật, và đằng sau đó là đảng Dân chủ tự do cầm quyền, phải chịu từ những người đóng thuế và đại diện của họ ở quốc hội, nhất là hạ viện do phe đối lập chiếm đa số, nếu không “đơn phương ngừng cấp vốn ODA cho Việt Nam”. Chính ông Fukuda, cách đây hơn bốn tháng đã phải bất ngờ tuyên bố từ chức nhằm cứu vãn uy tín đang xuống thấp của đảng mình trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới trước liên minh đối lập do đảng Dân chủ Nhật Bản dẫn dắt.
Điều này, cộng thêm với động thái kiên quyết của cơ quan điều tra Việt Nam với người bị tố cáo là nhận hối lộ từ công ty PCI là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phía Nhật hứa sẽ nối lại đàm phán ODA, và giải toả khoản 700 triệu USD trong thời gian sớm nhất có thể.
Lãnh đạo Việt Nam biết rõ mình cần gì ở các đối tác chiến lược. Nhưng có lẽ, trong cách hành xử, như một đối tác chiến lược trong hiện tại hoặc tương lai, trước mỗi vụ việc lớn, Việt Nam còn phải chứng tỏ nhiều.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét