Lịch sử cần phải được nhận thức lại
LTS: Vào 18-19.10.2008
tới, tại Thành phố Thanh Hóa sẽ diễn ra hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và Vương
triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19”, nhân
dịp kỷ niệm 450 năm ngày Chúa Nguyễn Hoàng cầm gươm đi mở rộng bờ cõi về phía
Nam.
Đây là một cuộc hội thảo
có qui mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề này với 88 báo cáo của các học
giả trong và ngoài nước. Giới sử học nhìn nhận rằng với sự đánh giá đầy đủ,
công bằng và khách quan về giai đoạn này, nhất là triều Nguyễn, một khớp nối quan
trọng trong giai đoạn chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại,
lần đầu tiên lịch sử Việt Nam sẽ trở nên liền mạch.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có
cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh chủ đề này. (Bản đăng trên SGTT là bản rút gọn, vì lý do kỹ thuật thuần túy.)
Xin
ông cho biết việc nhận thức lại vai trò của các chúa Nguyễn và vương triều
Nguyễn được đặt ra vào thời điểm nào, và trong bối cảnh nào?
Thứ nhất, việc nhận thức lại được đặt ra trong
công cuộc đổi mới, với thực tiễn của đổi mới và nguyên lý ban đầu là “dũng cảm
nhìn thẳng vào sự thật”. Nguyên lý đó ít nhất là một động lực với những người
làm sử để nhìn nhận lại giai đoạn lịch sử đó. Thứ hai, lịch sử là một quá trình
nhận thức, hay như ta hay nói “sự kiện xảy ra một lần, nhưng nhận thức là một
quá trình”, bởi ở đó có các yếu tố về khoa học, trình độ hiểu biết, và lợi ích.
Những yếu tố đó khiến cho một thời kỳ chúng ta đánh giá cái giai đoạn lịch sử
thời Nguyễn không công bằng, không khách quan, và quan trọng là không chính
xác.
Có
một lý do rất dễ hiểu là khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đặt ra hai mục tiêu
là “phản đế và phản phong”, đương nhiên trong cái quan niệm hết sức xơ cứng như
vậy về chế độ phong kiến chắc chắn Vương triều Nguyễn là cái đã qua, thối nát
và phản tiến bộ. Như vậy, không chỉ có sự đối xử không công bằng với triều
Nguyễn, một triều đại phong kiến cuối cùng và là đối tượng trực diện của cách
mạng, mà ngay cả những di sản, văn hóa dân tộc, như đền thờ, chữ Hán…, cũng có
thời đã bị đối xử vừa bất công vừa đầy lầm lẫn.
Có
lẽ chỉ hình tượng các anh hùng dân tộc là còn lại. Nhưng họ cũng lại quên rằng
những anh hùng dân tộc đó cũng là thuộc phạm trù phong kiến, thuộc phạm trù
những tầng lớp xã hội mà sau này chúng ta qui chiếu vào trong quan điểm đấu
tranh giai cấp, bởi họ cũng thuộc giai cấp địa chủ phong kiến.
Hơn
nữa, cũng phải hiểu một điều là phần lớn đội ngũ sử học của chúng ta là một đội
ngũ sử học công chức, trong đó có nhiều người là đảng viên, làm cho các cơ quan
nhà nước nên có cái định hướng chính trị rất rõ. Họ đã bị những định kiến chính
trị, thậm chí là những cấm kỵ, chi phối, nên đã gặp khó khăn trong việc tiếp
nhận hiện thực khách quan. Việc sử học phục vụ chính trị là chuyện đương nhiên,
khó tránh, nhưng vấn đề là có phục vụ chính trị một cách khách quan và khoa học
hay không mà thôi.
Khi
có công cuộc đổi mới, chúng ta có cơ hội đánh giá lại, và nhất là khi cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc và chống ngoại xâm qua rồi, thì hơn bao giờ hết chúng
ta càng phải đề cao khối đại đoàn kết toàn dân. Có rất nhiều vấn đề của lịch sử
đã nảy sinh ra từ đó.
Trong
khi đó, Trung Quốc đã hóa giải những vấn đề này rất thành công. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu về Trung
Quốc. Nhưng tôi cho rằng họ khôn ngoan. Từ chủ nghĩa đại Hán tồn tại một thời
mà trong nhận thức nó chuyển sang Đại Trung Hoa, tức là họ biết hóa giải những
vấn đề của lịch sử. Nếu đặt chủ nghĩa Đại Hán, chắc chắn họ coi thời nhà Nguyên
và nhà Thanh là nỗi nhục lớn vì bị những tộc người ban đầu bị coi là rợ cai
trị. Nhưng văn hóa Hán nó mạnh tới mức những kẻ cai trị cũng bị Hán hóa. Bây
giờ lợi ích quốc gia của họ là Đại Trung Hoa nên nó đảo ngược, chính nhà Nguyên
và và Thanh lại được coi là của họ, là di sản, và được đề cao rất mạnh mẽ.
Những
yếu tố “khoa học, trình độ hiểu biết và lợi ích” mà ông đề cập đã thay đổi như
thế nào để dẫn đến cái nhận thức như hiện nay, ít nhất là trong giới sử học?
Chính
lợi ích phát triển đất nước đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu. Ví dụ như vấn đề
chủ quyền lãnh thổ. Khi chúng ta phải bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta
phải nghĩ đến ai là người có đóng góp đầu tiên trong việc mở mang phần lãnh thổ
ấy, ai là người đã tạo ra chứng lý để ngày nay chúng ta có cơ sở pháp lý để bảo
vệ chủ quyền. Đến lúc này chúng ta phải nói đến thời kỳ các chúa Nguyễn và vua
Minh Mạng. Các chúa Nguyễn những người đầu tiên tổ chức những đội quân ra quản
lý những vùng biển đảo xa xôi như thế, và những họat động đó trở thành chứng lý
rất thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam ở đó. Còn vào thời kỳ vua Minh Mạng
tấm bản đồ Đại Nam
có vẽ rất rõ ràng về quần đảo Trường Sa.
Những
điều đó ngoài vai trò bằng chứng còn nói lên trình độ quản lý và phương cách
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của cái triều đại mà lâu nay bị coi là lạc hậu, là không
đại diện cho lợi ích dân tộc. Từ cái “vỡ lẽ” ấy chắc chắn người ta sẽ có thể có
cái nhìn nhận khách quan, công bằng hơn.
Phương
pháp nghiên cứu lịch sử cũng ngày càng khách quan hơn đối với những vấn đề liên
quan đến tư liệu lịch sử. Rõ ràng là trong một thời gian dài, giới sử học chúng
ta bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh. Trong hoàn cảnh chiến tranh, chúng ta khó có
thể tiếp cận với các học giả nước ngoài, nguồn lưu trữ nước ngoài và phương
pháp nghiên cứu của nước ngoài. Sự tham gia của các sử gia nước ngoài trong
những hội thảo về chủ đề này cũng đóng góp nhiều cho nghiên cứu của chúng ta,
khiến nó thêm khách quan, bởi họ không bị ràng buộc bởi nguyên lý chính trị và
có điều kiện tiếp cận tư liệu đang lưu trữ ở nước ngoài.
Nhận
thức chung trong giới sử học về vai trò của triều Nguyễn hiện nay như thế nào?
Họ để lại những di sản, và bài học gì?
Cái
lớn nhất của nhà Nguyễn làm được là nối tiếp được các thế hệ trước, bao gồm các
chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn trong việc củng cố được chủ quyền lãnh thổ quốc gia,
cho đến giữa thế kỷ 19 khi người Pháp đô hộ. Lúc đó, nước Đại Nam đã phát
triển đến một trình độ tương đối cao trong khu vực.
Đánh
giá nhà Nguyễn, đặc biệt trên lĩnh vực giữ nước, chúng ta có nhiều điều phải
suy nghĩ, phải thừa kế. Tôi nói chẳng hạn vấn đề quản lý đất đai là vấn đề cực
kỳ quan trọng đối với mọi quốc gia mọi thời đại, và đến bây giờ chúng ta thấy thực
tiễn nó khó khăn thế nào. Vậy tại sao trong một khoảng thời gian tồn tại
ngắn như vậy mà triều Nguyễn đã để lại cho chúng ta một di sản rất lớn về địa
bạ? Lúc đó làm gì có định vị vệ tinh, làm gì có photocopy, làm gì có máy ảnh,
máy scan, mà tại sao họ có thể vẽ từng thửa đất một? Họ không có phương pháp
hiện đại như hiện nay, nhưng về nguyên lý quản lý thì trình độ rất cao, đảm bảo
được tính ổn định. Từng thửa đất của quốc gia được đo vẽ, được lưu trữ và được
sử dụng, trong thời gian rất ngắn với một lực lượng rất nhỏ. Năng lực quản lý
đất đai là cái chúng ta phải học.
Hay
cái việc chia đơn vị hành chính cũng vậy. Rõ ràng sau này người Pháp khi cai
trị Việt Nam
cũng kế thừa chứ không gây đảo lộn lớn. Sau một thời kỳ đảo lộn tất cả lên,
chúng ta mới nhận ra rằng cách chia của các cụ ngày xưa là hợp lý, và người Pháp
đã rất khôn ngoan khi kế thừa.
Kinh
thành Huế là kinh thành của triều Nguyễn, nhưng là tài sản của đất nước, là
thành tựu của nhân dân, của một thời đại trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế,
văn hóa, nghệ thuật, mà hiện nay chúng ta đang được thừa hưởng.
Chúng
ta cũng đã làm chuyện khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, và nhiều cái không
làm được. Vậy mà tại sao một doanh điền sứ như ông Nguyễn Công Trứ chỉ trong
một thời gian rất ngắn có một vài năm thôi mà lập ra hẳn hai cái huyện là Kim
Sơn và Tiền Hải, và cho đến bây giờ vẫn ổn định và phát triển? Hệ thống thủy
lợi làm từ thời đó vẫn tuyện vời, trong khi đó chúng ta mất rất nhiều công sức,
tiền của cũng không làm được.
Hay
kênh Vĩnh Tế, được chúng tôi chọn nghiên cứu và sau này ông Võ Văn Kiệt rất
quan tâm. Một công trình cách đây mấy trăm năm, trong điều kiện công nghệ, kỹ
thuật hồi đó, đã được xây dựng rất nhanh và rất hiệu quả (phát huy đến tận bây
giờ). Hiệu quả ở đây không chỉ giải quyết vấn đề tưới tiêu và chống mặn cho đồng
bằng, mà còn giải quyết cả vấn đề ngoại giao, phòng thủ quốc gia. Kênh Vĩnh Tế
bây giờ thực tế là một bằng chứng về chủ quyền của chúng ta.
Liên
quan đến vấn đề tập hợp lưu dân, đến thăm mộ ông Thoại Ngọc Hầu, người ta thấy
ngoài hai bà vợ yêu ra có rất nhiều nghệ sỹ tuồng, nghệ sỹ khác mà ông kéo theo
vào. Đấy là thái độ trân trọng và sử dụng trí thức. Ông ấy đã ý thức được việc
đưa văn hóa vào để phát triển các vùng đất mới. Phục vụ cho những người phu
dịch còn có cả văn hóa.
Trong
khi chúng ta đấu tranh chống tham nhũng, chống tư tưởng bè phái cát cứ, chúng
ta không thể không nhắc đến Luật Hồi Tỵ, một nguyên tắc quan trọng trong tổ
chức bộ máy chính quyền thời phong kiến, bắt đầu được đặt ra từ thời vua Lê Thánh
Tông và hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng, tiếp tục được thực hiện vào các
triều vua Nguyễn sau đó. Theo luật này, những người có cùng quan hệ huyết
thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè…không được cùng làm quan hay làm việc ở một
địa phương, công sở. Nếu gặp một trong những trường hợp trên thì phải tâu báo
lên để thuyên chuyển những người thân thuộc đó đi các nơi khác
nhau. Hay trong TP HCM đang diễn vở “Lê Văn Duyệt”, người đã
sẵn sàng chém bố vợ vua vì lộng hành.
Vì
sao các cụ thành công, bởi vì các cụ nhà mình khi làm bao giờ cũng kế thừa di
sản của quá khứ, di sản trong dân gian, trong đời sống xã hội, và trong trí
tuệ. Còn chúng ta đi từ cái đứt đoạn, chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể xóa
bỏ toàn bộ cái cũ để xây dựng lại toàn bộ thế giới mới. Bây giờ chúng ta vỡ
mộng, mới ngả ngửa ra, và buộc phải bắt đầu vun xới lại.
Tôi
cho rằng nếu dùng cái chữ như lâu nay ta vẫn dùng với nhà Nguyễn là “bán nước”
là không công bằng. Nói đúng hơn nhà Nguyễn đã không thực hiện được trách nhiệm
bảo vệ đất nước, và họ phải chịu trách nhiệm về việc mất nước, với tư cách là
lãnh đạo quốc gia. Nhưng các nhà khoa học phải đi sâu nghiên cứu là vì sao họ
đã không thực hiện được trách nhiệm này, để có những bài học cho các thế hệ
hiện tại và sau này.
Chúng
ta có một thời kỳ đối xử hết sức vô lý, gọi là vơ đũa cả nắm. Người vô sản đi
làm cách mạng chả mất gì cả, “nếu mất chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả
thế giới”, còn những ông vua yêu nước đi theo sự nghiệp dân tộc thì mất cả ngai
vàng, mất cả quyền lực, rồi những vinh hoa mà ông ta được hưởng. Nếu không tôn
vinh những vị vua này hơn thì ít nhất cũng phải bằng người vô sản chứ. Nhưng chúng ta một thời đã bị che lấp bởi quan
điểm ấu trĩ, tả khuynh, dẫn đến tình trạng bất công trong xã hội.
Hay
trong những việc triều Nguyễn không làm được như tiến hành công cuộc Duy Tân
như người Nhật Bản, giới nghiên cứu cũng phải cố tìm ra câu trả lời. Muốn Duy
Tân phải có cái nền tảng của nó chứ, mà lúc đó chúng ta làm gì có tầng lớp hữu
sản mà đòi dân chủ, đòi canh tân được như Nhật Bản. Có một lý do nữa là Việt
Nam không làm được là do sống cạnh ông Tàu, phải chọn lối sống đó mới tồn tại
được, còn chọn lối sống khác thì không.
Nhà
Nguyễn tương đối ngắn so với các triều đại khác (nhà Lê hơn 300 năm, Nhà Lý và
nhà Trần trên dưới 200 năm), nhưng nó quan trọng vì nó là cái khớp nối chuyển
từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, thời kỳ thế giới bắt đầu hội nhập
với nhau. Đương nhiên cái hội nhập ban đầu là trong bối cảnh của chủ nghĩa thực
dân bành trướng. Nếu chúng ta không nhận thức được đúng và đủ về giai đoạn lịch
sử này, chúng ta sẽ không giải thích được những di sản để lại cho đến ngày nay,
kể cả cái tốt đẹp lẫn cái bị hạn chế.
Sự
nhìn nhận lại có vai trò gì đối với những thế hệ hiện tại và tiếp theo?
Với
những trường hợp với nhiều vị vua chúa Nguyễn, cũng như quan lại của triều đình
nhà Nguyễn, như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký…, chúng ta đã đối
xử thiếu công bằng. Vấn đề nhận thức đầy đủ hơn không phải là vấn đề giải tỏa
bất công cho nhân vật này, nhân vật kia, bởi điều đó đương nhiên do cái lẽ công
bằng (chúng ta đưa ra mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
mà). Nhưng quan trọng hơn, chúng ta nhận thức được qui luật phát triển của quốc
gia, để nó không bị đứt đoạn trong nhận thức bởi những quan điểm thiếu khách
quan.
Chúng
ta làm được thì thế hệ hiện nay và tiếp theo nhận thức được quá khứ một cách
minh bạch, sáng tỏ hơn, và điều quan trọng người ta sẽ nhìn nhận hiện tại rõ
ràng hơn bởi hiện tại chính là lịch sử, là quá khứ trong tương lai.
Đối
với giới học giả, cuộc hội thảo này có ý nghĩa về một sự nhận thức đầy đủ hơn,
còn đối với toàn xã hội đó là nhận thức về sự công bằng, khách quan, và một cách
nhìn khoa học hơn về những gì mà ông cha để lại, để làm động lực cho phát
triển.
Theo
ông, khi đánh giá về vương triều Nguyễn, Gia Long có phải là nhân vật gây tranh
cãi nhiều nhất không?
Cách
đây khoảng chục năm rồi, có một cuộc hội thảo nhỏ về Gia Long, trong khoảng
thời gian từ 1802 đến khi ông ấy chết. Lập tức, trong con mắt các nhà chính trị, dường như là chúng tôi có ý định phục hồi lại Gia Long. Đó là cách đánh giá đầy mặc cảm
về những hoạt động trong nghiên cứu lịch sử.
Về
Gia Long, nhìn ông ấy với một hệ thống giá trị, phải nói con người này cũng
đầy mâu thuẫn. Đó là một người rất có ý chí và có tài, ở độ tuổi còn rất trẻ,
có lúc đã bị Nhà Tây Sơn đánh cho phải lưu vong ra ngoài, nhưng cuối cùng vẫn
dựng lại cơ đồ. Đương nhiên trong cuộc đấu tranh quyết liệt đó, Gia Long đã
đụng chạm vào một số giá trị của dân tộc. Thí dụ ông đã cầu viện quân Xiêm, và
có ý định cầu viện người Pháp nhưng thất bại, bởi cái hiệp ước mà ta vẫn gọi là
bán nước đó, ký năm 1787, đã không thực hiện được do Cách mạng Pháp bùng nổ hai
năm sau đó (1789). Nhưng mà ông ta vẫn có sử dụng một số lính đánh thuê người
Pháp. Những cái đó về mặt nguyên lý dân tộc, giá trị dân tộc, nó tạo ra sự mặc
cảm rất lớn. Người ta đã có lý khi nói ông ta “cõng rắn cắn gà nhà”. Trong
trường kỳ lịch sử Việt Nam, việc đưa người nước ngoài vào, như Lê Chiêu Thống,
cho dù chỉ để giải quyết mâu thuẫn nội bộ giữa các tập đoàn với nhau, cũng để
lại những mặc cảm lớn.
Ông ta
là người tiêu diệt nhà Tây Sơn, vốn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp thông qua hình
tượng Quang Trung. Nhưng nói cho cùng, nhà Tây Sơn sụp đổ trước hết là tại
chính họ, nhất là sau cái chết của Quang Trung. Chính cái nền tảng thống nhất
mà Quang Trung đã làm được đã bị rạn vỡ bởi chính anh em ông ta. Đó chính là lý
do mà Gia Long thắng được.
Mặt
khác, khi Gia Long lên ngôi thì việc đầu tiên làm là củng cố cái sự nghiệp mà
ông Quang Trung đã bắt đầu là thống nhất quốc gia. Đặt trong bối cảnh sự phát
triển của đất nước thì Gia Long là người có công. Có một nghịch lý rất thú vị
là triều đại nhà Nguyễn với Tây Sơn là “bất cộng đới thiên”, bởi hai tập đoàn
phong kiến này đã đấu tranh với nhau để giành quyền lãnh đạo đất nước, nhưng
khi nhà Tây Sơn bị sụp đổ rồi thì chính nhà Nguyễn lại kế thừa cái sự nghiệp
nhà Tây Sơn để củng cố nền độc lập ấy.
Nếu lịch
sử được đặt trên bình diện công và tội đánh giá thì chúng ta phải công bằng, mà
đừng tuyệt đối hóa một giá trị nào. Biện chứng của đời sống, biện chứng của
lịch sử là như vậy. Đánh giá nhà Tây Sơn cũng thế. Nhà Tây Sơn có vai trò nhất
định trong lịch sử, và đồng thời cũng có trách nhiệm nhất định trong lịch sử.
Theo
ông, với những nhận thức này, bao giờ sách sử, nhất là sách giáo khoa dành cho
học sinh, sẽ có sự thay đổi?
Sách
giáo khoa đòi hỏi tính chuẩn mực rất cao. Nỗ lực của các nhà khoa học là phải
đưa ra luận chứng đầy đủ sự thuyết phục người dân và các nhà quản lý đất nước,
hệ thống chính trị. Một khi nó đã được đồng thuận ở mức độ cao thì nó sẽ được
phản ánh ở chừng mực nào đó trong hệ thống giá trị chuẩn, trong đó có sách giáo
khoa lịch sử. Tôi cho rằng cũng không nên vội vã trong việc này, và chúng ta
nên tạo ra sự điều chỉnh thích hợp và dần từng bước trong giảng dạy, chứ không
nên làm sự đảo ngược ngay. Đối với giới trẻ niềm tin là quan trọng. Không nên
thái quá, cực đoan, bởi trong quá khứ mấy chục năm trở lại đây chúng ta đã có
những bài học về cách nhìn nhận cực đoan, thái quá.
Giới
sử học thu nhận được gì cho mình sau quá trình nhìn nhận, đánh giá lại này, cả
về quan điểm lẫn phương pháp?
Tôi
không quan niệm nhà sử học là một ông quan tòa, mà là ông luật sư thì đúng hơn.
Anh đưa ra dẫn chứng, chứng lý để thuyết phục mọi người. Còn hiểu lịch sử như
một tòa án, tức là nó khắc phục những sai sót để thúc đẩy phát triển. Trách
nhiệm của nhà sử học không phải là lên án, vì toàn bộ hành vi trong lích sử có
lý do lịch sử riêng, và, như thế, họ làm cho lịch sử có tác động tích cực cho sự
phát triển chứ không phải tạo ra sự rối loạn, sự phân tâm, sự hoang mang.
Lịch
sử bản thân nó gắn rất chặt với chính trị. Nhưng nếu lấy nhận thức lịch sử làm
công cụ để nhận thức lịch sử thì điều đó rất dễ bị ai đó lợi dụng trong những ý
đồ khác nhau. Điều đó nằm ngoài mong muốn của các nhà làm sử. Lịch sử quan
trọng nhất là làm thay đổi cách suy nghĩ. Khi anh nhìn về quá khứ sáng tỏ hơn,
thì anh nhìn về tương lai cũng sáng tỏ hơn.
Trước
đây chúng ta bị trói vào những nguyên lý như chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ
nghĩa duy vật biện chứng. Bản thân những phương pháp đó không sai, hoàn toàn
đúng. Nhưng chúng ta gặp vấn đề khi vận dụng, nhất là với mục tiêu phục vụ cho
chính trị. Việc phục vụ chính trị bản thân nó cũng không sai. Nhưng chúng ta đã
sai khi vận dụng những nguyên lý trên một cách cực đoan, không khách quan, và
nói đúng hơn là giáo điều. Chúng ta đã mang cái của thiên hạ vào, và lẽ ra phải
tiếp nhận nó như một phương pháp thì chúng ta đã tiếp nhận nó như một định đề.
Việc
nghiên cứu về nhà Nguyễn nó không chỉ giải đáp những vấn đề khoa học thuần túy
về lịch sử, mà quan trọng nhất là tạo ra một nhận thức xã hội. Tại sao nhiều
người quan tâm tới những hội thảo về chủ đề này, kể cả các nhà nghiên cứu nước
ngoài và các nhà khoa học Việt Kiều? Bởi mọi người đều quan tâm đến việc thúc
đẩy đất nước phát triển. Mà muốn thúc đẩy phát triển chúng ta phải hóa giải
được nhiều vấn đề quá khứ. Có lẽ thế kỷ 20 là thế kỷ mà đất nước chúng ta chứng
kiến nhiều sự thay đổi quá lớn, quá mạnh mẽ, mà không có thế kỷ nào có được. Cho nên tầng tầng lớp lớp những vấn đề quá khứ
bị tích tụ lại, và chúng ta phải cố gắng tạo ra cái điểm khơi thông lại, để
từng bước làm cho dòng chảy lịch sử nó trở nên đúng qui luật.
Với
những cái bầu không khí chính trị thuận lợi hơn và nhận thức trong xã hội, nhất
là trong giới lãnh đạo, đã cởi mở hơn, liệu có thúc đẩy quá trình nhận thức,
đánh giá lại giai đoạn lịch sử hiện đại một cách đầy đủ và khách quan hơn?
Theo
tôi lích sử nó là một thể thống nhất, đừng tách ra. Tôi cho nhận thức thay đổi
quan trọng nhất là nhận thức về phương pháp tư duy, sau đó mới đến nhận thức cụ
thể, bởi xã hội là một cái gì đó hết sức phức tạp. Cho nên nếu chúng ta không
thống nhất với nhau về phương pháp thì hệ quả của nó rất phức tạp, bởi nó sẽ
động chạm. Thí dụ, đối với con cháu nhà Nguyễn, họ chỉ nhìn đây là việc giải
oan, và điều đó rất chính đáng. Còn đối với các nhà chính trị, có người nghĩ
rằng đây là sự sám hối.
Trong
quá trình nhận thức đúng là có nhiều lực cản. Chẳng hạn, đánh giá giai cấp địa
chủ, chúng ta có cải cách ruộng đất, mà về nguyên lý chúng ta đã thừa nhận là
sai lầm. Nhưng những uẩn ức cụ thể trong thực tế chưa giải quyết được nhiều.
Chúng ta nên hóa giải nó, thay vì kích động. Bản thân người dân cũng hiểu rằng
đây là việc khó tránh trong lịch sử, với bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó. Nhưng, mặt khác, đương nhiên cũng phải có những người phải đứng ra chịu trách nhiệm về
sai lầm đó.
Xin
cảm ơn ông!
Huỳnh
Phan (thực hiện)