Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Món quà độc của Nhật hoàng


Ngày 06.03.2009, 09:15 (GMT+7)
Sáng nay (6.3.2009), đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba sẽ trao tặng cho đại học Khoa học tự nhiên, thuộc đại học Quốc gia Hà Nội, bản công bố khoa học về việc phát hiện ra một loài cá bống mới ở Việt Nam, được đăng trên tạp chí Ngư học Nhật Bản ngày 20.8.1976. Nghiên cứu này được chính Nhật hoàng Akihito, lúc đó còn là thái tử, cùng với một nhà sinh học Nhật khác là tiến sĩ Katsusuke Meguro thực hiện, sau khi thu được một số mẫu tại đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam trước năm 1975.
Cũng vào khoảng thời gian đó, một tiêu bản về loài cá bống cát trắng này, tên khoa học là Glossogobius sparsipapiluus, đã được thái tử Akihito, thông qua đường ngoại giao, gửi tặng cho Việt Nam và hiện được lưu giữ tại bảo tàng động vật thuộc đại học Khoa học tự nhiên. Theo ông Vũ Ngọc Thành, cán bộ phụ trách bảo tàng, việc thu mẫu tiêu bản này đã được thực hiện ngày 1.3.1974 tại nhánh sông Ba Sắc, đoạn cách Cần Thơ 1,5km.
Theo giáo sư Mai Đình Yên, người cũng thực hiện một nghiên cứu tương tự về loài cá bống cát trắng vào năm 1982 với chín mẫu thu được ở Bến Tre và Tân Châu, cho biết loài cá bống trắng này sống ở vùng nước ngọt và nước lợ (khu vực cửa sông ra biển), thuộc họ cá bống trắng (Gobiidae), bộ cá vược (Perciformes), có thể đánh bắt quanh năm và thịt rất ngon. GS Mai Đình Yên cũng đánh giá rất cao phát hiện của hai đồng nghiệp Nhật đối với những nghiên cứu tiếp theo của các nhà sinh học Việt Nam và nước ngoài. Nhà sinh học người Mỹ Walter Rainboth thuộc đại học Wisconsin Oshkosh, khi nghiên cứu về những loài cá ở vùng hạ lưu sông Mekong (bao gồm cả Campuchia và Việt Nam) cũng xác nhận tính chính xác trong việc phát hiện và mô tả loài cá bống này trong công bố của thái tử Akihito và Meguro.
Việc Nhật hoàng Akihito, thông qua thái tử Naruhito, uỷ nhiệm cho đại sứ Sakaba, trao tặng cho Việt Nam bản công bố về loài cá bống này được hy vọng hé mở ra những cơ hội về du lịch và thương mại, ngoài ý nghĩa về chính trị và ngoại giao. Theo ông Trần Huy Công, người được giao phối hợp kiểm duyệt những hình ảnh liên quan đến thái tử Naruhito trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, đã hé ra rằng các hãng lữ hành của Nhật đã liên tục gọi điện cho ông xin danh sách những món Việt Nam mà thái tử đã nếm. Còn tiến sĩ Dương Nhật Long, thuộc đại học Cần Thơ, cho biết tuy cá bống cát trắng vẫn được khai thác tự nhiên, nhưng khả năng nuôi được loài cá này là hoàn toàn có thể. “Chúng ta đã nuôi thành công cá bống tượng và cá bống kèo, thì không lý gì không nghiên cứu nuôi được cá bống cát trắng”, TS Long nói.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét