Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Vụ bạo loạn ở Tân Cương: Bùng nổ vì bị khai thác quá mức

Ngày 07.07.2009, 22:18 (GMT+7)

Một phụ nữ thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ thể hiện sự phản đối trước lực lượng an ninh Trung Quốc. Ảnh: Reuters
SGTT - Vụ bạo loạn Tân Cương diễn ra từ ngày 5.7.2009 đến nay vẫn chưa chấm dứt dù 20.000 nhân viên an ninh đã được điều động để lập lại trật tự. Máu đã đổ, 156 người chết, hơn 1.400 người bị bắt. Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến sự kiện này. Ông Dương Danh Dy, một người có thể gọi là am hiểu về Trung Quốc đã phân tích những nguyên nhân sâu xa, âm ỉ xung quanh sự kiện này

Nhà đương cục Trung Quốc tuyên bố rằng vụ bạo loạn xay ra ở Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, là do sự xúi giục và kích động từ bên ngoài. Xin ông cho biết bình luận của mình.

Họ cũng có lý đó. Đầu những năm ’60 của thế kỷ trước, có mấy vạn người bỏ chạy sang nước ngoài, nhất là mấy nước Hồi Giáo thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Turgikistan. Những người này rất muốn khôi phục nhà nước Hồi giáo Đông Đột (Đông Turgikistan) ở Tân Cương, đã được lập ra vào khoảng 1945-1946, trước khi bị sáp nhập lại vào lãnh thổ Trung Quốc khi cuộc cách mạng ở nước này thành công vào năm 1949.

Việc Trung Quốc tích cực thành lập Nhóm Sáng kiến Thượng Hải bao gồm Nga với mấy nước Cộng hoà Hồi giáo Trung Á thuộc Liên xô cũ, và đầu tư rất nhiều vào nhóm này, cũng nhằm lập một vành đai an toàn để ngăn chặn xu hướng phục quốc này.

Trong quá trình nghiên cứu sự phát triển ảnh hưởng và lãnh thổ của người Hán hàng ngàn năm qua, tôi thấy có ba khu vực mà họ không thể đồng hoá được. Ngoài Việt Nam, đó là Tây Tạng và Tân Cương.

Nhưng, theo tôi, đó chỉ là một trong những nguyên nhân thôi. Nguyên nhân trực tiếp và xâu xa nằm ở chỗ khác.

Những nguyên nhân đó là gì, thưa ông?

Nguyên nhân trực tiếp là vụ xung đột giữa mấy trăm công nhân Hồi Tân Cương là việc ở một nhà máy đồ chơi ở Thiều Quan, Quảng Đông, với công nhân người Hán tại đó, cách đây khoảng hơn mươi hôm, do bất đồng ngôn ngữ, hay phong tục tập quán gì đó. Kết quả là hai công nhân người Hồi bị thiệt mạng.

Còn nguyên nhân sâu xa là chính sách dân tộc của Trung Quốc không thuyết phục được người Hồi. Họ cảm thấy văn hoá, tín ngưỡng, ngôn ngữ của họ không được người Hán tôn trọng. Vùng đất đai mà tổ tiên họ để lại đa phần lại nằm trong tay người Hán, mọi hoạt động kinh tế thương mại chính đều nằm trong tay người Hán. Ông Vương Chấn, người sau này trở thành phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa Trung Quốc, đã đưa quân đội lên Tân Cương khai khẩn, lập nông trường, để bây giờ người Hán chiếm tới 75% dân số ở Tân Cương.
Sự không hài lòng âm ỉ từ lâu bị thổi bùng lên do sự kiện ở Thiều Quan. Chính nhà đương cục Trung Quốc cũng cảm thấy bất ngờ.

Ngoài lý do là một số người Hồi Tân Cương muốn thành lập một khu tự trị riêng, liệu xu hướng muốn ly khai của họ còn có nguyên nhân từ việc phát triển nóng tập trung vào miền duyên hải phía Đông của nền kinh tế Trung Quốc khiến người dân những vùng sâu vùng xa như Tân Cương cảm thấy họ bị thiệt thòi, bị tụt hậu so với phần phía Đông không?

Đúng thế. Họ quá tập trung tiền của đất nước để phát triển miền Đông, tạo ra khoảng cách về trình độ phát triển và giàu nghèo quá lớn giữa miền Đông và miền Tây. Để có thể phát triển nhanh, Trung Quốc đã phạm phải nhược điểm là khai thác quá mức sức lao động và tài nguyên, dẫn đời sống người lao động không mấy được cải thiện, tài nguyên thì cạn kiệt và môi trường thì ô nhiễm.

Chính điều này là một trong những nguyên nhân mang lại hậu quả là có hàng vạn cuộc bạo loạn nổ ra ở Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây.

Hành động cứng rắn của Trung Quốc đối với cuộc bạo loạn vừa rồi, thông qua số người bị thiệt mạng, bị thương và bị bắt, liệu có liên quan gì đến kinh nghiệm riêng của ông Hồ Cẩm Đào, người cách đây 20 năm là bí thứ thứ nhất khu uỷ Tây Tạng không?

Tôi nghĩ là có. Đây cũng có lẽ là lời răn đe với Tây Tạng. Nhưng tôi cũng muốn so sánh vụ này với một vụ khác lớn hơn diễn ra cách đây 20 năm, vào ngày 4/6. Qui mô và tính chất có khác, nhưng có lẽ cùng một thông điệp.

Ông Đặng Tiểu Bình đã từng căn dặn các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên “giấu mình chờ thời” trong phát triển, tránh phô trương thế mạnh kẻo các nước khác dè chừng. Nhưng gần đây, có vẻ như lãnh đạo Trung Quốc đi theo hướng ngược lại. Ngoài các động thái răn đe với các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông, họ đã thách thức cả với Mỹ. Có phải do vấn đề bất ổn nội bộ là lý do chính không, thưa ông?

Mọi người đều biết khi nội bộ có vấn đề, TQ thường tìm cách chuyển trọng tâm chú ý trong nước ra ngoài, nhưng Biển Đông thì không phải như vậy.

Hiện trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc có một phái quá khích, muốn Trung Quốc trờ thành siêu cường số một càng sớm càng tốt, và giọng điệu phát biểu của họ đầy thách thức các nước khác, kể cả Mỹ; Phái còn lai cũng muốn đạt mục đích tương tự, nhưng âm thầm hơn. Họ coi Trung Quôc chưa sẵn sàng thay thế vai trò số một của Mỹ, không nên đối kháng với Mỹ mà nên hoà hợp để cùng phát triển.

Tôi xin đưa ra một ví dụ minh họa: lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đã vạch ra một vòng tròn gọi là vòng ổn định nội bộ. Trong vòng tròn đó các phái có thể đấu tranh với nhau, nhưng nếu khi các bên vật lộn có cái tay hay cái chân nào đó thò ra khỏi vòng tròn đó thì lập tức các phái phải phải ngồi lại để thoả thuận, và nhượng bộ nhằm duy trì ổn định nội bộ.

Tôi nghĩ sau vụ này lãnh đạo Trung Quốc sẽ rút được những bài học hữu ích. Họ đã quá hiểu bất ổn nội bộ phải trả giá như thế nào. Chính người Trung Quốc đã nói rằng Mao Trạch Đông trong suốt thời kỳ cẩm quyền của mình đã tiêu tốn 50% nguồn lực của đất nước cho các cuộc đấu đá nội bộ.

Huỳnh Phan thực hiện
Đến tối ngày 7.7, Trung Quốc đã cắt internet, chận trang mạng xã hội Twitter và các công cụ truyền thông đưa tin về vụ bạo loạn ở Tân Cương diễn ra mấy ngày nay. Tuy nhiên, các nhà báo quốc tế vẫn được mời đến thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ Tân Cương, nơi diễn ra cuộc bạo loạn, để đưa tin, sau khi quân đội đã dẹp tan các cuộc biểu tình ở đó.
Trưa ngày 7.7, vẫn còn hàng ngàn người Hán cầm gậy gộc đổ ra đường tìm những người sắc tộc để trả thù. Những người này đập phá các cửa hàng của những người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán. Trước đó Trung Quốc huy động hơn 20.000 nhân viên an ninh để lập lại trật tự ở Tân Cương. Vụ bạo loạn làm 156 người thiệt mạng, hơn 1.400 người bị bắt. Các vụ bạo lực bùng phát từ ngày 5.7 tại thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề.
Giám đốc sở Công an Tân Cương Lưu Dược Hoa cho biết trong vụ bạo loạn có hơn 260 xe hơi, trong đó có 190 xe buýt, 10 xe taxi và 2 xe cảnh sát bị đốt phá. Hơn 200 cửa hàng và 14 ngôi nhà đã bị phá huỷ. Nhiều trạm kiểm soát đã được thiết lập bổ sung tại các khu vực chủ chốt ở Ô Lỗ Mộc Tề và một số vùng ngoại ô để ngăn chặn bạo lực tái bùng phát. Cảnh sát cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 20h (giờ địa phương) tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét