Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Phở, Vịnh Hạ long và ngoại giao văn hóa


Phở, Vịnh Hạ long và ngoại giao văn hóa
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã tìm ra một trọng tâm mới cần tập trung thúc đẩy trong nhiệm kỳ của mình, ngoài nhiệm vụ ngoại giao chính trị truyền thống, và ngoại giao kinh tế đã có biểu hiện chững lại do sự “lệch pha” với các cơ quan khác. Đó là ngoại giao văn hóa.

Đại sứ quảng bá phở

Thành công trong việc mang những nét hiện đại của thời hội nhập vào món phở truyền thống và khẳng định thương hiệu Phở 24 của mình tại Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, ông Lý Quý Trung lại mang món ăn thuần Việt này sang giới thiệu ở nước ngoài như Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, hay Singapore.
Buổi khai trương nhà hàng Phở 24 thứ 2 ở Singapore, nằm trên đường Upper Thomson, đã diễn ra vào ngày 21/12 vừa rồi với sự khác biệt hoàn toàn. Người PR cho món phở, trước gần chục quan chức là đại diện cho hai bộ du lịch và công nghiệp thực phẩm Singapore, cùng các doanh nghiệp nước này, lại là đích thân Đại sứ Việt Nam tại quốc đảo này Nguyễn Trung Thành.
Trong hơn 10 phút đồng hồ, thay vì cầm một bản diễn văn được chuẩn bị sẵn, ông Thành đã giới thiệu “vo” bằng tiếng Anh về phở, với những nét thanh tao, tinh tế mà vẫn “chất” của văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong sự so sánh với các món ăn Ấn (quá cay), Tàu (quá nhiều dầu) đang chiếm lĩnh thị trường ẩm thực nước này.
Sự sinh động trong việc giới thiệu cách hầm xương làm nước dùng, được coi là tinh túy, là phần hồn của món phở, sao cho thật trong mà vẫn ngọt và thơm, đã được ông đại sứ giới thiệu không phải với “cẩm nang của Phở 24”, mà bằng chính kinh nghiệm và sự kỳ công của vợ ông trong những dịp tiếp những người khách nước ngoài của ông.
Câu chuyện ông kể về một lần bà vợ ông đã phải mất 6 tiếng đồng hồ nấu lại một nồi nước dùng khác, sau khi cô con gái đã vô ý để lửa hơi to khi ninh xương làm nồi nước dùng đầu tiên hơi bị vẩn đục, đã khiến các vị khách mời đặc biệt chú ý đến việc thưởng thức nước dùng khi được mời ăn thử phở sau đó. “Họ múc thìa nước phở cho lên mũi hít hít, khi húp không nuốt ngay mà ngậm lại trong một thoáng trầm ngâm, rồi gật gù, cứ y như thử rượu vang vậy”, ông Nguyễn Á Phi, một cán bộ Vụ Văn hóa Unesco (Bộ Ngoại giao) kể lại.
Ông Lý Quí Trung hy vọng rằng trong kỳ khai trương nhà hàng tiếp theo ở Singapore vào đầu năm tới, những vị đại sứ nước ngoài, do ông đại sứ Thành đứng ra mời giúp, cũng sẽ có mặt để thưởng thức và quảng bá phở 24 cho các công dân nước họ đang làm ăn tại Singapore, chứ không như lần vừa rồi họ về nước đón Giáng sinh và Năm mới hết.

Phát động bầu chọn Vịnh Hạ long

Hai ngày sau khi giúp quảng bá Phở 24 tại Singapore, Bộ Ngoại giao lại tham gia vào một sự kiện văn hóa khác, khi phối hợp cùng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và UBND Quảng Ninh tổ chức lễ phát động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới tại Khách sạn Sheraton (Hà nội).
Bộ Ngoại giao, với một mạng lưới các đại sứ quán và tổng lãnh sự quán trên thế giới, và mối quan hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam vươn tay tới những lá phiếu ủng hộ của đa số kiều bào tại nước ngoài, bạn bè người nước ngoài của họ, cũng như người nước ngoài yêu mến Việt Nam.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Unesco, bên cạnh những brossure, đĩa VCD, giới thiệu về Vịnh Hạ Long bằng nhiều thứ tiếng đang được chuẩn bị in để chuyển ra các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài làm tài liệu tuyên truyền, Bộ Ngoại giao đang chuẩn bị xuất bản sách ảnh về Hạ long để mang đi tặng trong những dịp lãnh đạo cao cấp của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2008 này.
Được biết, nhiều khả năng bộ sưu tập ảnh mới nhất về Vịnh Hạ long, trong đó có những phát hiện mới về địa tầng, được hai nhiếp ảnh gia là Dương Minh Long và Quang Anh bỏ ra hai tháng trời đi khắp các hang động để chụp, sẽ được chọn để in sách cho mục đích trên.      

Ngoại giao văn hóa

Một nét mới trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm là ngoại giao văn hóa. Theo đó, bất kỳ họat động đối ngoại nào cũng phải có 3 đề án chuẩn bị về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Bộ Ngoại giao đã có những vốn liếng nhất định khi quyết định tham gia vào lĩnh vực này, khi trong 2 chuyến thăm của Chủ tịch nước đi Mỹ và đi Nhật trong năm 2007 họ đã kịp tổ chức trong thời gian rất ngắn hai họat động tương đối có hiệu quả là “Triển lãm văn hóa lúa nước” và Chương trình biểu diễn nhã nhạc.
Theo ông Phạm Sanh Châu, họat động ngoại giao văn hóa, bên cạnh việc giúp các họat động văn hóa của các bộ ngành, địa phương được tổ chức ở bên ngoài, như tổ chức các sự kiện văn hóa cùng với hội chợ triển lãm, Bộ Ngoại giao sẽ trực tiếp tham gia cùng tổ chức các họat động văn hóa nước ngoài tại Việt Nam giúp cho các nước tổ chức họat động văn hóa ở Việt Nam.
Sự kiện văn hóa lớn nhất mà Vụ Văn hóa Unesco của ông Châu trực tiếp tham gia là cùng phía Nhật tổ chức một đại nhạc hội Nhật – Việt vào cuối tháng 5 tới, nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Được biết đại nhạc hội này sẽ có sự tham gia của 8 ca sĩ Nhật và ngần ấy ca sĩ Việt Nam cho 2 đêm biểu diễn tại Hà Nội và TP HCM.
Theo ban tổ chức, đây là một dịp rất tốt để quảng bá ngay tại chỗ hình ảnh của Việt Nam, trong đó có các ca sĩ, sang Nhật. Bởi ngoài việc thu đĩa CD các bài hát của ca sĩ để quảng bá tại cả nước, những hình ảnh của đại nhạc hội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình và chuyển cho phía Nhật phát lại. Ngoài ra, hãng truyền hình NHK của Nhật cũng có kế hoạch cử 2-3 nhóm quay phim vào để làm tin thời sự liên quan đến họat động này.
“Đối với các sự kiện văn hóa tổ chức năm nay bên Nhật, chẳng hạn, chúng tôi sẽ không làm rầm rộ một đợt, kiểu “no dồn, đói góp”. Có thể từng địa phương kết nghĩa sẽ thay nhau tổ chức Những ngày Việt Nam ở Nhật. Hoặc chỉ mỗi việc ông Dương Trung Quốc nói về phố cổ, hay nhạc sĩ Trần Văn Khê nói về âm nhạc Việt Nam, cũng có thể coi là những sự kiện độc lập”, ông Châu “bật mí”.        
“Chúng tôi sẽ không đi vào lối mòn như trước, mà sẽ được tổ chức sao cho có hiệu quả nhất, thậm chí ít tốn ngân sách nhất. Bởi tại sao lại không xã hội hóa những họat động này nhỉ?”, ông Châu đặt vấn đề.
Và ông hoàn toàn có lý, khi Bộ ngoại giao đã khá có kinh nghiệm trong việc xã hội hóa việc tuyên truyền quảng bá cho Tuần lễ APEC 14 với sự tham gia của các doanh nghiệp, hay “Triển lãm văn hóa lúa nước” bên Mỹ cũng do doanh nghiệp tài trợ. Ngay bản thân Lễ phát động bầu chọn Vịnh Hạ Long hôm 23/12 vừa rồi cũng do hãng rượu Hennessy tham gia tài trợ. 

Lưu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét