Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Không có cam kết từ nhà tài trợ lớn nhất


Hội nghị CG 2008: Không có cam kết từ nhà tài trợ lớn nhất 
Văn phòng JICA ở Tanzania đã tổ chức cho Tiến sĩ Adelhelm J. Meru, Tổng Giám đốc phụ trách các khu chế xuất của Tanzania, sang Việt Nam lần này với hai mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất là học hỏi kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật sao cho hiệu quả nhất, bởi quốc gia Đông Nam Á này, theo TS Meru, được coi là rất thành công trên khía cạnh này. Thứ hai là cố gắng thu hút đầu tư vào các khu chế xuất của ông.
Ông có thể hài lòng bước đầu với mục tiêu thứ hai, bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có ý định đi tìm thị trường mới, trong bối cảnh những thị trường truyền thống và thị trường nội địa bị thu hẹp do suy thoái kinh tế. Nhưng khó có thể nói ông không khỏi ngỡ ngàng khi được nghe bài phát biểu của Đại sứ Nhật bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba tại phiên khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ vào sáng 4/12 vừa rồi.
PCI làm khó ODA 
Đại sứ Sakaba nói: “Sẽ khó để lấy lại sự ủng hộ từ công chúng Nhật Bản thúc đẩy viện trợ thêm cho Việt Nam, và chúng tôi không thể hứa những khoản vay bằng đồng yên mới cho đến khi Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước thực hiện các giải pháp chống tham nhũng có ý nghĩa và hiệu quả.”
Thông điệp của người đại diện cao nhất của chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam đã rõ ràng: Họ chờ những động thái mạnh mẽ hơn từ phía Việt Nam trong  việc xử lý vụ tai tiếng tham nhũng trong dự án Đại lộ Đông Tây, trong đó các quan chức bị đưa ra tòa xét xử của Công ty Tư vấn Quốc tế Thái bình dương (PCI) đã khai ra số tiền hối lộ cho trưởng ban quản lý dự án này là ông Huỳnh Ngọc Sĩ ít nhất là 820 ngàn USD.
Còn nhớ, ngay sau khi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan điều tra kết luận vụ việc hối của công ty PCI liên quan đến ông Sĩ, các cơ quan truyền thông của Nhật đã đồng lọat đưa tin, coi đây là dấu hiệu của việc khởi tố vụ án và sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Báo Yomiuri đã bình luận rằng “yêu cầu điều tra của viện Công tố khu vực Tokyo đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã không được phía Việt Nam tích cực phối hợp, nhưng hôm qua họ đã bắt đầu cuộc điều tra”. Báo Mainichi thì hy vọng rằng “cơ quan điều tra Việt Nam sẽ tiến hành việc này một cách nhanh chóng”.
Cũng vào thời điểm đó, theo một chuyên gia Nhật Bản tại Hà Nội, đề nghị được giấu tên, quyết định này của phía Việt Nam, được đưa ra trước hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ khoảng 2 tuần, sẽ giúp chính phủ Nhật Bản dễ dàng hơn trong quyết định tiếp tục cam kết ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009. “Nhiều khả năng cam kết cho năm tới sẽ giảm, do suy thoái kinh tế của Nhật Bản. Nhưng nếu không có động thái vừa rồi của phía Việt Nam, số tiền cam kết sắp tới chắc chắn sẽ giảm sút nghiêm trọng”, chuyên gia nói trên bình luận.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi sang làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam về vụ PCI cách đây hai tháng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kitera Masato đã yêu cầu phía Việt Nam bắt ông Huỳnh Ngọc Sĩ để điều tra và đưa ra các biện pháp chống tham nhũng liên quan đến các dự án ODA. Đó là những điều kiện cơ bản cho việc chính phủ Nhật Bản tiếp tục cam kết các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam, cũng như giải ngân tiếp tục những dự án ODA mà cũng trong khoảng thời gian này phía Nhật đã yêu cầu phía Việt Nam ngừng giải ngân.
Thế nhưng, động thái tiếp theo mà dư luận, công luận và chính phủ Nhật chờ đợi lại không diễn ra, chí ít là tính đến thời điểm đại diện của Việt Nam và Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán ODA. Không có lệnh khởi tố nào được công bố, không có ai bị bắt để thẩm vấn, phục vụ điều tra.
Chỉ có một thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhập viện vì đột quị, mà sau đó tờ Văn hóa – Thể thao số ra ngày 5/12 đã phủ nhận.  Báo này đã dẫn lời cô con gái của ông Sĩ trả lời qua điện thoại ngày 23/11 (4 ngày sau khi ông bị đình chỉ chức vụ) rằng “ba tôi hoàn toàn khỏe mạnh”.
Thêm vào đó, sự im lặng của người phát ngôn Bộ Công an, cũng giống như trong vụ PMU 18, đã không giúp khẳng định được quyết tâm của Thủ tướng khi trả lời trước quốc hội, cũng như trước các nhà tài trợ sau đó, ngoài việc, vô hình trung, tạo thuận lợi có lợi cho các bị cáo Nhật tự bào chữa rằng “họ đã hành động vì hoàn cảnh ép buộc”. Các quan chức PCI đã khai trước tòa rằng “ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã đòi lại quả 15% giá trị dự án, và họ đã phải mặc cả xuống 10%”.
Bình luận về quyết định này của Đại sứ Nhật, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình nói: Tuyên bố của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam là thể hiện quyết tâm của họ muốn làm đến nơi đến chốn. Nhật đã giúp ta các dự án mà các nước khác không giúp được, như các dự án cơ sở hạ tầng. Nhật rất tự hào vì họ giúp đỡ được Việt Nam như vậy.”
Cam kết viện trợ ODA đã bị ngừng lại, theo như tuyên bố của Đại sứ Nhật, cho thấy, có lẽ, niềm tự hào của người Nhật trong quan hệ với Việt Nam đã bị tổn thương nặng.   
Những nguồn hy vọng khác?
Trong giờ giải lao, ngay cả sau khi đã nghe tuyên bố của Đại sứ Nhật, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc vẫn cứng cỏi nói với Nhịp Cầu Đầu Tư: “Năm nay, chúng ta vẫn hy vọng nhận được cam kết xấp xỉ năm trước”.
Có thể, ông Phúc muốn diễn giải rằng phía Nhật mới tạm treo cam kết ODA của họ để cảnh cáo, và khi nào cơ chế phối hợp chống tham nhũng giữa hai bên được thực hiện, là họ lại nới hầu bao ngay. Đằng nào thì cũng chẳng giải ngân được cam kết trong ngày một ngày hai. Có thể ông cũng hy vọng các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á, hay tập hợp các nhà tài trợ song phương EU, sẽ chí ít giữ nguyên cam kết, hay bổ sung phần nào cho khoản thiếu hụt cả tỷ USD từ nhà tài trợ lớn nhất cho đến nay là Nhật Bản.
Ông cũng có lý khi các nhà tài trợ đa phương như WB và ADB không phải chịu những sức ép như Nhật Bản đã phải chịu từ những người đóng thuế và đại diện chân chính của họ là quốc hội.
Hơn nữa, WB đã từng “thoát hiểm” ngoạn mục cách đây hai năm, khi điều tra từ phía Việt Nam kết luận rằng trong vụ PMU 18 những kẻ tham nhũng đã chưa đủ “liều lĩnh”, hay vẫn quá đủ “khôn ngoan”, để rút tiền của nước ngoài để đi đánh bạc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trước WB và qua đó khép lại cánh cửa của két bạc này.
Trong khi đó, các dự án của ADB chưa gặp tai tiếng gì gọi là lớn cho tới nay. Hơn nữa, nhiều dự án hạ tầng của ADB tại Việt Nam nằm trong một chiến lược lớn liên kết hành lang Đông – Tây, hoặc kết nối trục Nam Bắc giữa Trung Quốc và ASEAN, chứ không riêng gì Việt Nam hưởng lợi.
Đối với các nhà tài trợ từ châu Âu, ngoài việc đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tính minh bạch trong thực hiện các dự án ODA, và một phần nào đó với tư cách một khối thống nhất là cải thiện dân chủ - nhân quyền, họ cũng chưa gặp những rắc rối như người Nhật. Lý do là các dự án do các nước EU tài trợ tập trung nhiều vào xóa đói giảm nghèo, hay trong các lĩnh vực xã hội.
“Các dự án của Ai len tại Việt Nam cho đến nay vẫn được thực hiện tốt, chứ không như người Nhật, bởi các dự án hạ tầng thực sự là phức tạp”, Đại sứ Ai Len tại Việt Nam Maeve Collins nhận xét với NCĐT bên lề hội nghị.
  Với tư cách người được chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì đàm phán ODA của phía Việt Nam, ông Võ Hồng Phúc vẫn phải nói theo quan điểm “còn nước còn tát”. Nhưng, thực sự, tát được đến đâu thì hoàn toàn nằm ngoài quyền hạn của ông.     
Huỳnh Phan (Nhịp cầu Đầu tư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét