Ngày 05.12.2008, 14:06 (GMT+7)
Nhận xét về chính sách vừa được công bố của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp vừa trải qua một năm khốn đốn có thể khôi phục sức sản xuất, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Thực chất đây là một trong nhiều biện pháp có thể áp dụng để kích cầu trong bối cảnh kinh tế đang đi xuống. Kích cầu hiểu theo cách thô thiển là bỏ thêm tiền vào kích thích tiêu dùng và đầu tư. Tiền đó vẫn là tiền thuế của dân, của doanh nghiệp và tiền bán tài nguyên. Nhưng giảm thuế có tác động ngay lập tức vào thời điểm công bố chính sách, nhất là đối với những doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm, tạo nhiều giá trị gia tăng..., qua đó kích thích sản xuất, cung ứng dịch vụ, hay buôn bán. Chứ còn cứ thu đủ thuế, rồi mới phân cho anh nọ anh kia, tức là mất luôn 3 – 4 tháng thủ tục, chưa nói đến chuyện bàn cãi cho đúng đối tượng.
Đối với việc giảm thuế này, đối tượng nào được hưởng lợi? Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay doanh nghiệp lớn, bởi hình như nhóm doanh nghiệp thứ nhất thua lỗ rất nhiều trong thời gian vừa qua?
Nói như vậy cũng khó. Giảm thuế hay ở chỗ nó kích thích cho những doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, làm ăn hiệu quả. Còn đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, họ không được hưởng gì cả. Điều đó vẫn tốt ở chỗ nó thúc đẩy nhanh quá trình sàng lọc, làm sạch thị trường. Tức là những doanh nghiệp lẽ ra nên phá sản, sẽ phải phá sản nhanh hơn.
Nhưng, mặt khác, trong số những doanh nghiệp thua lỗ, hay không có lãi, có một mảng doanh nghiệp gặp khó khăn, bị thua lỗ tạm thời thôi, nhưng vẫn có khả năng gượng dậy sau một thời gian. Những doanh nghiệp đó, không được hưởng lợi từ giảm thuế, nên rất cần được hỗ trợ bằng những biện pháp khác.
Theo ông, đó có thể là những biện pháp gì?
Lãi suất tín dụng, hỗ trợ thị trường, thậm chí hỗ trợ về hiện vật. Chẳng hạn như giảm giá điện, giảm giá xăng… Đối riêng về giá điện, tôi nghĩ trong vòng 12 tháng tới nếu phê duyệt tăng giá điện, theo yêu cầu của EVN, sẽ là một quyết định hết sức thiếu khôn ngoan. Tất nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu đi lên, những biện pháp này phải được rút lại để khỏi làm méo mó thị trường.
Đây chính là lúc Chính phủ nên mạnh tay cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào
|
Đối với thuế, Nhà nước cũng chẳng thể giảm thuế được lâu, bởi lúc đó ngân sách lấy đâu ra tiền mà chi tiêu, nên việc giãn thời hạn nộp thuế cũng là một giải pháp tốt. Thuế nhập khẩu hiện nay quy định là phải nộp trong vòng 30 ngày, thì trong hoàn cảnh khó khăn này nên giãn ra trong vòng 90 ngày, chẳng hạn.
Điều quan trọng nhất, theo tôi, đây chính là lúc Chính phủ nên mạnh tay cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang thực sự là kém đi. Chẳng hạn mấy năm trước điện có mất như bây giờ không? Không. Vận tải có khó khăn như bây giờ không? Không.
Nếu nhìn theo kiểu động, đường sá, cảng biển, thủ tục hải quan, nguồn nhân lực không được cải thiện, trong khi đó nhu cầu tăng lên, tức là đang kém đi. Những thứ đó, cộng với khủng hoảng, lạm phát, bất ổn vĩ mô… đã tạo lo lắng cho các nhà đầu tư, và số lượng không hài lòng về môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng từ 5,3% năm 2007 lên tới 30% năm 2008, như trong một báo cáo tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đầu tuần vừa rồi, là một điều cực kỳ dễ hiểu.
Huỳnh Phan (thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét