Ngày 02.04.2010, 12:02 (GMT+7)
Thủ tướng Việt Nam thăm Myanmar
Không chỉ thúc đẩy thương mại – đầu tư
SGTT - Hôm nay, 2.4.2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Myanmar, trong chuyến thăm chính thức lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng. Việc có đại diện của 75 doanh nghiệp tháp tùng thủ tướng cho thấy mục tiêu thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư sẽ là trọng tâm của chuyến thăm kéo dài ba ngày này.
Ngoài cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Myanmar, Thủ tướng Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc hội chợ Việt Nam – Myanmar, diễn ra 3 – 6.4, với sự tham gia của những doanh nghiệp tháp tùng đoàn, và dự lễ khai trương chính thức đường bay Hà Nội – Yangoon, đã được Vietnam Airlines mở cách đây một tháng với bốn chuyến/tuần.
Myanmar – mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá
Theo bà Phạm Thị Hồng Thanh, phó vụ trưởng phụ trách thị trường Myanmar của vụ châu Á – Thái Bình Dương, kim ngạch của hai tháng đầu năm 2010 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ (đạt 17,2 triệu USD) là một dấu hiệu đáng hy vọng. Cho đến nay, Việt Nam nhập nguyên liệu thô như gỗ, lâm sản và mủ cao su từ Myanmar, và bán sang nước này các sản phẩm chế tạo như máy móc, thiết bị, phụ tùng, phụ liệu cho ngành may mặc – da giày, dược phẩm, thiết bị y tế, hay hoá mỹ phẩm.
Hiện nay, đầu tư của Việt Nam ở Myanmar vẫn chỉ dừng ở một vài dự án viễn thông của Viettel, hay khai thác mỏ đá quý của tổng công ty Sông Đà. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò chủ đạo của ngân hàng Đầu tư – phát triển Việt Nam (BIDV), đã sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư trong 12 lĩnh vực, như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin...
“Các doanh nghiệp của cả hai bên đều hào hứng với triển vọng hợp tác này, bởi họ cho rằng Myanmar là mảnh đất màu mỡ duy nhất còn chưa bị khai phá trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng triển khai khá khó khăn do thủ tục hành chính ở Myanmar khá rườm rà và đóng”, một quan chức bộ Ngoại giao, giấu tên, người đã tham gia hai cuộc hội thảo đầu tư ở Nay Pyi Taw vào giữa tháng 1.2010, nhận xét.
Tiếp tục sứ mệnh trung gian dàn xếp?
Theo giới quan sát, việc chuyến thăm diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2010, nơi vấn đề thực hiện lộ trình dân chủ hoá bảy bước ở Myanmar dự kiến cũng được đề cập, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không dừng lại ở mục đích thương mại. Giữa tuần trước, ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo tiết lộ với báo giới rằng ông sẽ kêu gọi các ngoại trưởng ASEAN khác, khi họ gặp nhau ở Hà Nội vào ngày 8.4 tới, gây sức ép buộc Myanmar phải rút lại đạo luật cấm nhà bất đồng chính kiến Aung San Suu Kyi tham gia cuộc bầu cử, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong năm nay.
Việt Nam, cho đến nay, vẫn kiên trì với nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ thành viên nào. Mặc dù vậy, theo trợ lý ngoại trưởng Phạm Quang Vinh, Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN tiếp tục giữ quan điểm “hoà bình, ổn định và phát triển của Myanmar vẫn được gắn kết với việc thực hiện cam kết dân chủ hoá và hoà giải dân tộc”.
Hơn nữa, Việt Nam đã đặt quyết tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình là tăng cường kết nối nội khối trong ASEAN và thúc đẩy quan hệ của khối này với các đối tác bên ngoài, trong khi đó vấn đề Myanmar luôn là một trong những thách thức của các nỗ lực này. Đây là thời điểm để Việt Nam thể hiện khả năng trung gian dàn xếp của mình.
Còn nhớ, Việt Nam đã từng đóng thành công vai trò này, khi cùng tham gia giải quyết mâu thuẫn căng thẳng giữa Myanmar và EU trước thềm ASEM 5 (2004), để cuối cùng quốc gia Đông Nam Á này vẫn được kết nạp vào tổ chức Á – Âu tại Hà Nội.
HUỲNH PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét