Ngày 25.11.2009, 08:00 (GMT+7)
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần đầu tiên ở Việt Nam
Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực
SGTT - Đây là lần thứ hai trong năm 2009, GS Ramses Amer, khoa chính trị học của đại học Umea (Thuỵ Điển), đến Việt Nam. Vào trung tuần tháng 3, ông được các nhà nghiên cứu thuộc học viện Ngoại giao mời đến trao đổi về cơ chế giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
GS Ramses Amer (bìa trái) trao đổi với các học giả Việt Nam và Trung Quốc về cơ chế giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bên lề hội nghị Quốc tế Việt Nam học tại Hà Nội tháng 12.2008. Ảnh: TL
|
Lần này, GS Amer có cơ hội trao đổi với khoảng 50 nhà khoa học và nghiên cứu hàng đầu của thế giới và khu vực, và một con số nhỉnh hơn các nhà nghiên cứu Việt Nam, trong cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên về Biển Đông được tổ chức tại Việt Nam. Trong số đó, có những tên tuổi nổi tiếng như GS Stein Tonesson, Giám đốc viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế từ Na Uy, GS Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu chiến lược thuộc học viện Quốc phòng Australia, hay GS Hasjim Djalal từ trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Indonesia.
Hội thảo Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, do học viện Ngoại giao và hội Luật gia đồng tổ chức từ 26.11, dự kiến kéo dài một ngày rưỡi, với khoảng 20 tham luận, chủ yếu do các học giả quốc tế trình bày. Hội thảo chia làm ba phiên với các chủ đề lần lượt là “Tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường quốc tế mới”, “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định và hợp tác tại khu vực”, và “Các biện pháp duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường hợp tác ở Biển Đông”.
Theo các nhà tổ chức, tuy hơn 20 đại diện ngoại giao của các nước có liên quan được mời tham dự, hội thảo này vẫn mang tính khoa học thuần tuý, không mang quan điểm chính trị. Những người tham dự sẽ nêu ý kiến, tranh luận, với tư cách cá nhân, trên cơ sở những công trình nghiên cứu khoa học về Biển Đông của bản thân họ. Tính chất học thuật của hội thảo này còn được thể hiện trong việc các học giả từ những bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Trung Hoa lục địa hay Đài Loan, đều được mời tham dự.
Các nhà tổ chức, tuy vậy, vẫn hy vọng rằng sẽ có những ý kiến hay, mang tính gợi mở, cho những nhà hoạch định chính sách của các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. “Đây chính là dịp tốt để qua đó các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu của Việt Nam nhìn nhận lại những việc đã làm. Theo tôi, chúng ta có vẻ hơi thiên về tìm kiếm những chứng cớ lịch sử, vốn đã khá dồi dào, trong khi đó vẫn chưa tập trung nhiều vào việc gia cố các chứng cớ pháp lý, nhất là sự thừa nhận quốc tế”, GS.TS sử học Vũ Minh Giang nhận xét.
Từ kinh nghiệm tổ chức hội nghị quốc tế Việt Nam học, GS.TS Vũ Minh Giang hy vọng rằng đây cũng là một dịp tốt để chính thức tạo mối liên kết và hợp tác giữa các học giả trong nước và quốc tế. “Các học giả nước ngoài sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận các tư liệu cần thiết, để công trình nghiên cứu, hay các bài báo của họ trên các tạp chí quốc tế, có cách nhìn nhận chính xác và khách quan hơn”, GS.TS Giang nói.
GS Amer cũng chia sẻ quan điểm này. “Tôi có quan hệ tốt do được thừa hưởng mối quan hệ của mẹ tôi ở đây (bà mẹ GS Amer đã phụ trách văn phòng Hà Nội của cơ quan Hợp tác phát triển Thuỵ Điển trong suốt 12 năm kể từ năm 1986). Chứ những đồng nghiệp nước ngoài khác nói với tôi rằng, vì những lý do khác nhau, họ tiếp cận thông tin rất khó”, GS Amer nói.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét