Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hội nghị tiểu vùng sông Mekong mở rộng: Bảo vệ nguồn nước không được quan tâm


Ngày 25.06.2009, 07:48 (GMT+7)

Đập Mạn Loan, một trong những con đập lớn của Trung Quốc xây trên dòng Mekong, bất chấp những hậu quả môi trường các nước hạ nguồn như Việt Nam phải gánh. Ảnh: Pouv Savuth
SGTT - Trong tuyên bố chung đưa ra khi kết thúc hội nghị cấp bộ trưởng Các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 15 diễn ra ở Petchaburi, Thái Lan, vào cuối tuần trước, các bộ trưởng và quan chức phụ trách tài nguyên, môi trường và khí tượng đã kêu gọi các nước đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, thân thiện với môi trường. Lâu nay người ta đã cảnh báo về việc phát triển thuỷ điện ồ ạt trên thượng nguồn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và đời sống dân cư nơi hạ nguồn.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ đoàn Việt Nam, câu chuyện trước và trong tiến trình diễn ra hội nghị không hẳn như vậy. Trong quá trình trao đổi về nội dung trước hội nghị, một số nước, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra vấn đề bảo vệ nguồn nước cho khu vực hạ nguồn sông Mekong, nhưng phía Trung Quốc, quốc gia quản lý thượng nguồn con sông này, đã không chấp nhận đưa vào chương trình bàn thảo. “Họ cảnh báo, nếu đưa vào, hội nghị sẽ thất bại”, một thành viên trong đoàn Việt Nam, giấu tên, nói.
Điều này đặc biệt gây hụt hẫng lớn với những nước bị ảnh hưởng, bởi cách đây hơn một năm, tại hội nghị thượng đỉnh GMS tại Lào, người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ một cách mạnh mẽ, đến mức đáng ngạc nhiên, cho sự phát triển chung trong tiểu vùng, trong đó có việc bảo vệ nguồn nước và môi trường. Trước đó, chính quyền Trung ương của nước này coi vấn đề sông Mekong là chuyện riêng của Vân Nam với các quốc gia Đông Nam Á mà con sông này chảy qua.
Ngay cả trước yêu cầu chia sẻ thông tin từ những nước như Việt Nam, Lào, hay Campuchia, chỉ đợi đến khi chủ toạ của hội nghị này nhấn mạnh về sự cần thiết của nó, đại diện phía Trung Quốc, mới chấp nhận sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền của mình. Tại hội nghị lần này, Trung Quốc chỉ cử vụ phó vụ Quốc tế, bộ Tài chính, tham gia, từ phiên họp với các nhà tài trợ và cấp bộ trưởng, với lý do lãnh đạo cấp bộ của họ bận. “Với bất cứ vấn đề nào được coi là nhạy cảm với Trung Quốc được đề cập tới, ông vụ phó Wu Jinkang này đều nói là không đủ thẩm quyền bàn thảo”, thành viên nói trên của đoàn Việt Nam cho biết.
Theo giáo sư Phạm Hồng Giang, chủ tịch hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, hiện nay tại vùng Vân Nam, Trung Quốc, có 15 đập thuỷ điện lớn trên dòng chính đã được quy hoạch, và khoảng một nửa đã và đang được xây dựng. Trong đó, các đập lớn đã xây xong bao gồm Tiểu Loan với công suất thuỷ điện 4.200MW và dung tích hồ hơn 15 tỉ m3), Nuozhadu với công suất thuỷ điện 5.500MW, dung tích hồ gần 23 tỉ m3. Còn với số đập đã thiết kế nhưng chưa xây dựng, tổng lượng nước dự trữ trong các hồ vào khoảng 55 tỉ m3. “Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do ở cuối nguồn, với nguy cơ lớn nhất là thiếu nước trong mùa khô. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển sẽ dâng lên mặn thâm nhập sâu trên toàn vùng đồng bằng, và đây sẽ không còn là vựa lúa nữa mà trở thành hoang mạc cằn cỗi”, giáo sư Giang cảnh báo.
Các đại biểu dự hội nghị, ngoài việc tạm hài lòng với những cam kết của các nhà tài trợ, như ADB, WB, IMF, Nhật Bản, Pháp, Anh và đặc biệt là Mỹ, tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác tiểu vùng về giao thông, thương mại, hay phát triển nguồn nhân lực, đành phải chờ tới tháng 3, hoặc tháng 4 năm sau, khi hội nghị bộ trưởng GMS lần thứ 16 được tổ chức tại Việt Nam, xem đại diện phía Trung Quốc cử sang có được trao thẩm quyền bàn thảo về vấn đề nóng bỏng này hay không.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét