Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Người tìm cha cho con lai Nhật


Ngày 24.02.2010, 10:10 (GMT+7)
Sống trên đất Việt
Người tìm cha cho con lai Nhật
SGTT - Sống và làm việc ở Việt Nam gần 20 năm nay, bà Komatsu Miyuki (ảnh) quyết định đưa mẹ sang Hà Nội, tiện chăm sóc cụ vào những năm tháng cuối đời, để ở lại Việt Nam luôn.
Cách đây vài năm, hãng sản xuất truyền hình Nihon Denpa News (NDN) quay một chương trình 30 phút về gia đình bà Komatsu Miyuki, người hiệu đính cho chương trình phát thanh tiếng Nhật của đài Tiếng nói Việt Nam. Theo ông Trần Huy Công, đại diện NDN tại Hà Nội, một người cao tuổi ở Nhật sang sống ở Việt Nam là một điều đặc biệt, nhưng, sự gắn bó với Việt Nam của Komatsu còn đặc biệt hơn.
Người bạn thân thiết của những gia đình Nhật lai
 
Đã nhiều năm nay, mỗi lần Trần Ngọc Sơn, người đàn ông Việt lai Nhật, chuẩn bị từ Phú Thọ về Hà Nội chơi, anh lại gặp Komatsu Miyuki, cô giáo cũ người Nhật của mình. Câu chuyện được thể hiện giữa vốn tiếng Nhật bập bõm, còn sót lại sau 15 năm, của cậu học trò và kho từ vựng tiếng Việt khá hạn chế của cô giáo người Nhật. Nhưng điều đó không cản trở tình bạn giữa Sơn, người coi cô giáo cũ là sợi dây liên lạc vô hình với người cha đã bặt vô âm tín của ông, và Komatsu, người gần 20 năm nay, bằng nhiều cách đã góp phần không nhỏ phục dựng một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch về thế hệ người Việt Nam mới và gia đình họ.
Sang Việt Nam để dạy tiếng Nhật, khi trò chuyện với học trò của mình, Komatsu phát hiện ra có những người đi học với mục đích qua Nhật tìm cha. Qua từng câu chuyện, hay những tấm ảnh họ còn lưu giữ, tìm hiểu thêm tư liệu ở thư viện, kho lưu trữ, cũng như tự rong ruổi đường trường trong suốt nhiều năm, đến tận Hải Phòng, Thái Nguyên, hay Phú Thọ, Komatsu tìm ra khoảng 20 gia đình có số phận như vậy.
Có những người, như bà Nguyễn Thị Xuân ở Đông Anh (Hà Nội), cách đây mấy năm đã được gặp lại người chồng Nhật của mình sau gần nửa thế kỷ chờ đợi. Có những người, như bà Nguyễn Thị Lộc ở Hà Nội, được con gái riêng của người chồng quá cố sang thăm, và cho biết trước khi chết ông đã ôm tấm ảnh chụp với mẹ con bà trước khi rời Việt Nam về Nhật.
Còn những người như Trần Ngọc Sơn, tuy đến giờ vẫn chưa gặp được người cha, vẫn tìm được sự an ủi, bù đắp về tinh thần. “Mỗi lần nói chuyện với Komatsu, tôi lại cảm thấy tự hào về những đóng góp của cha tôi cho quân đội Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thay vì sự tủi nhục suốt cả một thời thơ ấu và tuổi thanh xuân, khi người ta coi anh em chúng tôi là con phát xít Nhật”, Trần Ngọc Sơn tâm sự.
Gần 10 năm đi tìm chiếc chuông cổ
Sang Việt Nam từ đầu những năm 90, thực ra, Komatsu đã gắn bó với Việt Nam trước đó hơn một thập kỷ. Năm 1977, với tư cách là hội viên hội Hữu nghị Nhật – Việt, Komatsu đã tham gia phong trào quyên góp tiền mua quả chuông cổ, do giáo sư sử học Watanabe khởi xướng. Chuông này do một sĩ quan Nhật cướp từ chùa Ngũ Hộ (Bắc Ninh), trong thời gian quân đội Nhật đóng quân ở đó, mang về Nhật bán cho một hiệu đồ cổ.
Năm 1993, Komatsu nhận được thư của GS Watanabe, nhờ hỏi về quả chuông. Ông muốn biết sau 25 năm, số phận quả chuông ra sao, liệu nó có được trả về ngôi chùa cũ như ước nguyện của ông và những người bỏ tiền ra chuộc quả chuông.
“Chẳng ai biết quả chuông nằm đâu, và, vì vậy, suốt gần mười năm, hễ có lúc thuận tiện, là tôi lại sục vào các bảo tàng, chùa chiền, rồi gặp những người có liên quan đến sự kiện đón nhận quả chuông vào năm 1978 để hỏi han. Thậm chí, có lần chị Minh Hà ở đài Tiếng nói Việt Nam bảo rằng nghe nói có một quả chuông cổ ở một ngôi chùa ở TP.HCM, tôi đã bay ngay vào, nhưng rồi lại thất vọng”, Komatsu nhớ lại.
Chỉ đến năm 2002, khi phó giáo sư sử học Nishimura, người nghiên cứu khá sâu về Việt Nam và có mối quan hệ khá rộng ở Việt Nam, giới thiệu Komatsu lên gặp ông Lê Viết Nga, giám đốc bảo tàng Bắc Ninh, nỗ lực không mệt mỏi của Komatsu mới được đền đáp. Komatsu tìm thấy quả chuông tít trong góc kho của bảo tàng quan họ, nằm sau một cái tủ, bụi phủ đầy.
“Nếu không có người thủ kho đứng đó, chắc tôi đã oà khóc, vì thấy tủi cho quả chuông. Tại sao những người Nhật như GS Watanabe, như chúng tôi, đã trân trọng quả chuông như thế, mà những người Việt Nam lại coi rẻ nó như vậy”, Komatsu bùi ngùi nhớ lại. Hoá ra, những người làm công tác bảo tàng đó không biết đọc chữ Hán, nên mù tịt về lai lịch của quả chuông.
Komatsu nói rằng điều bà cảm thấy vui nhất là năm ngoái, một số người quen của GS Watanabe sang dự đại hội Luật gia dân chủ thế giới tại Việt Nam, được bà đưa tới thăm bảo tàng Bắc Ninh, và chụp ảnh với quả chuông, nay đã được đưa ra trưng bày. “Tôi nghĩ, khi nhìn thấy những tấm ảnh đó, giáo sư có thể thanh thản nhắm mắt”, Komatsu nói.
bài và ảnh Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét