Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Tăng vị thế bên ngoài – gỡ khó khăn bên trong


Ngày 18.11.2009, 09:30 (GMT+7)
Tăng vị thế bên ngoài – gỡ khó khăn bên trong
SGTT - Nhằm tận dụng lợi thế là cửa ngõ của Đông Nam Á, một khu vực còn giữ được sự tăng trưởng khả dĩ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tích cực triển khai đối ngoại ở cấp cao trước thềm năm 2010, khi Việt Nam trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN. Những chuyến trao đổi ngoại giao cấp cao dồn dập kể từ đầu tháng 11 đã chứng tỏ điều đó.
Nhiều hãng tàu có ý định chọn Việt Nam làm nơi chuyển tải hàng đi châu Âu và Mỹ. Trong ảnh: cảng container trung tâm Sài Gòn mới đưa vào hoạt động. Ảnh: TL
Trong bài phát biểu tại diễn đàn “Các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp nổi tiếng” với chủ đề “Việt Nam – đối tác vì phát triển và tiến bộ” ở Singapore hôm 17.11, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam xác định các trọng tâm ưu tiên, bao gồm góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác”.
Với tư cách chủ tịch ASEAN từ đầu năm tới, Việt Nam sẽ là nước điều phối quan hệ của khối này với các đối tác đối thoại, trên các diễn đàn quan trọng như ASEAN+3, ARF, hay hội nghị thượng đỉnh Đông Á, hay phần nào đó trong khuôn khổ hợp tác Á – Âu (ASEM). Tuy việc đàm phán một khu vực tự do thương mại EU – ASEAN đã không thuận lợi, và EU đã tỏ ý muốn đàm phán riêng lẻ với từng nước, nhưng với những tiến triển gần đây về chính trị ở Myanmar, dường như đã có những dấu hiệu khả quan hơn cho việc tái khởi động lại quá trình này. (Việt Nam, với tư cách chủ nhà ASEM 2004, đã chứng tỏ khả năng làm dịu căng thẳng giữa Myanmar và EU).
Lãnh đạo các nước, từ châu Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, hay từ châu Á như Hàn Quốc, đều khẳng định vị trí cửa ngõ vào Đông Nam Á của Việt Nam là yếu tố quan trọng trong cân nhắc của các tập đoàn, công ty của quốc gia họ trong việc phát triển đầu tư – thương mại trong quyết định đến kinh doanh ở Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nước được coi là công xưởng của thế giới, nơi doanh nghiệp của các quốc gia này đang đầu tư rất nhiều, đang gặp phải vấn đề giá nhân công tăng cao, và những bất ổn nhất định.
Lĩnh vực được các doanh nghiệp nước ngoài nhất là từ châu Âu, quan tâm là đầu tư công nghệ sạch ở Việt Nam. Những vấn đề môi trường nổi cộm ở Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là với các dự án khai thác tài nguyên, đã cảnh báo rằng Việt Nam có thể trở thành bãi thải của thế giới, khiến các nhà hoạch định chính sách đầu tư ở Việt Nam không thể làm ngơ.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt – Pháp tại Hà Nội cuối tuần trước, Thủ tướng François Fillon cũng đã nhấn mạnh trên cơ sở hợp tác giữa hai chính phủ, các doanh nghiệp Pháp có thể hợp tác với Việt Nam đưa ra phương án tối ưu trong việc vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường, duy trì phát triển bền vững.
Còn Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen đầu tuần vừa rồi lại khẳng định Phần Lan sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam thông qua các dự án, chương trình phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích và hỗ trợ hợp tác công – tư trong phát triển công nghệ xanh, gia tăng sử dụng các giải pháp sạch trong công nghiệp. “Các doanh nghiệp Phần Lan, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều kinh nghiệm trong sử dụng giải pháp cho ngành nước, lọc khí, tái chế, sản xuất năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch vụ”, ông Vanhanen nói.
Một lĩnh vực nữa được các doanh nghiệp quan tâm là công nghiệp đóng tàu, chủ yếu là từ Đan Mạch và Phần Lan. Một quyết định bảo lãnh phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu để vực tập đoàn còn non trẻ nhưng quá nhiều tham vọng, với những quyết định đầu tư tràn lan thiếu hiệu quả trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng do khủng hoảng, là chưa đủ. Sự hợp tác đầu tư từ những nước có nền công nghiệp đóng tàu phát triển ở trình độ cao, nhất là nguồn vốn, mang theo kỳ vọng, nếu thực hiện được, sẽ giúp Vinashin trở thành một tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ thực sự, thay vì chỉ gia công vỏ tàu.
Cùng với việc luôn đề nghị các quốc gia nói trên tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam, kỳ vọng về dòng vốn đầu tư từ đó cũng giúp Việt Nam có cái nhìn đỡ bi quan hơn về hiện trạng thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, theo uỷ ban kinh tế Quốc hội là 1,9 tỉ USD, và sự co lại của quỹ Dự trữ ngoại hối, theo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có thể giảm khoảng 5 – 6 tỉ USD so với cách đây một năm.
Cũng chính vì vậy, trong chuyến thăm Singapore của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, hai nước đã cam kết thúc đẩy hiệp định khung kết nối Việt Nam – Singapore, một khuôn khổ hợp tác rất đặc thù trên sáu lĩnh vực ưu tiên, nhất là về tài chính, vận tải biển và công nghiệp. Ngoài việc muốn thu hút thêm các doanh nghiệp Singapore vào đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các nguồn đầu tư vốn từ trung tâm tài chính này, chẳng hạn thông qua việc phát hành trái phiếu tại thị trường chứng khoán ở đảo quốc này.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét