Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Nước rút đi, nỗi lo còn lại


Nước rút đi, nỗi lo còn lại
Trận lụt lịch sử ở Hà Nội đã gần như đi qua, để lại nhiều bài học cho chính quyền và người dân ở cái nơi được coi như có trình độ phát triển và văn mình nhất nhì đất nước trong việc ứng phó với thiên tai bất thường. Và những bài học này không chỉ nằm ở công tác cứu trợ trong lúc mưa lụt, mặc dù nó liên quan trực tiếp tới sinh mệnh con người. Chẳng gì thì cũng đã có hơn hai chục người đã thiệt mạng ngay giữa Thủ đô.

Câu chuyện hai bà cháu bà bán nước
Bà Nguyễn Thị Nhiên, có quán nước trà trên đường Thái Thịnh, quận Đống  Đa, ra Hà Nội làm dâu từ năm 20 tuổi. 50 năm qua bà đã chứng kiến đủ những đổi thay ở thành phố này. Những hồ ao, ruộng rau muống được thay thế dần bởi những đường phố mới, khu những chung cư,  hay những tòa cao ốc...
Nghề làm thuyền thúng của làng Sái quê bà, thuộc xã Quảng Minh, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ, Hà Nội mới), cũng mai một dần theo quá trình đô thị hóa ở Hà Nội. “Ngày xưa, khu Thái Thịnh này, rồi Hồ Tây, Thanh trì… toàn mua thuyền thúng của làng tôi để giăng lưới bắt cá, hay hái rau. Cả làng tôi hồi đó chỉ làm mỗi nghề đan thuyền nan”, bà Nhiên kể lại, và cho biết thêm cả làng nay chỉ còn 1-2 nhà đan thuyền, còn chuyển sang nuôi lợn, hay làm thuê linh tinh. 
Nhìn cảnh Hà Nội lụt như mấy ngày vừa rồi, bà Nhiên lại thấy tiếc cái nghề đan thuyền nan của làng mình. “Giá mà có nhiều thuyền thúng để mang hàng đi cứu trợ cho người dân bị cách ly trong các khu bị ngập lụt có phải tốt không, các bác nhỉ? Tôi nghe nói có những người phải mua gói mỳ tôm với giá 20-30 ngàn đồng”, bà chép miệng.
“Bà già lầm cẩm cứ hay lo. Không có thuyền nan thì đã có thuyền tôn, thuyền cao su. Chỉ có điều họ có muốn cứu trợ cho dân như các tỉnh khác họ vẫn làm khi có lũ lụt hay không thôi, bà ơi”, người cháu trai trong quê ra lấy nước gạo góp chuyện.
Vai trò chính quyền, đoàn thể
Mặc dù chính quyền Hà Nội đã tuyên bố về cơ bản Hà Nội đã hết lụt, nhưng có một khu vực cách Hồ Hoàn Kiếm chỉ dăm cấy số vẫn còn có cả ngàn hộ dân sống trong nước ngập. Đó là phường Ngọc Thụy, huyện Gia lâm, nơi cách đây dăm bảy năm luôn xuất hiện trong các trang báo, hay trang web buôn bán nhà đất. Thế mà suốt cả một tuần cái nơi mà mực nước lúc cao nhất đạt mức 1,5-2 mét này hoàn toàn bị lãng quên cả trong các báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, lẫn trên hệ thống truyền thông đại chúng.
“Nếu thời tiết thuận lợi, không mưa nữa, tôi đảm bảo rằng nước sẽ rút hết khỏi phường Ngọc Thụy sau một tuần nữa”, ông phó Chủ tịch phường Nguyễn Nam Chính nói với NCĐT vào tối thứ 5 vừa rồi.
Sở dĩ có chuyện như vậy, bởi cái phường năm sát chân đê sông hồng và có diện tích bằng cả quận Hoàn Kiếm này chỉ có một cống thoát nước duy nhất phía dưới đường tàu hỏa (chạy qua cầu Long biên), còn hệ thống bơm nước phía sông Đuống chỉ được thiết kế để phục vụ tưới (cho nông nghiệp) mà không tiêu. Một lý do nữa là hệ thống ao hồ vừa bị người dân lấp đi bán đất, vừa bị chính quyền chủ động cho lấp để bán lấy tiền phát triển hạ tầng.
Ông Chính giải thích rằng cống thoat chậm là do quá nhỏ và bị tắc. Nhưng người dân ở Ngọc Thụy không nghĩ vậy.
Ông Nguyễn Á Phi, một cư dân ở đây, nói: “Chúng tôi được biết cống xả nước từ Ngọc Thụy sang khu vực phường Ngọc Lâm có đường Nguyễn Văn Cừ được mở rất nhỏ là để giải phóng ách tắc cho khu Ngọc Lâm có đường Nguyễn Văn Cừ nối Hà Nội với quốc lộ 5 và quốc lộ 1A. Người dân chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho mạch máu giao thông quan trọng này, cũng như hệ thống nhà máy, khu công nghiệp bên đó. Nhưng ít nhất đại diện chính quyền quận phải có một lời hỏi thăm, hay động viên chúng tôi, chứ đằng này chẳng thấy bóng dáng họ đâu.”
Mặc dù vẫn cố tiến hành một cuộc họp đã lên lịch trước về một vấn đề đã hết nóng là tôn giáo vào sáng 1/11, khi nước bắt đầu dâng cao, cuối cùng các lãnh đạo thành phố đã đến một số điểm nóng để chỉ đạo cứu lụt. Sự có mặt của họ, kéo theo giới truyền thông, chí ít cũng cho người dân thấy họ không đơn độc, và cũng cho thấy sự sẵn sàng đối phó những tình huống khẩn cấp như thế này được chuẩn bị như thế nào.
Thế nhưng, nhiều thuộc cấp của họ, nhất là ở cấp phường đã từ chối cái cơ hội thể hiện vai trò của mình với dân.
Chị Mai Thị Hạnh, thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, một trong những điểm bị ngập nặng nhất ở Hà Nội, cho biết: “Tôi sống ở đây đã gần 20  năm rồi, và chưa bao giờ chúng tôi thiếu bất cứ khoản đóng góp nào mà phường yêu cầu giúp đỡ bà con các nơi khi gặp thiên tai. Nhưng, khi chúng tôi bị ngập trong nước và ngày nào cũng phải bỏ 60 ngàn đồng thuê thuyền ra chợ mua thực phẩm, thì chẳng thấy chính quyền, đoàn thể đâu. Họ tồn tại để làm gì, hay chỉ để thúc dân thực hiện nghĩa vụ nọ, nghĩa vụ kia thôi?”
Còn ở khu vực đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, những người đại diện tổ dân phố phải tự đi từng nhà kêu gọi nhà nọ san sẻ nước sạch, lương thực dự trữ cho nhà kia. Họ chỉ thấy mặt cán bộ phường sau 5 ngày, khi nước đã gần rút hết, để nhận chỉ thị huy động dân đi thu dọn rác thải.
Một điều đáng lưu ý nhất là hệ thống loa phường ở Hà Nội, vốn nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất hiện trên truyền thông quốc tế như một công cụ tuyên truyền hữu hiệu ở cấp cơ sở, đã hầu như tắt tiếng ngay sau khi trời đổ mưa.
“Chính lúc này người dân cần thông tin về thời tiết, nhất là ở những nơi bị cắt điện không xem được ti vi, rồi chỉ dẫn về những đoạn đường ngập nặng để người dân tránh không đi. Chứ còn lúc bình thường, mọi tin tức, chủ trương chính sách chúng tôi đều có thể biết qua đài báo được”, ông Đỗ Trung Tân, một bí thư chi bộ ở phường Trung Hòa, bức xúc nói.
Sức khỏe đô thị quan trọng hơn diện mạo bên ngoài
Kiến trúc sư Việt Kiều Bùi Kiến Quốc, người đã có nhiều góp ý sắc sảo cho việc qui hoạch phát triển đô thị ở Việt Nam, nói: “Trận lụt vừa rồi đã cho thấy rõ sự quan tâm lệch lạc của chính quyền đô thị ở Việt Nam. Họ coi trọng phát triển bề nổi, bề ngoài với các tòa nhà, mà không để ý tới những những gì đang diễn ra trong cuộc sống đô thị”.
Ông Quốc cho rằng, đô thị giống như một cơ thể sống, nó có một số thành phần. Về ngoại hình, hay còn gọi là phần sĩ diện, phần giới thiệu ra bên ngoài, người ta thấy, thành phố có thể đẹp với hóa trang, hay nhuộm tóc vàng, tóc đỏ… Nhưng phần trong là trái tim, hệ thống mạch máu, thần kinh, nó quyết định cơ thể sống đó có khỏe mạnh, lành mạnh hay không. Vấn đề hệ thống giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện…, theo ông Quốc, thuộc về mạch máu. Khi mạch máu yếu mà không được chăm sóc, thì có sự cố sẽ dẫn tới vỡ tim, hay thiếu máu lên não, tức là tác động xấu đến văn hóa đô thị.
Ông Quốc đưa ra một giả thiết rằng nếu hai năm nữa, khi Hà Nội kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, có một trận mưa tương tự, sẽ chẳng có người dân nào đi xem hội, và bao nhiêu công trình chuẩn bị cho lễ hội sẽ lại bị ngập và phá hủy trong nước.
“Cơ thể khỏe mạnh, có dư tiền mà trang điểm càng hay. Nhưng nếu phải lựa chọn một trong hai, chính quyền Hà Nội nên ưu tiên tới sức khỏe. Mạch máu lưu thông, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, tự nó tạo ra vẻ đẹp tự nhiên. Chứ son phấn đắp lên cái mặt thiếu máu, một trận mưa là trôi tuột hết”, ông Quốc kết luận.
 Lưu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét